Thầm lặng với công việc phụ nữ ở làng Mông

04:11, 13/11/2018

(LĐ online) - Những tấm giấy khen, bằng khen lồng kính được treo ngay ngắn trong căn nhà gỗ có phần xập xệ theo thời gian là những minh chứng cho những đóng góp của chị trong việc giúp người phụ nữ Mông xa quê ổn định cuộc sống trên quê hương mới.
 

(LĐ online) - Những tấm giấy khen, bằng khen lồng kính được treo ngay ngắn trong căn nhà gỗ có phần xập xệ theo thời gian là những minh chứng cho những đóng góp của chị trong việc giúp người phụ nữ Mông xa quê ổn định cuộc sống trên quê hương mới.
 
Chị Mỷ tự hào khi được nhận kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ”
Chị Mỷ tự hào khi được nhận kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ”
Căn nhà gỗ yên ắng trong một chiều mưa muộn. Niềm nở đón chúng tôi, chị Thào Thị Mỷ - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Thôn 5 (xã Rô Men, huyện Đam Rông) bảo rằng, vì hôm nay mưa mới có ở nhà chứ mọi ngày vẫn còn trên rẫy hái cà phê. Theo chị Mỷ, phụ nữ Mông ở đâu cũng thế, phần lớn chỉ quanh quẩn từ chái bếp lên nương rẫy, tháo vát việc gia đình, đảm đang con cái. Thiếu nữ chưa qua tuổi trăng tròn đã lấy chồng, chẳng được đến trường nói gì đến việc tham gia công tác xã hội.  
 
Ấy thế mà chị Mỷ lại khác. Không được đến trường nhưng khát khao con chữ của chị chẳng nguôi. 22 tuổi, chị tham gia lớp học xóa mù chữ, là học trò xuất sắc nhất. Rồi khi huyện Đam Rông được thành lập, Thôn 5 tập hợp người Mông từ Hà Giang vào lập nghiệp, chị làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn. Từ ấy đến nay, chưa bao giờ chị sao nhãng công việc của chị em, từng buổi họp hành của xã, huyện chị đều dự để có thể hiểu và truyền đạt lại cho phụ nữ thôn mình.
 
“Nói thực là không phải cái gì mình cũng hiểu hết đâu. Nhưng cái nào không rõ thì mình hỏi lại, bàn bạc với cán bộ thôn để giải thích cho chị em. Công việc có khó khăn cũng chỉ do bản thân mình thôi. Ngày xưa không được đi học, trình độ hạn chế nên bản thân mình phải cố gắng. Đấy cũng là điều mình tiếc nhất lúc này”, chị Mỷ tâm sự.
 
Vậy mà chị Mỷ vẫn vượt lên khó khăn để hoàn thành mọi nhiệm vụ do các cấp phân công. Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền huyện Đam Rông, chị Mỷ đã cùng các cán bộ Thôn 5 và người dân xây dựng mảnh đất định cư mới của người Mông ở cao nguyên này thành một ngôi làng ba không: “không rượu, không thuốc lá, không tệ nạn". Nhờ đó, Thôn 5, xã Rô Men có 160 hộ thì đã có đến 140 hộ đạt Gia đình văn hóa, 100% con em được đến trường, hộ nghèo nay chỉ còn 30 hộ. Các mô hình tiết kiệm, tổ dọn dẹp vệ sinh môi trường, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc cứ thế được hình thành đã giúp cho nhiều chị em phụ nữ ở Thôn 5 phát triển kinh tế, có được cuộc sống ổn định hơn.
 
Những tấm giấy khen, bằng khen ghi nhận thành tích cá nhân được treo ngay ngắn trên cao như minh chứng cho những đóng góp của chị ở địa phương. Khoe với chúng tôi Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ” mới được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng, chị Mỷ chẳng thể diễn tả hết nỗi niềm. “Chẳng biết nói làm sao cả, chỉ biết là mình vui lắm thôi”, chị cười xúc động.
 
Gắn bó với đời sống chị em phụ nữ từ những ngày đầu, bản thân chị Mỷ cũng nhận thấy sự thay đổi của chính cộng đồng người Mông ở đây. Ngày trước còn khó khăn, bữa đói bữa no chẳng ai biết trước nhưng giờ đây đã khấm khá hơn nhiều, kinh tế dần ổn định. Chị em cũng từ đó giúp nhau bằng cách đổi công, lập tổ vay vốn. Nhà nào neo người, ốm đau không đi làm được thì các chị sẵn sàng đến giúp. Giờ mỗi khi nhà ai có việc gì đều báo với chị Mỷ, từ chuyện con cái học hành, chuyện vợ chồng cãi nhau… cũng đều nhờ chị Mỷ giúp đỡ. Với chị Mỷ, phần thưởng lớn nhất trong suốt những năm làm công tác Phụ nữ chính là sự tin tưởng của chị em, của bà con nơi đây. Để rồi, những người phụ nữ Mông sẽ tự tin hơn, mạnh dạn hơn để làm chủ kinh tế, làm chủ cuộc sống trên vùng đất mới Đam Rông.
 
Chị Vũ Thị Kim Dung – Chủ tịch Hội LHPN xã Rô Men cho biết, trong quá trình công tác, với việc luôn nỗ lực hoàn thành trách nhiệm của mình mà Thôn 5 luôn là thôn dẫn đầu trong hầu hết các phong trào của xã. Là người địa phương, chị Mỷ như chiếc cầu nối giữa chủ chương, chính sách của Hội nói riêng và của Nhà nước nói chung đến với bà con và ngược lại, chị thấu hiểu những tâm tư tình cảm của bà con, từ đó phản ánh với chính quyền giúp bà con tháo gỡ những khó khăn trong cuộc sống./.
 
HỒNG THẮM