Nghị lực vượt khó của người đàn ông khiếm thị

08:11, 23/11/2018

Dù đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng, nhưng anh Ðỗ Văn Mai, hội viên Hội Người mù tỉnh Lâm Ðồng vẫn nỗ lực vượt khó để tự chăm sóc mình, từng bước ổn định kinh tế gia đình, lo cho hai người con ăn học đàng hoàng…

Dù đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng, nhưng anh Ðỗ Văn Mai, hội viên Hội Người mù tỉnh Lâm Ðồng vẫn nỗ lực vượt khó để tự chăm sóc mình, từng bước ổn định kinh tế gia đình, lo cho hai người con ăn học đàng hoàng…
 
Anh Đỗ Văn Mai bị khiếm thị hai mắt nhưng vẫn tự lo được cho bản thân, gia đình. Ảnh: T.Trang
Anh Đỗ Văn Mai bị khiếm thị hai mắt nhưng vẫn tự lo được cho bản thân, gia đình. Ảnh: T.Trang

Ý thức được hoàn cảnh, nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, không trông chờ ỷ lại, tự lo cho bản thân, ổn định và phát triển kinh tế hộ gia đình, lo cho con ăn học đàng hoàng…, anh Đỗ Văn Mai đã được UBMTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng biểu dương tại Lễ Tuyên dương 88 gương sáng đời thường, tiêu biểu trên địa bàn toàn tỉnh lần thứ I, tại TP Bảo Lộc vào tối 17/11/2018.
Sinh ra trong gia đình nghèo khó, tuổi thơ của Đỗ Văn Mai (SN 1967, trú tại xã Xuân Trường, TP Đà Lạt) gắn liền với những tháng ngày mưu sinh của cha và mẹ dọc các tỉnh Tây Nguyên, dù vậy trong nhà vẫn đầy ắp tiếng cười. Anh Mai nhớ lại: Sau tháng ngày mưu sinh cùng cha và mẹ ở Đắk Tô - Tân Cảnh (Kon Tum), Chư Sê (Gia Lai), Buôn Đôn (Đắk Lắk)..., năm 1974, gia đình anh về định cư tại xã Xuân Trường (TP Đà Lạt). Lúc bấy giờ không có ruộng vườn nên đời sống kinh tế gia đình vẫn dựa vào việc đốt than, làm thuê là chính. Do hoàn cảnh khó khăn, học tới lớp 7, anh phải nghỉ học phụ giúp gia đình. 
 
Cũng theo lời anh Mai: Năm 1984, anh tham gia lực lượng dân quân, du kích địa phương, được phân công tăng gia sản xuất, canh gác ở Cầu treo Xuân Trường. Và rồi ngày 30/3/1986, khi anh Mai vừa tròn 18 tuổi, trong lúc lao động sản xuất, không may một quả đạn còn sót lại sau chiến tranh đã phát nổ, cướp đi đôi mắt của anh. Sau khi bị thương, anh được đưa đi chữa bệnh ở Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Dù đã cố gắng nhưng các bác sỹ chỉ chữa lành được các vết thương trên khuôn mặt, riêng đôi mắt vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng. Vậy là bao ước mơ, dự định bỗng chốc tiêu tan, sụp đổ khiến anh suy sụp, bi quan… Phải mất một thời gian khá dài anh mới ý thức được hoàn cảnh bản thân, tìm lại được nghị lực để vượt qua nghịch cảnh, tự chăm lo cho bản thân, ổn định gia đình… 
 
“Sau ngày chữa bệnh trở về, hơn hai năm đầu vì mang trên người thương tật 92%, đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng mặt trời nên tinh thần chán nản, suy sụp hoàn toàn. Cuộc sống lây lất, ngày qua ngày cứ trôi đi trong vô vị… Và một ngày kia mình chợt nhớ lại trong lúc nằm viện đã từng giúp đỡ, chăm sóc cho một bệnh nhân cùng phòng bị mù hai mắt và cụt cả đôi tay. Bản thân lúc đó không thấy đường nhưng vẫn có thể giúp bạn đi tắm, rót nước, thả mùng, đắp mền… Trong hoàn cảnh như vậy người ta vẫn sống tại sao mình không sống?!” - anh Mai nói. 
 
