Người dân mong mỏi cây cầu dân sinh

08:06, 19/06/2019

Nhiều năm qua, người dân thôn Liêng K'Rắc II, xã Ðạ M'Rông, huyện Ðam Rông và người dân huyện Lắk, tỉnh Ðắk Lắk phải đi qua con đò trên sông K'rông Nô để đến nương rẫy...

Nhiều năm qua, người dân thôn Liêng K’Rắc II, xã Ðạ M’Rông, huyện Ðam Rông và người dân huyện Lắk, tỉnh Ðắk Lắk phải đi qua con đò trên sông K’rông Nô để đến nương rẫy. Tuy nhiên, nguy hiểm luôn rình rập, khiến bà con nơi đây không khỏi lo lắng. Từ lâu, họ mong ước có được cây cầu để thuận tiện qua lại sản xuất, từng bước nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần.
 
Nước sông lên xuống thất thường, người qua đò bị đe dọa đến tính mạng. Ảnh: P.Lâm
Nước sông lên xuống thất thường, người qua đò bị đe dọa đến tính mạng. Ảnh: P.Lâm
 
Hình ảnh người phụ nữ đưa đò qua sông K’rông Nô, ranh giới giữa 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk rất đỗi quen thuộc với người dân xã Đạ M’Rông. Người phụ nữ thầm lặng đưa đò tên K’Tro - dân tộc M’nông (28 tuổi, ngụ thôn Liêng K’Rắc II, xã Đạ M’Rông, huyện Đam Rông). K’Tro cho biết, con đò này đã hoạt động rất lâu trên sông và chị được người anh rể truyền nghề đã 5 năm qua.
 
Hằng ngày K’Tro bắt đầu công việc từ lúc 5h30 sáng đến chiều tối muộn, thức ăn mang theo cho cả ngày chỉ mấy miếng bánh tráng hoặc nắm cơm nguội. “Ngày trước, người dân quanh vùng làm rẫy phải đi qua đây, nhưng từ ngày có con đường liên thôn nối xã Đạ Rsal với các xã Đạ Long, Đạ Tông, chuyến đò này dần ít khách qua lại, bởi thế giờ đò ế, người ta bỏ nghề gần hết. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh, và hơn nữa là giúp người dân 2 bên bờ qua lại nhanh hơn nên mình vẫn lặng lẽ đưa đò. Sau chuyến đò khách trả 5.000 đồng/lượt, nhiều lúc khách qua sông quên mang theo tiền nhưng mình vẫn vui vẻ giúp đỡ”, K’Tro chia sẻ. 
 
Khác với những chiếc đò ở vùng sông nước, đò của K’Tro không có tay chèo mà nhờ vào đoạn dây thừng dài khoảng 30-40 m, được nối hai đầu bắc qua sông, rồi cứ thế di chuyển đò tiến về phía trước. Nước sông chảy xiết, con đò chòng chành như muốn lật úp, khiến người nào lần đầu đi qua không khỏi lo sợ.
 
Theo chị K’Tro, làm nghề này phải có sức khỏe, nhất là lúc đò ra giữa dòng sông phải cẩn thận, không con đò sẽ bị cuốn theo dòng nước. Những ngày đầu vào nghề, có đôi lần khách và xe máy bị ngã xuống sông, may mắn mùa khô nước cạn nên đã cứu được cả người và xe gặp nạn lên bờ an toàn.
 
Không những thế, vào mùa cà phê, bà con trong vùng và nhân công đi qua con đò này nhiều hơn, ngoài việc chở người, đò của K’Tro còn phải “gồng gánh” thêm nhiều bao cà phê. Lúc này, đò lắc lư như muốn chìm. Nhiều người nơm nớp lo lắng, nếu không may đò bị lật thì rất có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vào mùa mưa, đò tạm ngưng, khiến việc đi lại của người dân trong vùng gặp không ít khó khăn. 
 
Theo ông Nguyễn Hoàng Mai - Chủ tịch UBND xã Đạ M’Rông, huyện Đam Rông, bến đò này do lực lượng Công an xã quản lý và cấm hoạt động khi có mưa to, gió lớn, gây nguy hiểm cho người qua sông. Trong những buổi tiếp xúc cử tri, đơn vị có đề xuất để xây dựng cây cầu qua sông K’rông Nô, tạo thuận lợi cho người dân cũng như giao thương giữa 2 tỉnh, nhiều đơn vị có về khảo sát nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. 
 
Với những mong mỏi thiết thực của người dân, hy vọng trong thời gian tới, các cấp chính quyền 2 tỉnh Lâm Đồng và Đăk Lắk sẽ sớm xây dựng một cây cầu kiên cố để người dân 2 bên bờ sông K’rông Nô qua lại thuận tiện hơn. 
 
PHƯƠNG LÂM