Những thành tựu nghiên cứu sản khoa tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt

06:12, 11/12/2020

Tại Hội nghị Khoa học - Kỹ thuật mở rộng lần thứ VII của Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt năm 2020 có nhiều đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực sản khoa được trình bày, đánh dấu bước phát triển mới của ngành sản khoa tại bệnh viện này.

Tại Hội nghị Khoa học - Kỹ thuật mở rộng lần thứ VII của Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt năm 2020 có nhiều đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực sản khoa được trình bày, đánh dấu bước phát triển mới của ngành sản khoa tại bệnh viện này.
 
Các đại biểu là GS-BS cố vấn chuyên môn của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ và các bệnh viện thành viên tham dự Hội nghị Khoa học - Kỹ thuật mở rộng lần thứ VII của Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt năm 2020
Các đại biểu là GS-BS cố vấn chuyên môn của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ và các bệnh viện thành viên tham dự Hội nghị Khoa học - Kỹ thuật mở rộng lần thứ VII của Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt năm 2020
 
Điều trị thai ngoài tử cung
 
Hiện tại, BV Hoàn Mỹ Đà Lạt đã và đang triển khai điều trị thai ngoài tử cung bằng cả 2 phương pháp nội khoa và ngoại khoa, với tỷ lệ thành công ước tính trên lâm sàng khá cao. Để đánh giá về tình hình và hiệu quả điều trị thai ngoài tử cung tại BV Hoàn Mỹ Đà Lạt, BS Đặng Thị Thu Thủy và BS Nthol Liêng Hiền đã tiến hành nghiên cứu về “Tình hình điều trị thai ngoài tử cung và các yếu tố liên quan đến kết quả điều trị tại BV Hoàn Mỹ Đà Lạt năm 2020”. Nghiên cứu thực hiện trên 74 trường hợp điều trị thai ngoài tử cung tại Khoa Sản BV Hoàn Mỹ Đà Lạt. 
 
Về triệu chứng lâm sàng thường gặp điển hình gồm: trễ kinh, đau bụng, ra huyết và các triệu chứng thường là 2 hoặc 3 triệu chứng đi kèm, ít khi gặp 1 triệu chứng đơn độc. Cận lâm sàng: siêu âm phụ khoa hiện tại được thực hiện bởi các bác sĩ lâm sàng sản phụ khoa nên nắm vững triệu chứng lâm sàng và hình ảnh siêu âm, giúp phát hiện bệnh sớm với những hình ảnh chẩn đoán điển hình như cấu trúc echo hỗn hợp nằm ngoài buồng tử cung, dịch cùng đồ do thai ngoài vỡ hay rỉ máu qua loa. Chỉ định điều trị được làm đúng theo hướng dẫn điều trị của phác đồ BV Từ Dũ và mang lại chẩn đoán điều trị kịp thời, hiệu quả. 
 
Về điều trị thai ngoài tử cung hiện tại theo phác đồ điều trị sản phụ khoa BV Từ Dũ nên thống nhất và đúng chuẩn mực. Tỉ lệ điều trị ngoại khoa cao hơn, vì ưu tiên hiệu quả điều trị và điều kiện điều trị nội khoa còn hạn chế phác đồ đa liều. Điều trị nội khoa vẫn được ưu tiên cho các trường hợp chưa có con hoặc nồng độ β-HCG ở ngưỡng cho phép, tuy nhiên làm tăng thời gian nằm viện và chi phí điều trị. Đây là một nghiên cứu cho cái nhìn khái quát về tình hình điều trị thai ngoài tử cung tại BV Hoàn Mỹ Đà Lạt, để áp dụng vào thực tiễn điều trị bệnh lý thai ngoài tử cung.
 
