Vẫn còn tình trạng mua bán thuốc BVTV chứa chất cấm

07:07, 09/07/2019

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký nhiều quyết định về việc loại bỏ các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa 2 hoạt chất gồm Carbendazim và Paraquat ra khỏi danh mục kinh doanh tại Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã ký nhiều quyết định về việc loại bỏ các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có chứa 2 hoạt chất gồm Carbendazim và Paraquat ra khỏi danh mục kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều đại lý, cơ sở kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh vẫn ngang nhiên mua bán thuốc chứa chất cấm.
 
Nông dân rất dễ dàng tìm mua thuốc cấm nếu có nhu cầu.
Nông dân rất dễ dàng tìm mua thuốc cấm nếu có nhu cầu.
 
Mua thuốc cấm dễ như mua rau
 
Quyết định này căn cứ trên các bằng chứng khoa học về thuốc BVTV gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường... Nhưng để các doanh nghiệp có thời gian giải quyết hết lượng hóa chất nói trên, Bộ NN - PTNT đã cho thêm thời hạn 1 năm kể từ thời hạn cấm nhập khẩu và sản xuất để các doanh nghiệp tìm cách tiêu thụ hết.
 
Như vậy, theo đúng lộ trình, từ ngày 8/2/2019, việc kinh doanh loại thuốc trừ cỏ có hoạt chất Paraquat đã bị cấm. Còn thuốc BVTV chứa hợp chất Carbendazim sẽ có hiệu lực từ ngày 3/1/2019. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn còn rất nhiều cơ sở kinh doanh thuốc BTVT tại TP Đà Lạt bất chấp lệnh cấm vẫn ngang nhiên bày bán các loại thuốc độc hại này.
 
Trong vai người đi mua thuốc cỏ cháy, chúng tôi tìm đến một cửa hàng vật tư nông nghiệp tại Phường 10, TP Đà Lạt. Khi được khách hỏi, có bán thuốc cỏ cháy không, ngay lập tức chủ cửa hàng lấy từ trên kệ một lọ thuốc Gramoxone dung tích 100 ml với giá 20.000 đồng.
 
Theo thông tin ghi trên nhãn mác thì đây là thuốc trừ cỏ có hoạt chất Paraquat ion 200 g/lít, là thuốc trừ cỏ không chọn lọc hậu nảy mầm, do Công ty TNHH Syngenta Việt Nam đăng ký và chịu trách nhiệm về sản phẩm. 
 
Paraquat bị xếp vào nhóm rất độc với thủy sinh, để lại hậu quả lâu dài cho môi trường và đã bị cấm sử dụng ở trên 30 quốc gia. Việc sử dụng hóa chất này trong trừ cỏ không có kiểm soát rất dễ bị phơi nhiễm với con người qua da và hô hấp như: nhiệt độ, độ ẩm cao, thiếu trang thiết bị bảo hộ lao động, dụng cụ phun xịt không an toàn, khu vực phun thuốc thiếu sự kiểm soát...
 
Carbendazim hiện đã bị nhiều nước trên thế giới, nhất là các thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU cấm sử dụng. Vì vậy, tồn dư của Carbendazim trên nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã bị nhiều thị trường cảnh báo. Bên cạnh đó, đây cũng là hoạt chất hóa học có độc tính cao, với nhiều tác động tới môi trường, hệ sinh thái cũng như sức khỏe con người.

Theo chủ cơ sở kinh doanh, đây là loại thuốc người dân trong vùng hay mua sử dụng từ nhiều năm nay và đã bị cấm nhưng người dân chỉ sử dụng để diệt cỏ bờ vùng bờ thửa thôi.

 
Tại một đại lý kinh doanh vật tư khác trên đường Hùng Vương, TP Đà Lạt, khi được hỏi mua thuốc cỏ cháy và một chai Vi-Carben, chủ đại lý ngay lập tức mang ra 1 chai cỏ cháy hiệu tương tự và 1 chai CARZENTHAI 50SC có nguồn gốc nhập khẩu từ Thái Lan. 
 
Đây là loại thuốc có chứa hoạt chất Carbendazim 500g/lít là thuốc trừ bệnh nội hô hấp, phổ tác dụng rộng, phòng trừ các loại nấm bệnh trên cây trồng như: Bệnh khô vằn, lép hạt trên lúa, thối trái, thán thư trên dưa hấu, ớt, điều, phấn trắng trên cà chua, hoa, nho, thối nhũn bắp cải, rỉ sắt... 
 
Theo chủ đại lý cho biết, đây là loại thuốc đang được rất nhiều nông dân trồng rau, hoa tại Đà Lạt ưa chuộng sử dụng. Mặc dù đã có một số quy định cấm nhưng nếu người dân có nhu cầu, nhiều cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn cũng sẵn sàng cung cấp, đáp ứng ngay. 
 
Sẽ sớm tiến hành tổng kiểm tra
 
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và BVTV cho hay: Theo quyết định của Bộ thì các loại thuốc BVTV chứa hai hoạt chất trên đã có hiệu lực cấm kinh doanh mua bán trên toàn lãnh thổ Việt Nam từ hơn 6 tháng nay. Ngay từ lúc quyết định có hiệu lực thi hành, Chi cục đã lập nhiều đoàn thanh tra liên ngành nhằm kiểm tra tình hình hoạt động kinh doanh thuốc BVTV, nhất là các loại thuốc có hoạt chất cấm. 
 
Tuy nhiên, một số cơ sở kinh doanh còn một lượng hàng tồn kho chưa thể bán hết nên bất chấp lệnh cấm, tìm cách lén lút bán ra thị trường. Sở dĩ để xảy ra tình trạng trên nguyên nhân là do hoạt động thanh tra, kiểm tra hiện nay cũng còn nhiều hạn chế. 
 
Chẳng hạn, đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra định kỳ, đoàn thanh tra cũng chỉ thực hiện được không quá 10% đại lý cấp 1. Còn ở cấp huyện thì do phòng nông nghiệp chủ trì thành lập đoàn kiểm tra. Khi tiến hành kiểm tra đột xuất ở xã nào thì có đại diện chính quyền địa phương xã đó tham gia chứng kiến. 
 
Nhưng có một thực tế là khi thấy bóng dáng có đoàn thanh, kiểm tra xuất hiện, các cơ sở kinh doanh ngay lập tức báo cáo tình hình cho nhau để chuẩn bị đối phó. Nhiều khi chúng tôi kiểm tra đại lý hay cơ sở một xã ở huyện này xong lại phải qua huyện khác hoặc có khi phải thuê xe ngoài để tránh bị phát hiện.
 
Trong thời gian đến, Chi cục sẽ tăng cường lập các đoàn thanh tra liên ngành tiến hành tổng kiểm tra, rà soát lại hoạt động kinh doanh thuốc BVTV trên toàn địa bàn tỉnh. Nếu phát hiện, đại lý, cơ sở kinh doanh nào vẫn còn lưu hành thuốc chứa chất cấm, chúng tôi sẽ tiến hành xử phạt, tịch thu và tiến hành tiêu hủy. Mọi thủ tục, chi phí tiêu hủy do đại lý, cơ sở kinh doanh vi phạm phải chịu. Qua đó, Chi cục quyết tâm lập lại trật tự thị trường thuốc BVTV. 
 
HOÀNG SA - HOÀNG YÊN