Mật ngọt rừng Đưng K'Nớ

06:05, 14/05/2020

Bao năm qua, loài ong vẫn gắn bó và cần mẫn cho người Đưng K'Nớ những mùa mật ngọt. Bởi con người nơi này chỉ lấy đi vừa đủ và giữ cho những cánh ong bay.

Bao năm qua, loài ong vẫn gắn bó và cần mẫn cho người Đưng K’Nớ những mùa mật ngọt. Bởi con người nơi này chỉ lấy đi vừa đủ và giữ cho những cánh ong bay.
 
Người Đưng K’Nớ chỉ lấy phần sáp ong chứa đầy mật, để lại phần cuống tổ và phần ong non để đàn ong có thể trở lại
Người Đưng K’Nớ chỉ lấy phần sáp ong chứa đầy mật, để lại phần cuống tổ và phần ong non để đàn ong có thể trở lại
 
Bao năm qua, loài ong vẫn gắn bó và cần mẫn cho người Đưng K’Nớ những mùa mật ngọt. Bởi con người nơi này chỉ lấy đi vừa đủ và giữ cho những cánh ong bay.
 
Hẹn hò mãi tôi mới có dịp về Đưng K'Nớ đúng mùa để nghe chuyện lấy mật. Mỗi năm vào mùa khô, từ những ngày đầu tháng 3 đến hết tháng 5 hằng năm là thời điểm người ta đi lấy mật. Nhưng khoảng giữa tháng 4 tới hết tháng 5 là thời điểm những tổ ong đủ già để cho ra loại mật ong rừng ngon nhất.
 
Lạ kỳ ở Đưng K’Nớ, nếu như ở vùng ngoài - khu Lán Tranh, người dân chuyên đi lấy nấm và lan rừng thì bà con Đưng K’Nớ cũ, nay là Thôn 1, 2 và thôn Đưng Trang lại chuyên về mật ong. Đi lấy mật ong rừng, bà con thường đi theo nhóm. Chỉ cần cái xà gạc, ít đồ ăn, túi ni lông đựng mật và thêm cái mùng cho vào gùi vậy là đủ hành trang để họ vào rừng tìm mật. Trong nhóm đồng hành, người leo cây giỏi nhất sẽ được giữ sức đến khi tìm thấy tổ ong, còn những người khác chia nhau gùi đồ đạc. Những người đàn ông rời nhà từ tinh mơ, họ đi xe đến bìa rừng và cứ an tâm để đó, rong ruổi trong rừng nhiều ngày trời. Ong thích làm tổ dưới rừng già bởi không khí trong lành, mát mẻ và an toàn. Vì vậy để đến nơi có tổ ong hẳn sẽ phải leo dốc, lội suối và đánh thức lũ vắt rừng bấy lâu ngủ vùi vì ít người qua lại. Và phần thưởng cho người săn ong là những tổ ong ngọt hương núi rừng.
 
Đều là mật ong rừng nhưng được chia làm hai loại, những tổ ong lấy trên cây cao còn được gọi là mật treo. Mật treo có màu vàng cánh gián sóng sánh. Còn những tổ được lấy từ trong hốc cây, trong thân gỗ mục hay hốc đá được gọi là mật đất có màu nâu đậm. Tổ ong không được làm ở những nơi cố định, kích cỡ tổ mật cũng to, nhỏ tùy lúc. Có tổ chỉ lấy được chừng 1 lít mật, nhưng cũng có khi hên mà tìm được tổ gần hai mươi lít mật.
 
Thợ săn mật ong từ bao đời nay có những kinh nghiệm để tìm tổ theo dấu ong bay. Họ men theo những con suối và khe nước bởi ong thợ thường tìm đến nguồn nước mát để lấy nước. Nhưng để theo được dấu ong phải thật kiên trì, bởi ong thợ lấy nước xong thường bay vòng vèo thêm một hồi lâu rồi mới bay về tổ. Hay người tìm mật lão luyện cũng có thể nhìn nước tiểu của ong thải xuống tảng đá dưới khe suối có màu vàng lấm tấm, để tìm tổ ong quanh khu vực đó. 
 
Lấy mật ong là cái nghề không ai dạy ai, nhưng người lớn không bao giờ từ chối dắt theo những người trẻ vừa tò mò, vừa quan sát và cả trải nghiệm chính những lần ong đốt, để chúng tự đúc rút kinh nghiệm và dần dần đủ khả năng gia nhập các nhóm đi lấy ong. Bởi vậy, trong dòng người đi lấy mật ong ngoài những Rơ Ông Ha Đòng, Kơ Să Ha Lê lão luyện còn có những người trẻ như Rơ Ông Ha Cu. Và ngoài kinh nghiệm, người ta còn bảo rằng trời cho cái tay lấy mật, cũng bởi thế mà tuy trẻ nhất, song Rơ Ông Ha Cu lại là người tìm thấy mật nhiều nhất ở vùng Đưng K’Nớ này. Mỗi lần đi lấy mật về họ vắt mật, đem bán và chia đều nhau. 
 