Mổ lấy thai cần có chỉ định nghiêm ngặt
 
Nghiên cứu tình hình mổ lấy thai tại Khoa Sản BV Hoàn Mỹ Đà Lạt năm 2020 của BSCKI Nguyễn Văn Tuấn với mục tiêu: Nhận xét các chỉ định mổ lấy thai và phân tích một số xu hướng chỉ định mổ lấy thai tại BV Hoàn Mỹ Đà Lạt năm 2020. Nghiên cứu trên các hồ sơ của thai phụ đến sinh tại BV Hoàn Mỹ Đà Lạt từ ngày 1/10/2019 đến 31/9/2020. Tổng số hồ sơ bệnh án được đưa vào nghiên cứu là 2.732 trường hợp. Tỷ lệ mổ lấy thai 1.487 ca, chiếm 54,43%. Tỷ lệ mổ lấy thai tăng dần theo thời gian. Theo nghiên cứu trước đó của BS Nô Duy Tâm (BV Hoàn Mỹ Đà Lạt), trong 6 tháng đầu năm 2018 tỷ lệ mổ lấy thai là 48%, trong đó có 11 ca xin mổ chủ động. Khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tỉ lệ phẫu thuật lấy thai chỉ nên giới hạn dưới mức 15% để tránh tai biến và nếu không vì lý do y khoa thì không nên phẫu thuật lấy thai trước 39 tuần. 
 
Theo nghiên cứu thống kê thì tổng số trường hợp con so phải mổ lấy thai có 704 trường hợp (chiếm 47,3%), tăng nhẹ so với 6 tháng đầu năm 2018. Trong tất cả các nhóm nguyên nhân mổ lấy thai thì tỉ lệ mổ lấy thai của nhóm có vết mổ cũ cao nhất 558 ca (chiếm tỉ lệ 37,5%); tiếp đến là nhóm con so trên 37 tuần có khởi phát chuyển dạ hoặc mổ lấy thai trước chuyển dạ có 416 ca (chiếm 28%); nhóm con so chuyển dạ tự nhiên có 255 ca (chiếm 17,1%). Đây là 3 nhóm có tỉ lệ mổ lấy thai cao nhất (chiếm 82,6%). 
 
Qua nghiên cứu cho thấy lứa tuổi mổ lấy thai trong năm 2020 tại BV Hoàn Mỹ Đà Lạt gồm nhiều độ tuổi, từ 15 tuổi đến 53 tuổi. Trong đó, tuổi 15 có 1 trường hợp; tuổi 53 có 1 trường hợp, còn lại chủ yếu từ độ tuổi từ 25 đến 33, đây là nhóm tuổi phù hợp sanh đẻ. Tỷ lệ mổ lấy thai cao nhất đối với người dân ở tại TP Đà Lạt có 504 ca (chiếm 33,9%); Đức Trọng có 319 ca (chiếm 21,5%); Bảo Lộc 157 ca (10,6%); Đơn Dương 137 ca (9,2%); Lâm Hà 121 ca ( 8,1 %). Nghiên cứu đưa ra kiến nghị: Mổ lấy thai cần có chỉ định nghiêm ngặt, rõ ràng, có bảng danh sách hướng dẫn chỉ định mổ lấy thai, nhằm làm giảm tỉ lệ mổ lấy thai theo thời gian, đặc biệt là trên nhóm con so. 
 
Nuôi con bằng sữa mẹ 
 
Nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tự nhiên nhưng vô cùng hiệu quả để bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Tuy nhiên, vấn đề còn tồn tại là sự thiếu hụt kiến thức của các bà mẹ về nuôi con bằng sữa mẹ hoặc phương pháp cho trẻ bú. Chính vì vậy, nhóm điều dưỡng, nữ hộ sinh của BV Hoàn Mỹ Đà Lạt đã nghiên cứu “Khảo sát việc thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ của sản phụ tại Khoa Sản BV Hoàn Mỹ Đà Lạt năm 2020”. Nghiên cứu tiến hành trên 143 sản phụ nằm tại Khoa Sản của bệnh viện từ tháng 8/2020 đến hết tháng 9/2020. Các sản phụ nằm trong độ tuổi sinh đẻ chiếm tỉ lệ cao nhất, phù hợp với thực tế. Có 7% sản phụ có độ tuổi lớn hơn độ tuổi sinh đẻ thì đa số là những sản phụ sinh con lần 3.
 
