Nơi đi tìm tiếng gọi Mẹ ơi

06:02, 05/02/2020

Những cô bé, cậu bé với cơ thể lành lặn nhưng không nói, không cười, sống trong một thế giới im lặng của riêng chúng...

Những cô bé, cậu bé với cơ thể lành lặn nhưng không nói, không cười, sống trong một thế giới im lặng của riêng chúng. Làm sao để đôi môi thơ ngây cất tiếng gọi “Mẹ ơi”,  để những em bé có thể đến trường, sống một cuộc sống như bao bạn bè bình thường khác? Ấy chính là công việc hàng ngày của những y, bác sỹ chuyên chữa trị trẻ tự kỷ, Khoa Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lâm Ðồng. 
 
Kỹ thuật viên Nguyễn Thị Bích đang dạy trẻ phát âm
Kỹ thuật viên Nguyễn Thị Bích đang dạy trẻ phát âm
 
Những đứa trẻ đặc biệt
 
Chị Diên, ngụ tại xã Tân Hội, huyện Đức Trọng kể về cậu con trai lên 6 tuổi của mình. Bé Bảo Nguyên sinh ra khỏe mạnh, ăn tốt ngủ tốt, lớn nhanh. Có điều cậu bé không hề biết cười, không quan tâm tới cha mẹ hay ai khác. Biết đi, biết chạy nhưng Bảo Nguyên không nói một lời, suốt ngày loanh quanh trong bốn bức tường, thậm chí việc đi vệ sinh cá nhân cũng không chủ động được. Đưa con đi khám khắp nơi, xác nhận con bị tự kỷ, lúc cậu bé 33 tháng, chị Diên đưa con tới chữa chạy tại Khoa Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng Lâm Đồng với mong mỏi con được chữa trị, phát triển như một đứa trẻ bình thường. 
 
Không chỉ có chị Diên, hiện Khoa Nhi của bệnh viện đang chữa trị, đồng hành cùng 16 trẻ tự kỷ các thể từ nặng tới nhẹ, với nhiều biểu hiện khác nhau. Có cháu im lặng suốt ngày, không nói, không giao tiếp với bất cứ ai. Có cháu thể hiện sự hung dữ, tự đánh mình và tấn công người xung quanh. Các cháu đều ở lứa tuổi từ 2-11, lứa tuổi phát triển nhanh nhất, tiếp cận lượng thông tin lớn nhất. Nhưng với trẻ tự kỷ, các cháu không tiếp nhận thông tin, không giao tiếp với người xung quanh và nếu không được can thiệp, các cháu sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và cho cộng đồng. 
 
Cần tình thương vô bờ
 
Kỹ thuật viên trị liệu ngôn ngữ Nguyễn Thị Minh Soa là người gắn bó với trẻ tự kỷ lâu nhất trong khoa, 11 năm. Chị kể lại, năm 2008, Bệnh viện cử chị đi học về “âm ngữ trị liệu”, chuyên dạy giao tiếp cho trẻ tự kỷ. Khi ấy, cộng đồng mới manh nha hiểu biết về chứng tự kỷ, bệnh viện cũng chưa tiếp nhận bệnh nhi tự kỷ nào. Khi tiếp nhận bệnh nhi tự kỷ đầu tiên, chị Soa mới nhận thấy sự khó khăn khi chữa chạy cho trẻ tự kỷ.
 
Chị Soa kể, trẻ tự kỷ rất nhiều thể nhưng tựu trung, các bé không có giao tiếp với người xung quanh, chức năng ngôn ngữ gần như không phát triển. Chữa bệnh cho các bé, các y, bác sỹ, kỹ thuật viên vừa áp dụng xoa bóp bấm huyệt, tập giao tiếp đồng thời tập sửa lỗi phát âm. Chị bảo: “Làm việc với trẻ tự kỷ, đức tính đầu tiên là sự kiên trì. Không kiên trì không thể làm việc với các cháu được. Dạy các cháu phải tính thời gian bằng tháng, bằng năm. Để con nhớ một từ, biết một câu chào, cô cháu phải học hàng tuần, hàng tháng”. Mỗi trẻ có một biểu hiện riêng, các y, bác sỹ, kỹ thuật viên phải phân tích từng cháu, tìm liệu pháp tập luyện thích hợp nhất để các cháu phối hợp.
 
