Những mô hình giảm nghèo hiệu quả

09:11, 17/11/2022
(LĐ online) - Nhiều vùng của Lâm Đồng còn rất khó khăn, đặc biệt tại những vùng đông bà dân dân tộc thiểu số. Thiếu đất, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, bà con gặp nhiều trở ngại trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều cộng đồng cũng như nông hộ đã vươn lên thoát nghèo.
 
TRỒNG DÂU NUÔI TẰM Ở B’NÔNG RẾT
 
Tổ dân phố B’Nông Rết, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà là nơi cư trú của bà con người K’Ho. Trước đây, bà con chuyên trồng cây cà phê, cây bắp. Vài năm trở lại đây, người B’Nông Rết chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm, mang lại thu nhập ổn định.
 
Hiện toàn tổ dân phố B’Nông Rết có gần 400 hộ, trong đó có hàng trăm hộ trồng dâu, nuôi tằm, mỗi hộ trung bình có từ 2 - 4 sào dâu. Giống dâu được trồng là giống siêu cao sản S7-CB cho năng suất cao. Bà con cũng ứng dụng kỹ thuật nuôi như nuôi trên dàn sắt, vừa vệ sinh, giảm công lao động, tằm lại mau lớn, cho kén tốt. Với giá kén ổn định, bà con trồng dâu nuôi tằm cũng có thu nhập trung bình 10 - 15 triệu đồng/tháng. Ngoài trồng dâu nuôi tằm, người B’Nông Rết còn chuyên trồng dâu bán lá, cung cấp cho các nhà tằm con, các hộ nuôi tằm lượng lớn không đủ dâu. Nhờ cây dâu, con tằm, đời sống của người B’Nông Rết đã khá lên rất nhiều, không còn cảnh thiếu thốn. Được biết, huyện Lâm Hà luôn động viên bà con chuyển từ đất cà phê già cỗi, đất lúa 1 vụ sang trồng dâu, nuôi tằm, mang lại thu nhập nhanh, ổn định. Huyện thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm cho bà con. Đồng thời, với những hộ khó khăn, Lâm Hà có chính sách hỗ trợ kinh phí, giúp bà con mua nong, né và các vật tư phục vụ trồng dâu, nuôi tằm. 
 
Hiện B’Nông Rết đang tiếp tục mở rộng diện tích cây dâu, nâng sản lượng kén tằm và tập trung thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để xây dựng nghề tằm bền vững.
 
Kiểm tra tằm sắp sửa lên né
Kiểm tra tằm sắp sửa lên né
 
NUÔI BÒ DƯỚI TÁN ĐIỀU
 
Gia đình ông Kơ Đưng Ha Se, thôn Mê Ka, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông vốn có vườn điều được trồng từ năm 1995. Và dưới tán điều, ông Ha Se đang thả bầy bò gần 20 chục con cả lớn, cả nhỏ. Ông  Kơ Đưng Ha Se là điển hình của nông hộ chăn nuôi bò dưới tán điều tại thôn Mê Ka.
 
Năm 2017, ông Ha Se được ngành Nông nghiệp Đam Rông hỗ trợ 1 con bò giống. Ông Ha Se đã thả bò trong vườn điều, làm một chuồng nhỏ, làm rào quanh vườn điều và gầy dựng lên thành một bầy bò lớn như hôm nay. Ông cho biết, bò do Nhà nước hỗ trợ là bò lai sind, giống bò bản địa lai với bò sind thuần chủng cho vóc dáng to, trọng lượng lớn, lượng thịt cao hơn hẳn so với giống bò vàng bản địa. Để chăm sóc đàn bò, ông Kơ Đưng Ha Se làm một chuồng nuôi ngay trong vườn điều. Để cấp đủ chất xanh cho bò, ông Ha Se trồng thêm 1,5 sào cỏ voi làm thức ăn cho bò. Ông cắt cỏ, băm nhỏ để bò có thể ăn hết một cách dễ dàng. Ngoài ra, tới mùa gặt, ông thu gom rơm từ ruộng nhà cuộn chặt, đánh đống để dành cho bò ăn thêm những lúc mùa khô thiếu cỏ. Phân bò được thug om để bón cho 3 sào lúa của gia đình. Hiện bầy bò đang mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Ha Se, là một điển hình chăn nuôi của thôn Mê Ka, xã Đạ Tông.
 
