Sống ở đâu để bà con thương đến đó

08:11, 22/11/2018

(LĐ online) - Đó là chia sẻ của ông Lê Văn Hưng khi nói về những đóng góp của ông cho các hoạt động cộng đồng tại địa phương. Ông bảo khi khó khăn mình đã được nhiều người giúp đỡ nên khi điều kiện kinh tế khá giả hơn thì ông sẵn sàng đóng góp cho xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Quan điểm của ông là sống ở đâu phải để bà con thương đến đó.   

(LĐ online) - Đó là chia sẻ của ông Lê Văn Hưng khi nói về những đóng góp của ông cho các hoạt động cộng đồng tại địa phương. Ông bảo khi khó khăn mình đã được nhiều người giúp đỡ nên khi điều kiện kinh tế khá giả hơn thì ông sẵn sàng đóng góp cho xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Quan điểm của ông là sống ở đâu phải để bà con thương đến đó.
 
Ông Lê Văn Hưng
Ông Lê Văn Hưng

Năm 1984, ông Hưng cùng gia đình vào thôn 1 (xã Hà Đông, huyện Đạ Tẻh) lập nghiệp. Trong những ngày đầu, cuộc sống gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Do chưa quen với điều kiện sản xuất ở vùng đất mới, vốn đầu tư cho sản xuất còn thiếu, khoa học kỹ thuật và thị trường kinh doanh còn nhiền hạn chế nên thu nhập thấp, ảnh hưởng đến đời sống vật chất của gia đình. Trước những khó khăn, thách thức, ông Hưng xin tham gia vào Hội Nông dân thôn 1 và được học các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiếp cận các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trên địa bàn trong và ngoài huyện. Từ đó, ông có thêm kiến thức, kinh nghiệm để áp dụng vào việc sản xuất kinh doanh của mình.
 
Từ năm 2011, ông bắt đầu làm nghề bóc tách hạt điều bằng thủ công. Đến năm 2014, ông mạnh dạn đầu tư mở xưởng gia công bóc hạt điều với các trang thiết bị tự động. “Khi đó, tôi gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, về kỹ thuật và cả về thị trường tiêu thụ, nhân công lao động. Được Hội Nông dân tạo điều kiện, tôi được vay tín chấp nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội số tiền 62 triệu đồng, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân 15 triệu đồng, nguồn vay ưu đãi từ Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn số tiền 900 triệu đồng, cùng với nguồn vốn tích lũy của gia đình, tôi đầu tư xây 250 m 2 nhà xưởng và mua các máy móc như: Máy tách vỏ, máy hấp, máy thổi vỏ lụa… với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm doanh thu của xưởng đạt hơn 2 tỷ đồng và đem lại nguồn lợi nhuận hơn 900 triệu đồng. Trên cơ sở những hiệu quả kinh tế đã đạt được, tôi đã hướng dẫn kinh nghiệm về kinh doanh cho 25 người trong lĩnh vực kinh doanh điều; đồng thời, tạo việc làm ổn định cho 65 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 4,5 – 6 triệu đồng” – ông Hưng chia sẻ.      
 
Từ khi kinh tế gia đình ổn định, ông Hưng rất tích cực đóng góp các nguồn quỹ tại địa phương. Đặc biệt, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Hưng đã đóng góp trên 50 triệu đồng để làm cổng chào thôn văn hóa, làm đường giao thông nông thôn, điện thắp sáng đường quê. Ông Nguyễn Công Chứ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hà Đông, cho biết: Ông Hưng rất tích cực với các phong trào tại địa phương. Khi thôn, xã có bất cứ hoạt động gì ông đều rất sẵn lòng đóng góp kinh phí để hỗ trợ. Việc ông ủng hộ tiền để xây dựng cổng chào thôn văn hóa đã góp phần cho diện mạo thôn xóm ngày càng đẹp hơn. Ngoài đóng góp cho các hoạt động ở thôn, với tư cách là hội viên nông dân, ông Hưng luôn ý thức xây dựng tổ chức hội vững mạnh, gương mẫu đóng góp xây dựng quỹ hội với số tiền 300 ngàn đồng/ năm”. 
 
Với quan điểm sống ở đâu phải để bà con thương đến đó, ông Hưng đã thực sự làm những công việc có ý nghĩa và được bà con lối xóm quý mến. Với ông, để đạt được kết quả như ngày nay, ngoài nỗ lực của bản thân thì còn có sự tương thân tương ái của bà con lối xóm, của tổ chức hội, đoàn thể. Mỗi gia đình nếu biết dám nghĩ dám làm, cần cù, chịu khó để phát triển kinh tế thì sẽ góp phần xây dựng quê hương Hà Đông ngày càng giàu đẹp.
 
Đông Anh