Sau khi tự vấn bản thân, anh Mai gọi mẹ giúp đỡ, cầm tay dẫn vào bếp để tập đun nước, nấu cơm. Những ngày đầu “học làm bếp” là những ngày cực kỳ khó khăn đối với người bị khiếm thị như anh, nhưng bằng tất cả nghị lực, chỉ sau thời gian ngắn anh đã nấu nướng thành thạo. Để làm được việc này, theo anh Mai, trước khi muốn làm điều gì mình đều phải ngồi suy nghĩ, hình dung trong đầu theo cách nghĩ của người mắt sáng rồi mới làm nên mọi việc bắt đầu quen dần. Từ đó có thể nấu cơm, nấu nước; xắt chuối, khoai mì, khoai lang; cho heo ăn; vệ sinh bản thân; bắc điện chiếu sáng cho gia đình anh đều có thể tự làm. 
 
Không chỉ vậy, sau khi tìm lại được nghị lực sống, một năm sau, với khoản tiền chính sách đã dành dụm, cộng với sự trợ giúp, hỗ trợ của bạn bè, đồng đội, anh Mai đã cất được căn nhà gỗ khoảng 30 m2 để ra ngủ riêng, nhưng vẫn ăn uống, sinh hoạt cùng gia đình để tiện trông giữ 5 đứa cháu, giúp cho các thành viên trong gia đình rảnh tay lao động. 
 
Đến năm 1997, anh Mai đã gặp và nên duyên với chị Hà Thị Thanh Phiên (SN 1972, quê Hà Tĩnh). Hai vợ chồng sớm tối có nhau, trong lúc vợ đi làm, anh ở nhà phụ giúp trông giữ 5 đứa cháu; nuôi thêm đàn heo… Dành dụm được 3 chỉ vàng, anh mua một mảnh vườn 8 sào để tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống gia đình. Hàng ngày vợ làm thuê để kiếm tiền mua cây giống, sau nhiều năm tích cóp, cuối cùng gia đình cũng đã đầu tư trồng được vườn cà phê 8 sào, và trồng xen bơ ăn quả để lấy ngắn nuôi dài… Và rồi cuộc tình giữa hai người đã đơm hoa kết quả, lần lượt hai người con (một gái, một trai) ra đời, giúp anh có thêm nghị lực để vượt khó về kinh tế cũng như thương tật trên cơ thể. 
 
Anh Mai bộc trực: Sau những năm tháng gian nan, giờ đây việc nặng thì không bằng ai, cũng không dám tự hào, nhưng nấu cơm, dọn nhà, dọn cửa… có thể nhiều người mắt sáng chưa chắc đã qua được anh. Cũng theo anh Mai, sau thời gian làm quen với những công việc tự chăm sóc cho bản thân, nấu nướng, làm việc nhà, anh nghĩ để vợ một mình đi làm hoài cũng buồn nên nói vợ cho theo làm vườn. Lúc đầu có chút khó khăn, nhưng nay mấy việc như dẫy cỏ, cuốc đất; chặt gốc và thu hái cà phê, ghép bơ ăn trái… anh đều làm được. 
 
Nhờ nghị lực vượt khó, cùng với sự chịu thương, chịu khó, vợ chồng anh Mai từng bước ổn định kinh tế gia đình. Theo anh Mai, thu nhập từ vườn cà phê được khoảng 100 đến 150 triệu đồng tùy vào từng năm, trừ đi chi phí đầu tư, nếu biết tiết kiệm thì cũng lo được cho 2 đứa con ăn học, trong đó cô con gái đầu học năm thứ 2 tại một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh, anh con trai thì học lớp 6 gần nhà. 
 
Để có được như ngày hôm nay, không thể không nói đến sự chia sẻ của người vợ, thế nhưng khi được đề cập, chị Phiên cười trong veo, rồi nói: “Tất cả đều là cái duyên, cái số. Em vào làm công nhân Nhà máy chè Cầu Đất được một năm thì gặp và lấy anh Mai. Những ngày đầu về chung sống, chồng bị khiếm thị hai mắt không nhìn thấy ánh sáng nên cuộc sống vô cùng khó khăn, bản thân cũng chịu nhiều thiệt thòi, nhưng khi đã thương rồi thì chịu chứ không lẽ bỏ nhau?!”. Cũng theo chị Phiên, cứ nghĩ như thế để vượt qua khó khăn, cùng phấn đấu để nuôi con ăn học, và rồi vợ chồng đã làm được, tuy phía trước vẫn còn nhiều khó khăn. 
 
THỤY TRANG