Họ đi cùng nhóm, nhưng khi vào rừng, mỗi người đi cách nhau tầm 100 m để tìm, ai nhìn thấy tổ ong sẽ hú để mọi người tụ tập lại bắt đầu phân chia nhiệm vụ. Nếu là mật đất thì chỉ việc dùng xà gạc đập vào gốc cây cho ong bay ra rồi lấy mật, bởi ong đất có phần hiền lành hơn. Còn với mật treo, ong thường làm tổ rất cao để an toàn, nên đó thực sự là thử thách với những người đi lấy mật. Việc trèo lên cao 40 - 50 m là chuyện thường với dân đi lấy mật. Để leo lên họ phải tháo gỡ rất nhiều dây leo, cây gai ở dưới. Có khi cây cao quá, thẳng đuột phải dùng dây buộc vào thân cây thành từng nấc để leo, lại còn phải đeo găng tay, mặc kín người. Riêng ở đầu và mặt, phải có tấm lưới trùm ngoài mũ rộng vành và khẩu trang để ong không chích. Ở dưới đất, một người được phân công lấy sẵn túi bóng bọc trong gùi để hứng tổ ong. Những người còn lại căng sẵn mùng dưới gốc cây và trú ẩn trong đó. Với những cây quá cao, người leo phải mang theo túi để cho mật vào và nhanh chóng thả xuống. Bởi khi tổ ong bị cắt, ong sẽ theo tổ mà bay tới, việc căng mùng sẽ tránh được đàn ong tấn công, nhất là những đàn ong dữ sẽ bám ở ngoài mùng hàng tiếng đồng hồ rồi mới chịu rời đi. Còn đối với người leo cây cắt tổ ong, họ không bao giờ cắt hết cả tổ, chỉ khéo léo lấy phần sáp ong chứa đầy mật, để lại phần cuống tổ và phần ong non để đàn ong có thể trở lại. Ở những nơi khác người ta đốt lửa, hun khói để xua ong đi, nhưng người Đưng K’Nớ thì không. Bởi việc lấy mật ong vào mùa khô, một chút sơ suất sẽ có thể dẫn đến cháy rừng. Và một phần họ sợ rằng việc dùng khói có thể làm chết ong, hoặc làm đàn ong hoảng sợ không dám làm tổ ở vùng này. Thêm nữa, khi lấy mật, người Đưng K’Nớ tuyệt đối không bắt ong chúa và đó dường như đã trở thành những quy định ngầm của những thợ săn mật ong vùng này là bởi không tận diệt ong để còn mật ngọt mùa sau. 
 
Người Đưng K’Nớ có kinh nghiệm thử mật ong rừng đặc biệt và đảm bảo chính xác. Rằng nếu cho vào lọ mật ong một cọng hành tươi, cọng hành héo ngay đó là mật nguyên chất. Hoặc có thể thử bằng trứng, đập quả trứng vào chén, đổ mật ong rừng vào quả trứng sẽ chín ngay và người ta thường ăn luôn quả trứng ấy. Vào mùa mật ong rừng, người mua mật thường tìm tới vùng Đam Rông, Cát Tiên, Lạc Dương... những vùng còn nhiều rừng để tìm mua mật ong rừng nguyên chất. Nhưng nhiều thương lái vẫn bảo rằng, mật ong Đưng K’Nớ bao giờ cũng được mua hết nhanh và giá cao hơn. Có lẽ bởi một phần rừng Đưng K’Nớ còn nhiều, ong sống trong rừng nguyên sinh luôn cho ra loại mật ngọt lành. Và cũng bởi người Đưng K’Nớ chỉ lấy mật khi đủ già và bán cho người mua đúng tinh túy của mật rừng nên mới được ưa chuộng như thế...
 
Bao năm qua, rừng Đưng K’Nớ vẫn xanh bởi người dân nơi này yêu rừng như máu thịt vì với họ “rừng còn, buôn làng còn”. Đó cũng là lý do những con người nơi đây luôn cố gắng gìn giữ những gì của rừng, của tự nhiên và để rồi rừng vẫn chở che, bao mùa ong vẫn cho người Đưng K’Nớ những mật ngọt cuộc đời.
 
NGỌC NGÀ