Được biết, xã Đạ Tông đang hỗ trợ bà con nhân rộng mô hình nuôi bò bán chăn thả như ông Ha Se với mục tiêu tận dụng tối đa khu vực đồng cỏ cũng như các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, lá các loại. Đây cũng là hướng đi để người nông dân tăng thu nhập trên cùng diện tịch đất.
 
ông Kơ Đưng Ha Se nuôi bò dưới tán điều
ông Kơ Đưng Ha Se nuôi bò dưới tán điều
 
TRỒNG LÚA CAO SẢN Ở GUNG RÉ
 
Gung Ré, vùng đất của người K’Ho có truyền thống trồng lúa. Nhưng khác hẳn cây lúa cổ năng suất thấp, nay người Gung Ré đã quen với canh tác lớn, ứng dụng kỹ thuật cao và các giống lúa đặc sản.
 
Ông K’Brổh - Phó Chủ tịch UBND xã Gung Ré cho biết, so với cách đây 10 năm, năng suất lúa ở Gung Ré đã tăng lên gấp 5 lần. Cây lúa nước được xã Gung Ré xác định là cái gốc của bà con, là cây trồng đảm bảo an ninh lương thực của bà con 3 thôn người K’Ho cư trú là Hàng Làng, Lăng Kú và K Long Trao. Vì vậy, xã luôn theo sát kế hoạch trồng, thu hoạch lúa của bà con, chuyển giao liên tục các kỹ thuật canh tác tiến bộ nhất. Hiện ở Gung Ré tổng diện tích canh tác lúa nước có khoảng 300ha. Nếu trước kia Gung Ré chỉ trồng được 200ha lúa nước vào vụ hè thu thì nay với sự hoạt động của hồ thủy lợi Ka La, hồ Lăng Kú, có thêm 110ha chủ động nước tưới vụ đông xuân. Không chỉ trồng lúa đủ ăn, kỹ thuật canh tác lúa của người Gung Ré cũng tiệm cận với trình độ chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất cả nước. Từ làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch gần như cơ giới hóa trên 90%, chỉ còn một vài diện tích vùng hẻo lánh, không có đường lớn mới cần sức người hỗ trợ thêm. Mỗi năm, người Gung Ré thu trung bình gần 2 ngàn tấn thóc, dư sức giúp bà con K’Ho đủ ăn đủ mặc, xóa hoàn toàn nạn đói khỏi vùng đất này.
 
Đồng thời, không chỉ dừng lại các giống lúa cao sản như OM, người Gung Ré đang hướng tới các giống lúa cao cấp, có giá trị cao. Vụ Đông Xuân 2022, xã Gung Ré hỗ trợ nông dân trồng thử nghiệm 15ha lúa đặc sản, giống ST25 nổi tiếng. Xã hỗ trợ nông dân 70% kinh phí giống và phân bón, bà con đối ứng 30% chi phí còn lại và bỏ công chăm sóc. 15ha sẽ chia làm 3 khu cánh đồng để đối chứng quy trình sản xuất, khả năng sinh trưởng và năng suất. Cán bộ khuyến nông đã đi học tập kỹ thuật canh tác lúa ST25 tại Đạ Tẻh và đánh giá Gung Ré có thể phù hợp với giống lúa đặc sản này. Nếu thành công, bà con Gung Ré sẽ triển khai rộng diện tích lúa ST25, mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân.
 
Thu hoạch lúa Gung Ré
Thu hoạch lúa Gung Ré
DIỆP QUỲNH