Sạt lở nghiêm trọng sông Đồng Nai do "cát tặc"

08:06, 13/06/2016

Sông Đồng Nai giáp ranh 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai đang gánh chịu nhiều hệ lụy: Thất thoát và lãng phí tài nguyên khoáng sản; tác động tiêu cực đến môi trường; sạt lở, xâm thực, gây thiệt hại tài sản của nhân dân... 

Sông Đồng Nai giáp ranh 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai đang gánh chịu nhiều hệ lụy: Thất thoát và lãng phí tài nguyên khoáng sản; tác động tiêu cực đến môi trường; sạt lở, xâm thực, gây thiệt hại tài sản của nhân dân, gây bức xúc trong dư luận... Chiều ngày 9/6, trao đổi với PV Báo Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Đức - Phó Phòng Khoáng sản, Sở TN&MT Lâm Đồng cho biết: Sở đã chủ động soạn nội dung phối hợp quản lý gửi cho Sở TN&MT Đồng Nai thống nhất để tham mưu cho UBND tỉnh nhưng đến nay chưa có phản hồi từ Đồng Nai.
 
Hiện tượng hút cát sát bờ vẫn diễn ra tại Đạ Kho ngay ban ngày
Hiện tượng hút cát sát bờ vẫn diễn ra tại Đạ Kho ngay ban ngày

Sạt lở bờ sông hơn 20 mét 
 
Những ngày đầu tháng 6, vào xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh, nhiều ô tô vào ra chở cát tại các bãi ven sông Đồng Nai. Ngay mép sông sạt lở, anh Nguyễn Văn Chỉnh, người dân thôn 9, xã Đạ Kho thường trú từ năm 1978 bức xúc chia sẻ: Nhà có đất sản xuất nông nghiệp bên sông, ngày đêm túc trực để canh những người hút cát. Nhiều lần anh dùng đất đá ném xua đuổi “cát tặc” nhưng lực bất tòng tâm, đành phải bán đất cho người khác. Anh than thở, hiện còn một khoảnh đang trồng dâu, không biết có giữ nổi không vì nạn hút cát hoành hành rất dữ. “Cứ từ 3 giờ sáng nó hút cát trong bờ, khoảng 30 phút đã hút đầy 1 chuyến xuồng ba mươi,  bốn mươi khối. Nó tuyên bố là đi hút trộm, chết đâu có chủ chịu”, anh Chỉnh kể. Nóng ruột quá, bà con Đạ Kho nhiều lần gặp các chủ bãi cát phản ánh, thậm chí bắt được cả xuồng đang hút và điện cho chủ cát xuống. Nhưng đâu lại vào đấy, khi thì chủ cát lập lờ hứa sẽ thôi không cho hút, lúc khác chủ đề nghị bà con quay phim chụp ảnh làm bằng chứng. Theo anh Chỉnh, các chủ bãi cát ở đây gồm Lý-Ái, Liêm, Hoàng Kim, Xuân Trường,... mỗi chủ cát cứ một khúc sông. Người dân cũng đã phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri của Quốc hội và HĐND các cấp về tình trạng sạt lở sông, xâm thực đất vườn và tha thiết đề nghị chính quyền địa phương, các ngành chức năng có giải pháp quản lý tình trạng hút cát bừa bãi, trái quy định. 
 
Đến một quãng sông khác, sát 2 chiếc xuồng đang hút cát, trên bờ máy múc đang múc cát vào những xe ô tô. Thấy tôi chụp hình những mảng bờ sông sạt lở kéo theo vô số cây chìm nghỉm xuống lòng sông, chị Trần Thị Thủy, người dân thôn 8, xã Đạ Kho nói: “Chú thấy đấy, sạt khủng khiếp thế mà chả thấy ai ngăn họ hút cát cả?”. Cũng ở thôn 8, trưởng thôn Nguyễn Khắc Đồng cho biết: Khoảng 30 hộ dân của các thôn 5, 6, 7, 8, 9 trong xã Đạ Kho có đất sản xuất bị sạt lở, do khai thác cát gây nên. Bờ sông đã bị sạt lở lấn sâu vào khoảng 25 - 30m so với hiện trạng ban đầu. Ông Đồng nói thêm: “Người dân chúng tôi không có cách gì để ngăn chặn tàu hút cát. Mỗi khi phát hiện tàu chọc ống hút vào bờ, tôi gọi địa chính xã xuống lập biên bản bắt quả tang thì các anh lại bảo làm đơn rồi chờ giải quyết”. Ngày 5/6, ông Phạm Hữu Khánh - Phó phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế của Vườn quốc gia Cát Tiên cũng cho chúng tôi hay:  Vườn đã nhiều lần phản ánh đến các cơ quan chức năng về tình trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai đã đe dọa tài nguyên Vườn.        
 
