Quản lý, bảo vệ rừng: Yếu kém

08:11, 20/11/2015

Việc tăng cao số vụ vi phạm quản lý, bảo vệ rừng so với cùng kỳ năm trước, nhất là số vụ phá rừng và cả về qui mô diện tích bị chặt phá trong thời qua cho thấy mức độ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày càng nghiêm trọng. 

Việc tăng cao số vụ vi phạm quản lý, bảo vệ rừng so với cùng kỳ năm trước, nhất là số vụ phá rừng và cả về qui mô diện tích bị chặt phá trong thời qua cho thấy mức độ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày càng nghiêm trọng. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn và các vụ xâm hại rừng không được xử lý nghiêm,  nguy cơ mất rừng vẫn còn hiện hữu và  tỷ lệ độ che phủ rừng mà mục tiêu của tỉnh đặt ra sẽ khó được bảo đảm.       
 
Rừng vẫn bị xâm hại từng ngày (ảnh chụp tại Tiểu khu 114A nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương. Ảnh: Thụy Trang
Rừng vẫn bị xâm hại từng ngày (ảnh chụp tại Tiểu khu 114A nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương.
Ảnh: Thụy Trang

Đánh giá chung của lãnh đạo sở, ngành chức năng về công tác quản lý, bảo vệ rừng từ đầu năm đến nay rất yếu kém. Sự yếu kém này dẫn đến hệ quả không những rừng bị mất mà đất lâm nghiệp còn bị xâm lấn, chiếm đoạt, trong khi để phục hồi - trả lại màu xanh cho những cánh rừng - tốn kém cả về tiền bạc, công sức lẫn thời gian. Rừng Lâm Đồng tiếp tục “chảy máu” với quy mô ngày càng gia tăng cả về số vụ, diện tích và ẩn chứa các yếu tố phức tạp, nguy hiểm trong thời gian qua. Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản 1.325 vụ vi phạm các quy định về quản lý và  bảo vệ rừng, tăng 4% so với cùng kỳ, tương đương 53 vụ. Nếu chia đều cho 9 tháng thì bình quân mỗi tháng có tới 153 vụ vi phạm và mỗi ngày trôi qua có 5 vụ xâm hại đến đất rừng, khiến cho những cánh rừng xanh trên địa bàn Lâm Đồng không còn bình yên. Trong tổng số vụ vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng có 353 vụ phá rừng, tăng 123 vụ; diện tích rừng bị chặt hạ, hủy hoại 130,5ha, tăng 59,8ha so với cùng kỳ năm trước cho thấy tính chất, quy mô phá rừng ngày càng phức tạp, thậm chí đối tượng phá rừng còn có hành vi chống lại người thi hành công vụ. Một lãnh đạo Mặt trận tỉnh phải thốt lên rằng: Khi đi thực tế kiểm tra tại Tam Hiệp (Di Linh), gỗ rừng bị chặt hạ nằm ngổn ngang, có vụ ngang nhiên phá hàng chục m 3 gỗ cho thấy công tác quản lý của ngành chức năng quá yếu kém và mức độ vi phạm có thể nói là nghiêm trọng. Qua đó, đặt câu hỏi liệu rằng trong các vụ phá rừng có ai đứng đằng sau xúi giục, tiếp tay hay chống lưng cho hành vi phá rừng? Ngay cả Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Văn Minh cũng nêu ra vấn đề phá rừng có biểu hiện  “ăn chia 50: 50” giữa người phá rừng và “kẻ giấu mặt” đứng đằng sau. 
 
Trong tổng số vụ vi phạm quản lý, bảo vệ rừng thời gian qua, ngành chức năng đã xử lý bao gồm: Xử phạt hành chính 1.125 vụ, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 36 vụ. Qua đó, số lượng lâm sản tịch thu qua xử lý vi phạm 1.746 m 3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách 12,1 tỷ đồng. Vấn đề được nhiều người quan tâm không phải xử lý được bao nhiêu vụ, đưa đến tỷ lệ số vụ bị xử lý/số vụ vi phạm đạt cao, thể hiện sự quyết liệt của ngành và các địa phương mà mấu chốt là đã xử lý nghiêm chưa. Do đó, đòi hỏi cần phải nhanh chóng điều tra các vụ phá rừng nghiêm trọng, mở rộng điều tra đối tượng liên quan và đưa ra xét xử công khai những vụ án điểm để răn đe. Bởi trong thực tế chỉ đạo, điều hành từ tỉnh xuống đến huyện luôn thể hiện sự quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhưng khi phát hiện thì “xử lý các đối tượng chưa nghiêm” - như nhận định của UBND tỉnh. Cũng cần nói thêm rằng, tại buổi làm việc với các sở, ban, ngành và địa phương gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên từng đề nghị ngành chức năng rà soát lại số vụ vi phạm quản lý, bảo vệ rừng đã bị xử lý - nhất là về mặt hành chính xem đã có bao nhiêu vụ thi hành theo quyết định xử phạt và bao nhiêu vụ xử phạt nhưng không thi hành. từ đó mới “đo lường” được tính hiệu quả trong thực thi các quy định, pháp luật liên quan đối với các hành vi vi phạm công tác quản lý, bảo vệ rừng.
 
Cách đây mấy năm, thể hiện trên báo cáo của các ngành, tỷ lệ độ che phủ rừng của Lâm Đồng đạt 62%. Nhưng đến nay Lâm Đồng quyết tâm giữ tỷ lệ che phủ rừng ở mức 52%. Điều đó có nghĩa rằng một phần rừng, đất nông nghiệp đã bị lấn chiếm và nếu công tác quản lý, bảo vệ rừng không được đẩy mạnh, kiểm soát một cách hiệu quả thì nguy cơ mất rừng còn tiếp tục xảy ra dẫn đến việc duy trì độ che phủ không đảm bảo như mục tiêu của tỉnh đặt ra là duy trì ở mức 52%. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt đã chỉ đạo các ngành và địa phương liên quan đến các vụ phá rừng có tính chất, quy mô lớn đã bị khởi tố phải nhanh chóng điều tra, đưa ra xét xử các đối tượng liên quan ngay trong quý IV này. 
 
Xuân Trung