K'Tiêu và những người con siêng năng

05:05, 04/05/2020

Ở xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, ai cũng biết ông bà K'Tiêu - Ka Dốp về sự khá giả được đi lên từ chính lao động sản xuất.

Ở xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, ai cũng biết ông bà K’Tiêu - Ka Dốp về sự khá giả được đi lên từ chính lao động sản xuất. Đức tính cần cù, chịu khó ấy đều được cả 7 người con tiếp tục phát huy để hôm nay gia đình nào cũng có cuộc sống tự lập vững vàng. 
 
Ông K’Tiêu bên vườn sầu riêng và ngôi nhà mới khang trang.
Ông K’Tiêu bên vườn sầu riêng và ngôi nhà mới khang trang.
 
Ông K’Tiêu nay đã 68 tuổi, vẫn vẻ rắn chắc của một lão nông tri điền. Ông và vợ - bà Ka Dốp tiếp chúng tôi trong căn nhà xây khang trang của con gái Ka Trang Sre Huệ và K’Tài, cất năm 2019 với hơn 500 triệu đồng. Ông bà mới chuyển qua ở chung, để ngôi nhà gỗ cũng rất tươm tất kế bên cho cô con út Ka Trang Sre Hiền mới cưới chồng. Ba người con gái và 2 người con trai khác xây nhà gần ông bà trong Thôn 4, hoặc ở Thôn 3 và xã Lộc An là Sre Phượng, Sre Diềm, Ka Trang Tuyền, Ka Trang Tuyến và Sre Phú. Con của ông bà lớn tuổi nhất sinh năm 1976, ít tuổi nhất sinh năm 1991. Ông bà muốn cho con học văn hóa nhiều nhưng vì một thời hoàn cảnh khó khăn và đông con nên không đáp ứng được, chủ yếu các con học tiểu học và THCS, chỉ cô út học xong THPT và đặc biệt Sre Huệ tốt nghiệp trung cấp ngành nông nghiệp của Trường Cao đẳng Nghề. 
 
Sre Huệ và chồng K’Tài (cùng học chuyên ngành) là điểm tựa để ông K’Tiêu chuyển giao vườn tược. Chính vì vậy mà K’Tài xin thôi không làm nhân viên khuyến nông của xã để cùng vợ chăm lo xây dựng cuộc sống gia đình với ông K’Tiêu. Hiện nay, vợ chồng Huệ chăm sóc toàn bộ vườn sầu riêng của ông K’Tiêu. Gần 20 năm trước, một công ty ở tỉnh Đồng Nai hỗ trợ giống và kỹ thuật, phân bón, người dân Đinh Trang Hòa trồng hàng ngàn cây sầu riêng, nhưng do một phần đất thấp, phần khác người trồng thiếu kiên trì chăm sóc nên mấy năm sau hầu hết số sầu riêng này chết hoặc không phát triển nên bị đào bỏ. Riêng ông K’Tiêu từ 100 gốc, là hộ duy nhất duy trì phát triển được đến nay còn hơn 60 gốc. Mỗi năm thu hoạch từ 8,5 đến hơn 9 tấn. Vườn sầu riêng của ông và con hiện lớn nhất xã Đinh Trang Hòa, trong số những gia đình đồng bào K’Ho. Với mức giá cao nhất 5,5 ngàn đồng/kg, thấp nhất 4,2 ngàn đồng/kg, sầu riêng thu được từ 400-500 triệu đồng/năm. Theo Sre Huệ, chi phí chỉ hết khoảng 30 triệu đồng/năm. Mùa thu hoạch, vợ chồng tìm hiểu giá thị trường và thống nhất bán cho chủ vựa nên không bị ép giá. Theo Huệ, để cây xanh lá, đậu sai trái, trước hết phải xử lý đất thật tốt như phát quang thông thoáng trong vườn, do đó hạn chế sâu bệnh. Thời kỳ sầu riêng ra lá non và đặc biệt lúc ra hoa “xổ nhị”, thường xuyên giám sát chặt chẽ để phát hiện nếu có côn trùng sâu bọ là xử lý ngay bằng thuốc vào ban đêm. Để trái sầu riêng có chất lượng và đạt chuẩn trọng lượng cần xử lý bớt quả khi còn nhỏ; đặc biệt khâu tưới nước vừa đủ, nếu thiếu, sầu riêng yếu, nhưng tưới nhiều quá sầu riêng lại rụng hết quả. Cùng đó là bón thêm phân trung/vi lượng để dưỡng trái... Huệ nói: “Sầu riêng chăm cực nhất là lúc đậu trái, nhưng thu hoạch so với cà phê thì nhẹ nhàng hơn nhiều. Với bệnh trên cây, thường xuyên quan tâm đến bệnh xì mủ, nó ăn dần bên trong cây. Phải theo dõi rất kỹ để xử lý không thì sầu riêng sẽ chết”. Những kiến thức này của vợ chồng vừa áp dụng vừa chia sẻ hướng dẫn cho những người nông dân khác trong xã. 
 
Cũng như Sre Huệ, gia đình các con ông K’Tiêu đều có cà phê thu hoạch hàng năm. Mỗi gia đình, ông bà K’Tiêu cho 3 sào đất để canh tác. Trong đó, vợ chồng Sre Phượng và K’Nghiếp (viên chức Phòng Dân tộc huyện) có đến hơn 1 ha cà phê. Còn con trai đầu Ka Trang Tuyền ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm có tới 3,5 ha cà phê... Cùng đó, các hộ gia đình còn trồng xen bơ và mắc ca; đặc biệt hộ Sre Phượng trồng hơn 300 gốc mắc ca năm thứ 2 nhờ hỗ trợ từ Nhà nước. Những đức tính cần cù, chịu khó sản xuất nông nghiệp của các con được tiếp thu từ người bố K’Tiêu, nhưng năng lực của thế hệ trẻ nổi bật hơn, “con làm hay hơn bố” như ông tự hào nói. Gia đình các con ông bà đều mua sắm đầy đủ thiết bị hiện đại phục vụ cuộc sống như xe máy, ti vi, bếp ga... Hiện ông bà K’Tiêu - Ka Dốp đã có 14 cháu và 3 chắt. Tất cả các cháu đều học từ tiểu học đến THPT, chắt cũng đã vào lớp 1. Gia đình mỗi người con đều quan tâm chăm lo đến chất lượng cuộc sống, đó là niềm vui và tự hào của ông bà. Ông bà là trung tâm để con cháu quây quần chia sẻ hạnh phúc, nhất là những dịp lễ, tết. 
 
MINH ĐẠO