Kết quả nghiên cứu đánh giá việc giáo dục sức khỏe cho sản phụ về cách chăm sóc trẻ sơ sinh tại Khoa Sản BV Hoàn Mỹ Đà Lạt khá thành công và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, tỉ lệ sản phụ biết các vị trí treo tranh ảnh, hoặc được tư vấn trực tiếp của nữ hộ sinh về một số yếu tố chưa thực sự cao. Tỉ lệ sản phụ cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ còn thấp. Qua đó cho thấy, cần đẩy mạnh, cải thiện công tác giáo dục sức khỏe, nhằm mang lại hiệu quả giáo dục sức khỏe cao hơn nữa về việc tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ. Nghiên cứu đưa ra giải pháp: Đối với bản thân sản phụ, cần tích cực tham gia các lớp học tiền sản do các cơ sở y tế uy tín tổ chức. Tự tìm hiểu những kiến thức về cách chăm sóc cho trẻ sơ sinh. Có nhận thức đúng và nghiêm túc về tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Thẳng thắn đề đạt những nguyện vọng, mong muốn được cung cấp những thông tin, kiến thức chính xác về cách chăm sóc trẻ sơ sinh cho nhân viên y tế và các chuyên gia. Đối với các cơ sở y tế nói chung và Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt nói riêng: Tăng cường tổ chức các hoạt động cũng như các lớp học, các buổi hội thảo về tiền sản, nhằm nâng cao kiến thức, thái độ và thực hành của sản phụ về cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Sử dụng các phương tiện truyền thông như poster, phóng sự, clip quảng cáo hay trang mạng xã hội để truyền tải những kiến thức về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Tổ chức các lớp đào tạo cho nhân viên y tế tại cơ sở y tế hoặc bệnh viện, nhằm trang bị cho nhân viên y tế kỹ năng giáo dục sức khỏe và kiến thức cần thiết để giáo dục sức khỏe cho các sản phụ về nuôi con bằng sữa mẹ...
 
Nhiễm khuẩn vết mổ sản khoa
 
Nhiễm khuẩn vết mổ là một trong những nhiễm khuẩn bệnh viện thường gặp, là một trong những mối lo ngại lớn của các phẫu thuật viên khi tiền hành phẫu thuật. Nhiễm trùng vết mổ kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị và là nguyên nhân gây tử vong ở người bệnh được phẫu thuật trên toàn thế giới. Nghiên cứu về “Thực trạng nhiễm khuẩn vết mổ và các yếu tố liên quan tại Khoa Sản BV Hoàn Mỹ Đà Lạt năm 2020” của điều dưỡng Nguyễn Thị Ánh Linh và Trần Thị Ngọc Lê nhằm xác định tỷ lệ nhiễm khuẩn sau mổ lấy thai trong thời gian nằm viện tại Khoa Sản, BV Hoàn Mỹ Đà Lạt năm 2020. Khảo sát các yếu tố liên quan và tình trạng nhiễm khuẩn sau mổ lấy thai (các đặc điểm cá nhân, tình trạng phẫu thuật, sử dụng kháng sinh dự phòng, các biện pháp phòng ngừa...) tại Khoa Sản, bệnh viện năm 2020. 
 
Kết quả nghiên cứu thống kê từ tháng 6/2020 đến tháng 9/2020, trong 305 ca được thu thập hồi cứu qua hồ sơ bệnh án có 2 ca nhiễm khuẩn vết mổ (chiếm tỷ lệ 0,67%). Có 100% sản phụ được sử dụng kháng sinh dự phòng trước phẫu thuật; sử dụng kháng sinh dự phòng hợp lý chiếm 44,26%. Nhiễm khuẩn vết mổ liên quan đến thời gian nằm viện điều trị càng lâu thì nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ càng tăng. Nhóm nghiên cứu kết luận: Nguy cơ nhiễm trùng vết mổ ở Khoa Sản BV Hoàn Mỹ Đà Lạt là 0,67% và đề xuất giải pháp: Tăng cường cấy vi sinh các trường hợp có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm khuẩn trên triệu chứng lâm sàng. In và phát phiếu hướng dẫn bệnh nhân chuẩn bị, tắm trước phẫu thuật, những dấu hiệu bất thường cần báo nhân viên y tế, cách chăm sóc sản phụ sau mổ lấy thai. Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn tiếp tục tăng cường giám sát công tác chuẩn bị bệnh nhân trước mổ. Thường xuyên giám sát chủ động hoặc qua camera các nguy cơ có thể gây nhiễm khuẩn vết mổ, để phản hồi và đưa ra biện pháp can thiệp kịp thời. 
 
AN NHIÊN