Nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo, giám sát, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh

08:06, 04/06/2019

Với đặc thù hoạt động, Agribank Chi nhánh Lâm Ðồng II luôn chú trọng ưu tiên vốn cho vay nông nghiệp nông thôn, trong đó tập trung vào cho vay tái canh cải tạo giống cà phê, cho vay rau, hoa công nghệ cao, nông nghiệp sạch, cho vay xây dựng nông thôn mới, cho vay theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm...

Với đặc thù hoạt động, Agribank Chi nhánh Lâm Ðồng II luôn chú trọng ưu tiên vốn cho vay nông nghiệp nông thôn, trong đó tập trung vào cho vay tái canh cải tạo giống cà phê, cho vay rau, hoa công nghệ cao, nông nghiệp sạch, cho vay xây dựng nông thôn mới, cho vay theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm...
 
Nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo, giám sát, giúp ổn định chất lượng tín dụng, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh. Ảnh Quốc Khanh
Nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo, giám sát, giúp ổn định chất lượng tín dụng, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh. Ảnh Quốc Khanh
 
Qua 2 năm sau khi chia tách, với mạng lưới hoạt động trải dài trên địa bàn các huyện Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và thành phố Bảo Lộc, bao gồm 1 hội sở, 8 chi nhánh loại II, 9 phòng giao dịch, Agribank  Chi nhánh Lâm Đồng II đã có dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của chi nhánh đã tăng 5.566 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 75%, tỷ trọng trên tổng dư nợ đã tăng 10% so với đầu năm 2017. Kết quả đó đã góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế xã hội và thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ cho khu vực này cũng tiềm ẩn những rủi ro không nhỏ, có thể ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của chi nhánh, khi khách hàng thường xuyên gặp phải những rủi ro bất khả kháng (như thiên tai, dịch bệnh, giá cả bấp bênh, đầu ra thiếu ổn định…); khách hàng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa vay tiêu dùng trả góp; địa bàn rộng, các khoản vay nhỏ lẻ, số lượng món vay lớn làm gia tăng áp lực đối với cán bộ tín dụng, ảnh hưởng đến khả năng giám sát khoản vay… 
 
Để duy trì, kiểm soát được chất lượng tín dụng, ngoài việc nghiêm túc thực hiện các quy định, quy chế tín dụng, các thông tin cảnh báo và các nội dung chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, của Agribank; Agribank Chi nhánh Lâm Đồng II đã thực hiện những giải pháp, như: Hàng năm, căn cứ vào kết quả hoạt động kinh doanh và kết quả xếp hạng, Ban Giám đốc giao mức phán quyết cho vay phù hợp đến từng đơn vị trực thuộc, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng nhưng cũng phù hợp với năng lực thẩm định, quản lý tại từng đơn vị; phân công cụ thể mức thẩm định và địa bàn cho vay phù hợp với năng lực của từng chi nhánh, đơn vị trực thuộc. 
 
Ban Giám đốc thường xuyên đôn đốc, phối hợp các chi nhánh, đơn vị trực thuộc áp dụng các sản phẩm cho vay, đơn giản hóa hồ sơ thủ tục vay vốn, như hạn mức tín dụng đối với cá nhân kinh doanh quy mô nhỏ, cho vay lưu vụ, cho vay qua tổ vay vốn, tổ liên kết… nhằm giảm áp lực thực hiện hồ sơ vay, qua đó, tăng cường khả năng giám sát khoản vay đối với cán bộ tín dụng. Đối với các khoản nợ, cán bộ quản lý khoản vay phải luôn theo dõi và giám sát kỹ trong quá trình cho vay; thường xuyên kiểm tra và thu thập thông tin về khách hàng vay; xem xét những khoản nợ nào có vấn đề để phân tích, tìm ra nguyên nhân, từ đó, kịp thời đưa ra những biện pháp xử lý; tuân thủ đúng quy trình xử lý nợ theo các văn bản quy định của Agribank, không để kéo dài dẫn đến nguy cơ nợ xấu. 
 
Trong 4 tháng đầu năm 2019, Agribank Chi nhánh Lâm Đồng II đã đạt được kết quả một số chỉ tiêu kinh doanh: Tổng nguồn vốn huy động đến 30/4/2019 đạt 5.139 tỷ đồng, bằng 84,63% kế hoạch. Tổng dư nợ đến 30/4/2019 là 13.365 tỷ đồng; tăng 185 tỷ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng 1,4%, đạt 93,66% kế hoạch; trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn là 13.138 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 98,3%/ tổng dư nợ. Tổng số nợ xấu nội bảng đến 31/12/2018 là 22,8 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu 0,17% trên tổng dư nợ. Tổng doanh thu phí dịch vụ trong năm đạt 15,2 tỷ đồng.

Thường xuyên cập nhật danh sách những khoản nợ quá hạn, nợ tiềm ẩn chuyển nợ xấu… để kịp thời đôn đốc, phối hợp các chi nhánh, đơn vị trực thuộc đưa ra những biện pháp xử lý, không để nợ xấu phát sinh; rà soát việc thực hiện phân loại nợ theo đúng quy định, việc chấm điểm xếp hạng khách hàng, phân loại nợ của cán bộ tín dụng, nhằm phản ánh đúng chất lượng từng khoản vay; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cho vay và quản lý khoản nợ vay; tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, kiểm tra định kỳ việc chấp hành quy chế, quy trình nghiệp vụ, nâng cao kỷ cương, ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp của mỗi cá nhân…

Ông Vũ Bảo Quân - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Lâm Đồng II, cho biết thêm: Ban Giám đốc cũng thường xuyên tổ chức tập huấn và hướng dẫn các văn bản tín dụng mới ban hành, kiến thức pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng để nâng cao chất lượng, kỹ năng thẩm định và đạo đức nghề nghiệp; thực hiện giao chỉ tiêu cụ thể đến từng cán bộ tín dụng; đồng thời, gắn với việc phân phối tiền lương kinh doanh và bình xét thi đua, khen thưởng tháng, quý, năm; phối hợp với các chi nhánh, đơn vị trực thuộc tăng cường mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền cơ sở (thị trấn, xã) để nắm bắt thông tin khách hàng và xử lý thu hồi nợ, cũng như giúp khách hàng phát triển kinh tế…
 
LÊ HOA