Hoa hồng cổ - không chỉ là thú chơi

05:12, 26/12/2019

Trang trại Trọng Hằng với mười ngàn mét vuông hoa hồng cổ dưới chân núi Voi thuộc xã Hiệp An, huyện Đức Trọng đã đắt hàng ngay từ những ngày khai trương...

Trang trại Trọng Hằng với mười ngàn mét vuông hoa hồng cổ dưới chân núi Voi thuộc xã Hiệp An, huyện Đức Trọng đã đắt hàng ngay từ những ngày khai trương. Mới hay hành trình xây dựng trang trại hoa hồng cổ có doanh thu khá cao mà ban đầu chỉ xuất phát từ những thú chơi sinh vật cảnh của chủ nhân hồng cổ. 
 
Mỗi ngày, Trang trại Trọng Hằng xuất vườn bán khoảng 500 chậu hoa hồng cổ các loại. Ảnh: V.Việt
Mỗi ngày, Trang trại Trọng Hằng xuất vườn bán khoảng 500 chậu hoa hồng cổ các loại. Ảnh: V.Việt
 
Hoa hồng cổ xuất bán 500 chậu/ngày
 
Tọa lạc bên Quốc lộ 20, Trang trại Trọng Hằng hàng ngày đón khá nhiều lượng khách đến chọn mua hoa hồng chậu thương phẩm các loại, mỗi chậu giá thấp nhất 70.000 đồng, cao nhất 150 triệu đồng. Một khách hàng đến từ xứ biển Phan Rang tiếp chuyện phóng viên khi vừa chọn mua được một chậu hoa hồng cổ màu cánh sen giá 2 triệu đồng ở Trang trại Trọng Hằng: “Đây là chậu hoa hồng cổ có tên “ngàn lẻ một đêm” mua về trang trí ở sân nhà cùng với các loại cây cảnh xứ nóng để đón Xuân Canh Tý năm 2020. Là cây thân gỗ, tôi sẽ chăm sóc theo quy trình kỹ thuật của Trang trại Trọng Hằng để cho hoa bung nở, tỏa hương thơm đều đặn vào buổi sớm mai mỗi ngày...”. Một nữ khách hàng khác đến từ Đà Lạt cho rằng: “Ưu thế của hoa hồng cổ là có thể cho hoa thưởng lãm quanh năm; chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ giữ tuổi đời của cây lên đến năm, bảy chục năm, thậm chí hơn cả trăm năm. Đặc biệt với khí hậu của thành phố hoa Đà Lạt thì việc chọn mua hoa hồng cổ đạt yêu cầu chất lượng sẽ phối cảnh một điểm nhấn mới lạ cho không gian hoa tết của mình, gửi gắm vào đó mọi ước nguyện tốt đẹp đầy tràn trong năm mới Canh Tý 2020...”.
 
Cung cấp số liệu cho phóng viên, chủ nhân Phạm Văn Trọng (gần 40 tuổi) cho biết: Sản lượng hoa hồng cổ xuất vườn bán trung bình của Trang trại Trọng Hằng trên dưới 500 chậu/ngày. Riêng dịp cuối tuần số lượng xuất vườn hoa hồng cổ tăng lên 1.000 chậu/ngày. Tổng diện tích trang trại dưới chân núi Voi này hơn 10.000 m 2. Trong đó phân bổ diện tích 4.000 m 2 nuôi cây trưởng thành, 2.500 m 2 khu chọn tạo, ghép cây giống, còn lại 3.500 m 2 bày bán cây thương phẩm. Có tất cả hơn 300 loài hoa hồng cổ với phần lớn nguồn gốc từ các nước châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, trong đó chiếm tỷ lệ hơn 50% đã “thuần hóa” tại Việt Nam từ 200 năm trở lại đây. 
 
