Hiệu quả của các mô hình PCCC cộng đồng

HOÀNG YÊN 03:10, 14/02/2023

Công an tỉnh Lâm Đồng tích cực triển khai Mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Điểm chữa cháy công cộng. Qua đây, người dân sẽ nắm vững được các kiến thức và biết cách vận dụng kỹ năng, hỗ trợ nhau xử lý các tình huống cháy nổ khi mới phát sinh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Thành viên Tổ liên gia an toàn PCCC tham gia tập huấn chữa cháy trong tình huống giả định
Thành viên Tổ liên gia an toàn PCCC tham gia tập huấn chữa cháy trong tình huống giả định

Tại TP Đà Lạt, nhiều hộ gia đình khi xây dựng đều tận dụng hết diện tích đất sử dụng, không thiết kế lối thoát hiểm thứ hai, nhiều gia đình còn sử dụng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh làm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Trước thực tế đó, chính quyền thành phố và lực lượng công an đã tổ chức triển khai 11 Mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và 13 điểm chữa cháy công cộng. 

Ông Phạm Xuân Sơn (Sinh năm 1960, ngụ tại Tổ dân phố 6, Phường 1, TP Đà Lạt) cho biết: “Tôi thường xuyên cập nhật tin tức thời sự trên các trang mạng xã hội và thấy rằng hiện nay có nhiều vụ cháy xảy ra trên cả nước và khá phức tạp. Khi tổ liên gia an toàn PCCC tại TP Đà Lạt được hình thành, chúng tôi rất vui mừng và cảm thấy rất an toàn, hiệu quả. Khi có sự cố xảy ra, mỗi gia đình đều có thiết bị chữa cháy và cứu hộ, hoàn toàn có thể huy động nhanh các hộ gia đình lân cận để tham gia cùng nhau chữa cháy hiệu quả bằng cách nhấn nút ấn báo cháy đã được lắp tại các hộ gia đình”.

Còn tại huyện Di Linh đã đưa vào hoạt động 2 Tổ liên gia và 3 điểm chữa cháy công cộng. Ông Vũ Đại Dương, một hộ kinh doanh tại Thôn 2, xã Hòa Ninh cho biết: “Thôn 2, xã Hòa Ninh là khu vực đông dân cư, với khoảng 200 hộ dân có nhà ở mặt Quốc lộ 20, các chủ hộ ở đây chủ yếu là kinh doanh, buôn bán với nhiều mặt hàng khác nhau, diện tích nhỏ, khu vực chật hẹp, hàng hóa thường chất kín lối đi, do đó nguy cơ cháy nổ là rất lớn và khi xảy ra cháy thì hậu quả sẽ vô cùng nặng nề về người và tài sản. Tổ liên gia an toàn PCCC tại đây thành lập gồm 13 hộ kinh doanh liền kề nhau, có quy chế hoạt động, có phương tiện, dụng cụ PCCC nên được Nhân dân rất đồng tình ủng hộ, tạo nên sự an tâm trong quá trình sinh hoạt, kinh doanh.

Ông Vũ Đức Phận - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết, Tổ liên gia an toàn PCCC Thôn 2, xã Hòa Ninh là mô hình, cách làm hay, sáng tạo của địa phương và lực lượng công an xã. Mô hình này đã giúp nâng cao được nhận thức, sự quan tâm của người dân trong công tác bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ; nâng cao trách nhiệm chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC và thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC. 

Tổ liên gia an toàn PCCC hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự giác, tự quản, dưới sự hướng dẫn về nghiệp vụ của lực lượng công an. Qua đó, mỗi hộ gia đình sẽ tự trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay, 1 dụng cụ phá dỡ; có lối thoát nạn thứ 2 qua ban công, lên tầng mái thoát nạn bằng thang dây, ống tụt, dây cứu người hoặc sang nhà bên cạnh; đèn báo sự cố (đèn chiếu sáng, đèn chớp, đèn báo cháy…); có hệ thống nút ấn báo cháy, chuông báo cháy được kết nối liên thông để khi có sự cố tại một nhà thì tất cả các nhà khác đều biết để hỗ trợ cứu người và chữa cháy; thành viên trong các hộ gia đình chủ động nghiên cứu, trang bị kiến thức và tập huấn những kỹ năng cơ bản trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH). Đồng thời, các thành viên trong hộ gia đình cài đặt và sử dụng thành thạo app “Báo cháy 114” để sử dụng tính năng “Tôi an toàn”, nhằm thông báo tình trạng an toàn khi có sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy ra. 

Bên cạnh đó, Công an tỉnh Lâm Đồng cũng đang triển khai Mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” tại khu dân cư có hẻm tập trung nhiều nhà (nhà ở hộ gia đình hoặc nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh) có chiều sâu từ 50 m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được khi chẳng may xảy ra cháy. Tại mỗi điểm chữa cháy công cộng được bố trí bình chữa cháy di động, nội quy quản lý, sử dụng phương tiện PCCC, CNCH và nhiều thiết bị chuyên dụng. Khi hỏa hoạn, người dân tại chỗ có thể sử dụng để chữa cháy, phá dỡ để CNCH, bảo vệ tính mạng và tài sản trước khi lực lượng chuyên nghiệp đến hiện trường. 

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC sẽ phát huy tính linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các gia đình, với phương châm phòng ngừa là chính, phòng là “xây”, chữa là “chống”; lấy phòng là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”, làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy. Tổ liên gia an toàn PCCC ra đời nhằm phát huy tính chủ động, tương trợ lẫn nhau giữa các gia đình trong một khu dân cư, thực hiện hiệu quả phương châm 4 tại chỗ, với mục tiêu “từng nhà an toàn - từng khu phố an toàn - từng xã, phường an toàn”, nhằm đảm bảo an toàn cháy, nổ cho người dân trên địa bàn. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thành lập được 58 Tổ liên gia an toàn PCCC và 47 điểm chữa cháy công cộng. Trong thời gian tiếp theo sẽ tiếp tục nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh nhằm ngăn chặn và đẩy lùi hậu quả do cháy, nổ xảy ra.