Kỹ thuật viên ngôn ngữ Nguyễn Thị Bích, người gắn bó với trẻ tự kỷ từ năm 2012 kiên nhẫn cầm từng tấm thẻ nhỏ, dạy hai bạn nhỏ tầm 3-4 tuổi phát âm từng câu nói “con ếch, bông hoa”. Bích bảo, giờ dạy bạn nhớ, ra khỏi cửa là các bạn đã quên, ngày mai lại tiếp tục tập lại, rèn lại từ đầu. Chưa kể có lúc bé trái tính, tự xông vào cô, vào bạn cắn cấu hoặc đập đầu vào tường, mở cửa lớp chạy thẳng ra đường. Đức kiên nhẫn, tình thương yêu sâu sắc mới giúp các kỹ thuật viên, y, bác sỹ ngày lại ngày làm những công việc tỉ mẩn, nhàm chán.
 
Tìm lại tiếng gọi Mẹ ơi
 
Chị Diên, mẹ Bảo Nguyên khoe con đang đi học lớp 1 tại Trường Herman Gmeiner. Bảo Nguyên, từ cậu bé gần 3 tuổi không nói, không cười, không giao tiếp, không tự đi vệ sinh nay đã gần hồi phục, là học sinh ngoan ở lớp. Mẹ cháu bảo, khi lần đầu tiên nghe con gọi Mẹ ơi, chị đã bật khóc. Khóc vì vui mừng, vì con đã đáp ứng trị liệu, vì hy vọng con bình phục, biết cười giỡn, có thể tới trường như bao bạn bè khác.
 
Hiện Bảo Nguyên cũng như nhiều bạn cùng hoàn cảnh đang sống ngay tại bệnh viện. Cô Nguyễn Thị Minh Soa tâm sự, nhiều bé gia đình ở huyện xa, kinh tế không dư dả, bệnh viện tạo điều kiện để cháu và cha, mẹ được nội trú miễn phí theo tiêu chuẩn bảo hiểm y tế của con. Vì tự kỷ là chứng cần chữa trị lâu dài, không phải ngày một ngày hai là cháu khỏi bệnh. Bởi vậy, bệnh viện đều cố gắng hết sức, giúp gia đình các cháu bớt khó khăn về nơi ăn ở, yên tâm đồng hành chữa bệnh cùng con. 
 
Trẻ tự kỷ không chỉ phụ thuộc vào y, bác sỹ, các cháu cần một môi trường phát triển toàn diện. Vì vậy, ngoài giờ tập trị liệu tại bệnh viện, y, bác sỹ hướng dẫn cha mẹ các kỹ thuật cơ bản để dạy dỗ con ngay tại gia đình. Và khi các cháu đã có đáp ứng, bệnh viện luôn hướng dẫn để các con đến trường học. Có môi trường bạn bè, thầy cô, các cháu càng nhanh chóng hòa nhập. 
 
Hơn 10 năm qua, hàng trăm đứa trẻ tự kỷ đã được y, bác sỹ, kỹ thuật viên Khoa Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng hết lòng chữa trị. Có thành công, cũng có nỗi buồn nhưng niềm vui lớn nhất là hầu hết các cháu đều tiến bộ, có thể hòa nhập cộng đồng. Nhiều cháu bình phục gần như trẻ bình thường, có thể tới trường, sinh hoạt với gia đình. Nhìn vào thành quả ấy, những y, bác sỹ, kỹ thuật viên có thêm động lực để cố gắng phấn đấu, gắn bó với bầy trẻ thơ, cùng các con tìm lại tiếng gọi Mẹ ơi.
 
DIỆP QUỲNH