Những xe cát chất cao ùn ùn chở từ bờ sông xã Đạ Kho ra
Những xe cát chất cao ùn ùn chở từ bờ sông xã Đạ Kho ra
“Cát tặc là một loại tội phạm cần xử lý”
 
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lúc bấy giờ là Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm (Ban Chỉ đạo 138/CP) tại hội nghị trực tuyến 63 tỉnh, thành về quản lý khai thác cát, sỏi trên lòng sông vào ngày 27/10/2015. Nói công bằng, vấn đề khai thác cát lòng sông Đồng Nai trên địa phận Đạ Tẻh và Cát Tiên đã được chính quyền 2 huyện quan tâm từ lâu nhưng vẫn chưa có hiệu quả cao vì chủ hút cát có giấy phép khai thác của tỉnh. Ngày 5/6, trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, ông Bùi Văn Hùng cho rằng: Huyện xác định lưu vực sông Đồng Nai có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống của người dân, đặc biệt là dân cư sống dọc sông. Vấn đề khai thác cát lòng sông dĩ nhiên không thể duy ý chí rằng không thể không khai thác vì đó là nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, khai thác nên dừng ở mức độ, không nên khai thác đến cạn kiệt, đồng thời cần có những ràng buộc nghiêm ngặt. Những người vi phạm nhiều lần nên rút giấy phép khai thác. Ông Hùng cũng xác nhận, cử tri đã phản ánh nhiều đến đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp và với trách nhiệm quản lý hành chính tại địa bàn, huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương và ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát. Chủ tịch Bùi Văn Hùng cho biết thêm, huyện đã đề nghị bà con nếu thấy hút cát trong bờ ban ngày kịp thời báo cáo hay hút ban đêm thì chụp hình để cung cấp cho huyện. Huyện đã chỉ đạo chỉ hút cát đến 6 giờ chiều, nghiêm cấm hút ban đêm. “Nếu cơ sở là tôi xử lý đình chỉ ngay. Tới đây, huyện sẽ có những giải pháp phối hợp quyết liệt hơn”, ông Hùng khẳng định. 
 
Phó Giám đốc Sở TN&MT Lương Văn Ngự cho biết, nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý các vi phạm do các doanh nghiệp khai thác cát gây ra, 2 Sở TN&MT Lâm Đồng và Đồng Nai vừa có buổi làm việc thống nhất công tác phối hợp quản lý hoạt động khai thác cát xây dựng trên sông Đồng Nai và sông Đạ Quay đoạn giáp ranh giữa  tỉnh. Thực tế là hoạt động khai thác cát của một số doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng thiết kế mỏ, báo cáo đánh giá tác động môi trường và các nội dung theo Giấy phép được UBND tỉnh cấp. Đây là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng sạt lở bờ sông, gây mất an ninh - trật tự ảnh hưởng đến đời sống nhân dân sống dọc bờ sông Đồng Nai, sông Đạ Quay và Vườn quốc gia Cát Tiên. 
 
Ngày 22/11/2005, UBND tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai đã ban hành Thông báo liên tịch số 7532/TBLT-ĐN-LĐ về việc phối hợp thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản trên sông đoạn thuộc ranh giới hành chính giữa 2 tỉnh. Tuy nhiên, đến nay quy định pháp luật về khoáng sản đã có nhiều thay đổi nên phải sửa đổi, bổ sung. Cần sớm có sự tham mưu của 2 Sở TN&MT để UBND 2 tỉnh ban hành quy chế, trong đó quy định cụ thể nhiệm vụ của các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và Vườn quốc gia Cát Tiên. Trong lúc tỉnh chưa ban hành quy chế phối hợp quản lý tài nguyên môi trường, UBND 3 huyện và các xã, thị trấn tiếp tục chủ động và phối hợp với Vườn quốc gia Cát Tiên tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trên sông Đồng Nai và sông Đạ Quay. Cơ quan chức năng cần chủ động làm việc với các doanh nghiệp hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai và sông Đạ Quay để chấn chỉnh và kiên quyết có biện pháp xử lý mạnh tay những sai phạm; yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm về thời gian khai thác cát trong ngày, đăng ký số lượng phương tiện, thiết bị được phép khai thác, khai thác đúng công suất, đúng trữ lượng và vị trí. Có như vậy thì mới nhanh chóng trả lại sự bình yên cho những dòng sông đang ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng.
 
MINH ĐẠO