Bản Brun thay ''áo mới''

04:02, 16/02/2021

Đã đi qua bao mùa nắng mưa, qua cả những ngày xanh xao trong cái đói giáp hạt, nhưng trong ký ức của những người Mạ lớn tuổi, hình ảnh về ngày tháng cơ cực ấy dường như vẫn còn vẹn nguyên...

Đã đi qua bao mùa nắng mưa, qua cả những ngày xanh xao trong cái đói giáp hạt, nhưng trong ký ức của những người Mạ lớn tuổi, hình ảnh về ngày tháng cơ cực ấy dường như vẫn còn vẹn nguyên. Giờ đây, họ vui mừng và đầy tự hào nhìn bản Brun (Gia Viễn, Cát Tiên) từng bước “thay da đổi thịt”, khai mở giấc mơ về một đời sống khác: ổn định, ấm no, đủ đầy…
 
Bản Brun xây dựng NTM kiểu mẫu
Bản Brun xây dựng NTM kiểu mẫu
 
Bỏ rừng về khu tái định cư
 
Ngót nghét đã gần 15 năm già Điểu K’Ít - một trong những người Mạ đầu tiên đặt chân về vùng đất mới để sinh sống. Đi trên con đường nhựa vào bản Brun, ấn tượng đầu tiên đối với tôi đó là hai bên đường những thửa ruộng lúa vàng óng sắp cho thu hoạch, nhà cộng đồng, trường mầm non khang trang... Dù đã bước sang tuổi 68, nhưng già K’Ít vẫn còn nhớ như in những ngày đầu khi suốt ngày chỉ sống “lẩn quất” trong rừng thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên. 
 
Trước đây, đồng bào ở đây có lối sống du canh, lang thang du mục giữa đại ngàn, tách biệt với thế giới bên ngoài. Cuộc sống của họ chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, bằng cách săn bắn, hái lượm. Người Mạ nơi đây đã từng có một quá khứ dài với hai mùa no và đói; trong đó, mùa đói thường rất dài, còn mùa no thì lại ngắn. Theo lời già K’Ít, trước đây cuộc sống của gia đình ông và những gia đình người Mạ khác cũng vậy, một năm có đến ba phần tư thời gian là đói. Năm nào mưa thuận gió hòa thì mùa no cũng chỉ kéo dài được đôi, ba tháng; còn không chỉ có vào rừng đặt bẫy săn thú, kiếm lá bép ăn qua ngày.
 
Trong tâm trí của ông Trần Quang Huy, Bí thư Đảng ủy xã Gia Viễn, cái nghèo đói của người Mạ trước đây chẳng biết diễn tả thế nào cho hết. Bởi họ không có nhà, không có vật dụng đáng giá, họ cũng không ở bản, mà sống theo kiểu săn, bắt, hái lượm của người tiền sử. Trong các tiêu chí đánh giá về hộ nghèo trước đây, thậm chí họ chẳng có cái gì trong bộ tiêu chí để mà đánh giá.
 
Cả bản có vỏn vẹn mười mấy hộ, sinh sống trong những túp lều lụp xụp dựng bằng tranh tre, nứa và lợp lá cây rừng. 100% các hộ dân đều bị đói, người dân không biết chữ, tỷ lệ tử vong còn cao hơn cả tỷ lệ sinh. Đặc biệt, nguy cơ tụt hậu về kinh tế, suy thoái giống nòi, mai một về văn hóa, phong tục tập quán đến mức đáng báo động.
 
Ngay lập tức, phương án tái định cư được khảo sát, đánh giá, huyện đồng ý chủ trương, bắt đầu xây dựng hạ tầng. Thế nhưng, để tuyên truyền, vận động người dân về khu tái định cư mới cũng là một hành trình đầy gian khó. 
 
Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng xã Gia Viễn khi ấy đã dày công đi từng cửa, gõ từng nhà. Ông Huy lúc ấy còn là Bí thư Đoàn xã, được phân công nhiệm vụ vào rừng cùng ăn, cùng ở, vận động người dân ra khu tái định cư sinh sống. Sau nhiều năm tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại, đưa dân đến tham quan tại khu tái định cư để họ yên tâm về nơi ở mới, thế là họ chịu về.
 
Già K’Ít phấn khởi khoe với tôi, từ khi chuyển về đây, đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng cao, việc thiếu đói đã không còn. Có đất đai sản xuất, lại còn được nhận khoán bảo vệ rừng, bà con có thêm nguồn thu nhập và hơn hết là họ có ý thức giữ gìn, bảo vệ đại ngàn hơn hẳn trước đây. Điều đặc biệt hơn cả là lũ trẻ ở bản Brun đã được đến trường, ngày ngày say mê cùng con chữ. Còn bố mẹ các em cần mẫn trên rẫy mỗi ngày cho cuộc sống bớt đi phần khó nhọc. 
 
Chuyển mình trên vùng đất mới
 
Nhìn lại những tháng năm của người Mạ ngày trước, có lẽ việc họ thạo nhất là vào rừng lấy măng, lá bép để ăn, trồng lúa đồi... Cả bản nghèo lắm. Nghèo nên đói “lắt lay”. Hôm nay, Bản không còn thấy vẻ u buồn của nhiều năm trước. Tôi nhận ra sự thay đổi của bản Brun hôm nay, từ chính nội tại bên trong đã phủ lên một “màu xanh” toàn diện. 
 
