Tín hiệu tích cực từ Chương trình giảm nghèo bền vững

07:07, 09/07/2019

Qua 3 năm (từ tháng 9/2016) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Lâm Ðồng đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5,19% xuống còn 2,85%;...

Qua 3 năm (từ tháng 9/2016) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Lâm Ðồng đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5,19% xuống còn 2,85%; toàn tỉnh còn 9.046 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,85% (giảm 3.122 hộ, tỷ lệ giảm 1,06%), trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn 6.008 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,5% (giảm 2.019 hộ, tỷ lệ giảm 3,06%)… Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, từ thiện, nhân đạo… thì nguồn vốn đầu tư chính là công cụ đắc lực để tạo nên những tín hiệu tích cực…
 
Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho sản xuất chăn nuôi góp phần ổn định đời sống của nhiều hộ dân. Ảnh: L.Hoa
Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho sản xuất chăn nuôi góp phần ổn định đời sống của nhiều hộ dân. Ảnh: L.Hoa
 
Cũng trong vòng 3 năm, huyện nghèo Đam Rông còn 2.565 hộ nghèo, tỷ lệ 19,22% (giảm 933 hộ, tỷ lệ giảm 8,25%), hộ nghèo dân tộc thiểu số huyện Đam Rông còn 2.358 hộ, tỷ lệ 31,83% (giảm 783 hộ, tỷ lệ giảm 10,43%). Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm còn dưới 1,9% và không còn xã có trên 20% hộ nghèo,… Các địa phương có mức giảm nghèo tốt nhất trong 3 năm qua là thành phố Đà Lạt; các huyện Cát Tiên, Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương. 
 
Các chính sách giảm nghèo chung được các địa phương kịp thời thực hiện đó là: Đã cấp 309.108 thẻ bảo hiểm y tế, trong đó người thuộc hộ nghèo 18.477 thẻ, người thuộc hộ cận nghèo 27.128 thẻ, người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn 32.136 thẻ, người đồng bào dân tộc thiểu số 185.236 thẻ, người thuộc hộ gia đình làm nông lâm nghiệp có mức sống trung bình 46.131 thẻ; doanh số cho vay hộ nghèo 42.781 triệu đồng/967 hộ, hộ cận nghèo 76.258 triệu đồng/1.711 hộ, hộ thoát nghèo 132.096 triệu đồng/2.982 hộ, hộ xuất khẩu lao động 145 triệu đồng/2.982 hộ; xây mới 15 căn nhà ở cho hộ nghèo theo Đề án 654/UBND-VX ngày 5/2/2016 (Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở).
 
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2019 là 128,9 tỷ đồng, các địa phương đã hoàn thành công tác giao nhiệm vụ và phân bổ chi tiết vốn và triển khai thực hiện. 
 
Đến 31/5/2019 đã giải ngân 6,4 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, bằng 7,5%; ước đến 30/6/2019, giải ngân 28,7 tỷ đồng, bằng 33,8% kế hoạch.
 
Chương trình 30a (Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững triển khai trên địa bàn huyện Đam Rông) được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 4 công trình chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2019 (2 công trình đường giao thông quy mô 6,7 km, 1 công trình nước sạch cấp nước cho 300 hộ dân, 1 công trình trường học); khởi công xây dựng và nâng cấp 7 công trình đường giao thông quy mô 14,8 km, 4 công trình trường học, 2 công trình nước sinh hoạt phục vụ 435 hộ dân, trồng mới và chăm sóc khoảng 32 ha rừng. Đến 31/5/2019, đã giải ngân 4,4 tỷ đồng, bằng 8,2%; ước đến 30/6/2019, giải ngân 21,7 tỷ đồng, bằng 40,2% kế hoạch. Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, Tập đoàn Than - Khoáng sản hỗ trợ 3 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng.
 
Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi) đầu tư cơ sở hạ tầng tại 11 xã và 110 thôn đặc biệt khó khăn, đã phân bổ vốn đầu tư xây dựng và nâng cấp 68 công trình đường giao thông với quy mô 29,381 km, 3 công trình thiết chế văn hóa cấp thôn và xã, 8 công trình nước sạch, công trình y tế, 1 công trình thủy lợi; đăng ký trồng rừng theo kế hoạch 32 ha, chăm sóc rừng trồng năm 2, năm 3 khoảng 19,1 ha. Đến 31/5/2019, thanh toán giải ngân 1,9 tỷ đồng, bằng 6,2% kế hoạch; ước đến 30/6/2019, thanh toán giải ngân 7 tỷ đồng, bằng 22,5% kế hoạch.
 
Bằng nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình, các địa phương đang lập kế hoạch triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ phân bón, giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ dân; xây dựng các mô hình tạo việc làm; hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; trang bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động cho 7 xã đặc biệt khó khăn, xã miền núi; duy tu bảo dưỡng các công trình; nâng cao năng lực và thực hiện công tác truyền thông về giảm nghèo, giới thiệu gương điển hình, mô hình giảm nghèo hiệu quả; quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện hằng năm... góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại Lâm Đồng.
 
LÊ HOA