Lạc Dương: Phát huy vai trò giám sát của Ban Thanh tra Nhân dân

06:10, 31/10/2022
Nhằm phát huy dân chủ trực tiếp, động viên Nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với việc chấp hành, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của các cơ quan, tổ chức; Ban Thanh tra Nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng là một trong những hình thức giám sát quan trọng của MTTQ ở cơ sở tại Lạc Dương được phát huy khá tốt.
 
Theo Ủy ban MTTQ huyện Lạc Dương, trong những năm qua, công tác thanh tra Nhân dân, giám sát đầu tư cộng đồng và công tác hòa giải cơ sở tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã từng bước phát huy vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn, thông qua hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện Pháp lệnh về dân chủ cơ sở; việc thực hiện các dự án đầu tư, công trình từ nguồn vốn do Nhân dân đóng góp và các vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công dân... Qua đó góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, chống tham ô, lãng phí, tăng cường dân chủ ở cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.
 
Huyện hiện có 6 Ban Thanh tra Nhân dân (TTND) và 6 Ban Giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ). Trong đó, hầu hết các thành viên của Ban TTND là thành viên của Ban GSĐTCĐ, mỗi ban được kiện toàn có từ 7 đến 11 thành viên. 34 Tổ hòa giải tại 34 thôn, tổ dân phố với 175 hòa giải viên. Thành phần tham gia tổ hoà giải chủ yếu là bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng các chi hội đoàn thể tại thôn, tổ dân phố như: Chi hội Phụ nữ, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Nông dân, Chi hội Người cao tuổi, Chi Đoàn Thanh niên, người có uy tín trong cộng đồng khu dân cư… Chất lượng của đội ngũ các ban và hòa giải viên ngày càng được nâng cao, hầu hết đều là những người có phẩm chất đạo đức tốt, sống gương mẫu, có uy tín, có khả năng vận động, thuyết phục Nhân dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác thanh tra cũng như hòa giải ở cơ sở, được bầu chọn công khai, dân chủ trong cộng đồng và có quyết định công nhận của chính quyền cơ sở.
 
Hàng năm, Ban TTND, Ban GSĐTCĐ căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương xây dựng kế hoạch giám sát cụ thể, chi tiết trên các lĩnh vực như: Thu, chi, sử dụng các loại quỹ do Nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tham gia giám sát hoạt động của UBND và HĐND cấp xã; việc quản lý, sử dụng đất. Cùng đó là giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; bình chọn các đối tượng nghèo đề nghị hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thi công các công trình có vốn đầu tư của Nhà nước và của Nhân dân đóng góp; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; chi trả chế độ chính sách của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách… Các tổ hòa giải cơ sở đã tích cực phối hợp với chính quyền vận động Nhân dân giải quyết các tranh chấp chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, hôn nhân, mâu thuẫn trong gia đình, khu dân cư bằng biện pháp hòa giải; khuyến khích những thành viên của tổ chức mình và những cá nhân có uy tín, có chuyên môn và kinh nghiệm hòa giải tham gia Tổ hòa giải. Nhờ vậy, kết quả các vụ việc hòa giải thành công trên tổng số vụ việc tiếp nhận trong những năm qua đạt tỷ lệ khá cao, kết quả đạt 76 vụ hòa giải thành công trên tổng số 97 vụ tiếp nhận, chiếm tỷ lệ 78%.
 
Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, các thành viên trong Ban TTND trong quá trình hoạt động cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Thành viên các Ban còn thiếu chuyên môn trong lĩnh vực giám sát, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản...; đại đa số thành viên các Ban không muốn tham gia, vì không có phụ cấp, phải tham gia họp, tập huấn, giám sát, sau giám sát phải báo cáo... Phần lớn hòa giải viên là những người cao tuổi, có kinh nghiệm, uy tín trong cộng đồng nhưng lại ít có khả năng, điều kiện cập nhật thông tin mới về chính sách pháp luật nên cũng còn hạn chế trong thực thi nhiệm vụ.
 
Đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp trong huyện và thành viên trong Ban TTND, Ban GSĐTCĐ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các đoàn thể, đơn vị. Tiếp tục thu hút, giữ chân đội ngũ cán bộ MTTQ và các thành viên trong Ban TTND và BGSĐTCĐ bởi họ hầu hết là người có năng lực, nhiệt tình và dám làm, dám chịu trách nhiệm, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho Nhân dân.
 
Mặt khác, cơ sở kiến nghị tỉnh, huyện cần tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó tăng mức thù lao cho vụ việc hòa giải thành công; tăng cường cung cấp tài liệu pháp luật cho tủ sách pháp luật ở xã, thị trấn và tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố. Hoạt động hòa giải ở cơ sở chính là một hình thức của công tác dân vận nên cần tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện tốt hơn nữa Quy chế dân chủ theo Pháp lệnh 34. Phối hợp giám sát, kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở các xã, thị trấn, nhất là những vấn đề công khai cho dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Đề nghị MTTQ Trung ương và tỉnh quan tâm, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận từ huyện đến cơ sở và các thành viên Ban TTND, Ban GSĐTCĐ và các hòa giải viên để nâng cao kiến thức, kỹ năng và làm tốt nhiệm vụ tại cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong giai đoạn mới.
 
NGUYỆT THU