Chủ nhân Phạm Văn Trọng đưa phóng viên khám phá những nhóm cây hoa hồng cổ thương phẩm tiêu biểu trong trang trại của mình. Đó là cây hoa hồng cổ Sa Pa nhập về từ nước Pháp từ đầu thế kỷ 19 đến nay. Giá từ 100.000 đồng/chậu nhỏ (2 - 3 cành, cao 50 cm) đến 50 triệu đồng/chậu lớn (cao 3 - 4 m, tán phủ rộng 4 m). Hoa có màu hồng cánh sen, hương thơm dịu nhẹ. Tiếp theo, nhóm cây hoa hồng tên “Hoàng tử” của nước Anh, cao hơn 1m, tán phủ 0,5 m, thân cây bụi, hoa tím đậm, giá bán theo đơn đặt hàng 200.000 đồng đến 2 triệu đồng/chậu. Hoặc nhóm cây hoa hồng thân gỗ từ các nước Anh, Mỹ, Nhật ghép với hơn 100 gốc hoa tường vi Đà Lạt, đa dạng sắc màu hồng phấn, vàng đồng, hồng nhung... với chiều cao từ 1 m - 1,5 m, tán rộng 40 cm - 50 cm. Tất cả 100 gốc hoa hồng cổ này đã được một cửa hàng đầu mối từ Thành phố Hồ Chí Minh đặt mua với giá 200.000 đồng đến 1 triệu đồng/chậu. Ngoài ra, còn có nhóm cây hoa hồng leo Hải Phòng (cũng có nguồn gốc từ Pháp) được phần lớn khách hàng Đà Lạt và vùng phụ cận ưa chuộng đặt mua về trồng trang trí trước cổng nhà, ven tường rào, đáp ứng thú chơi thư giãn trong không gian dịu mát, thơ mộng với những chùm dây hoa hồng, tím đỏ kéo dài 5 m đến 7 m... Giá bán mỗi chậu cây hoa hồng leo từ 100.000 đồng đến 2 triệu đồng... 
 
Tiếp tục mở rộng trang trại hoa hồng cổ
 
“Tính ra đã mất 7 năm để xây dựng trang trại hoa hồng cổ 10.000 m2 với 300 loài hoa hồng ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng của tỉnh Lâm Đồng”, chủ nhân Phạm Văn Trọng chia sẻ. Theo đó, từ đầu những năm 2000, thanh niên Phạm Văn Trọng đã hoàn thành khóa học tại một trường nghề ở Thành phố Hồ Chí Minh rồi trở về quê hương xã Hải Ninh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định hành nghề thiết kế sân vườn, hòn non bộ, kỹ thuật chiết ghép cây trồng theo nhu cầu của khách hàng địa phương. Đến một ngày, Trọng gặp một khách hàng tặng một cây hoa hồng leo Hải Phòng (nguồn gốc từ Pháp) về nhà trang trí nhằm thỏa mãn thú chơi sinh vật cảnh. Không ngờ Trọng lại khá “mát tay” sau một năm chăm sóc, hoa hồng leo phủ dày một góc sân vườn, hoa nở tím đỏ đều khắp trên cành. Trọng “trổ nghề” lấy mầm chồi ghép với gốc hoa tường vi hoang dại, nhân giống thành 10 chậu cây hoa hồng leo mới, sinh trưởng tốt tươi nhanh chóng. Thấy vậy, người chơi sinh vật cảnh từ xã đến huyện và tỉnh lần lượt tìm đến tham quan, động viên Trọng xây dựng vườn ươm hoa hồng ghép để phát triển sản xuất và kinh doanh. Từ đó Trọng quyết định thuê đất từ vài trăm mét vuông thử nghiệm đến hàng ngàn mét vuông, hàng chục ngàn mét vuông sản xuất đại trà sau 3 năm và 5 năm kế tiếp.
 
Uy tín với khách hàng chơi hoa hồng cổ dần dần mở rộng từ trong tỉnh Nam Định ra đến các tỉnh, thành khác trong cả nước, đến tháng 3/2019, Trọng đến xã Hiệp An, Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng xây dựng trang trại 10.000 m 2 nói trên. “Khí hậu, thổ nhưỡng xã Hiệp An nói riêng, thành phố Đà Lạt và các huyện phụ cận nói chung rất ưu đãi để nhân giống hàng trăm loài hoa hồng cổ đạt chất lượng và giá trị kinh tế cao, cung cấp trồng tiểu cảnh trên tất cả các vùng sinh thái trong cả nước. Sang năm 2020, trang trại chúng tôi tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh 5.000 m 2 hoa hồng cổ nữa. Trong mục tiêu lợi nhuận có mục tiêu đáp ứng thú chơi sinh vật cảnh không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mình...”, chủ nhân Phạm Văn Trọng nói.
 
VĂN VIỆT