Dân bản Brun đã thành thạo với việc gieo trồng, sản xuất nông nghiệp. Với chính sách của Đảng và Nhà nước, bà con đã tin tưởng, tự nguyện chuyển từ rừng về sinh sống tái định cư vào năm 2006. Đến nay, bản Brun có 25 hộ với 88 khẩu. Diện tích canh tác hiện nay bà con đang sử dụng 25 ha, đã từng bước cải thiện đời sống của bà con trong bản. Đặc biệt, việc hàng năm người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng với diện tích trên 350 ha, được Ban Giám đốc Vườn Quốc gia đánh giá rất cao trong công tác bảo vệ rừng, góp phần cải thiện môi trường và nâng cao độ che phủ rừng trên cả nước.
 
Phóng tầm mắt bao quanh bản Brun, chúng tôi nhận thấy nơi đây rất thanh bình, bà con trồng trọt, chăn nuôi thuận theo thiên nhiên. Nhìn những vườn cây ăn quả đã đến mùa đơm hoa kết trái, những cánh đồng lúa nước cúi mình trĩu hạt chờ thu hoạch, lòng tôi lại dâng lên một niềm cảm phục bởi sự cần cù, siêng năng của họ.
 
Bà Điểu Thị Hà, một trong những hộ trước đây thuộc diện nghèo nhất bản, nay đã thoát nghèo, bà vừa phơi lúa vừa chia sẻ với chúng tôi: “Tuổi thơ của tôi ngày còn sống ở rừng chưa bao giờ biết đến một mái nhà. Ngày này qua ngày khác, tôi lẽo đẽo theo cha mẹ đi khắp cùng rừng cuối núi ở vùng Cát Tiên để kiếm cái ăn, du mục qua nhiều cánh đồi để tỉa bắp, trồng khoai. Thế nên, cái bụng của tôi cũng chưa bao giờ có nổi một bữa no, cái thân cũng chưa một ngày biết mặc ấm. Để rồi một ngày được Nhà nước quan tâm vận động ra khỏi rừng vào khu tái định cư và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ giống cây, con vật nuôi, hỗ trợ phương thức trồng cỏ nuôi bò nhốt, trồng lúa nước, cuộc sống mới bớt khổ. Giờ thì gia đình tôi không còn thiếu ăn, thiếu nước như trước nữa!”. 
 
Già Điểu K’Ít - Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Brun chia sẻ: “Nơi ở mới thuận tiện hơn, từ đường giao thông đi lại, khám chữa bệnh, đến chuyện học hành của con cái, hay phát triển kinh tế đều rất tốt. Ngoài trồng lúa, trồng ngô, trồng điều, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều hộ còn khá lên nhờ buôn bán tạp hóa, dịch vụ máy xay xát hay đi xuất khẩu lao động. So với trước đây, cuộc sống của chúng tôi giờ sướng hơn rất nhiều, bà con ai nấy đều phấn khởi. Hiện trong bản Brun có 100% nhà kiên cố, được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ dân có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn; tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường. Ngoài ra, thế hệ người Mạ vẫn động viên nhau giữ phong tục, truyền thống của cha ông: tục ma chay, các ngày lễ cưới, dệt thổ cẩm, cồng chiêng... Đồng thời, xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, không còn phù hợp với cuộc sống mới. Bản Brun đã duy trì và giữ vững 7 năm danh hiệu bản văn hóa (2012- 2019). Đặc biệt, người Mạ ở Brun luôn tự hào về bộ cồng chiêng gồm 6 cái do tôi lưu giữ, nó như là một biểu tượng, văn hóa dân tộc”. 
 
Nhờ cần cù, chịu khó nên phần lớn đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây ngày càng khởi sắc, để rồi, bản Brun được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cát Tiên lựa chọn xây dựng khu dân cư kiểu mẫu năm 2020. Bản đang trên đà phát triển toàn diện về mọi mặt để hoàn thành tiêu chí về khu dân cư kiểu mẫu. 
 
Nói về những chính sách đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, ông Nguyễn Hoàng Phúc thông tin, bản Brun là một trong nhiều thôn, bản được huyện dành nhiều ưu tiên cho sự phát triển. Việc triển khai thực hiện các chương trình dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế trong vùng đồng bào DTTS ở bản Brun được tăng cường. Các tuyến đường giao thông chính đến trung tâm xã cơ bản hoàn thiện, các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu tại Brun đã được triển khai xây dựng, các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ rừng phát huy có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi và từng bước nâng cao đời sống vật chất cho Nhân dân trong bản. Để từ đó, thu nhập bình quân đầu người nơi đây đạt 50 triệu đồng/người/năm.
 
Ký ức là điều không dễ quên, nhất là ký ức về sự cơ cực. Nhưng với những người Mạ ở bản Brun ngày hôm nay, có lẽ ký ức ấy càng là động lực để họ khát khao xây dựng một cuộc sống mới không còn đói khổ. Bản Brun đang từng ngày đổi khác, để không chỉ người Mạ, mà kể cả những khách lạ như tôi bỗng dưng cũng thấy vui lây về một thôn bản đã thay da đổi thịt.
 
HOÀNG YÊN