Trách nhiệm thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Nung

04:12, 01/12/2020

Trong các số báo 5665 (ngày 23/9/2020), 5671 (ngày 2/10/2020) và 5675 (ngày 7/10/2020), Báo Lâm Đồng đã phản ánh cụ thể vụ lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp, đất công không đúng mục đích tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Nung ở thành phố Đà Lạt...

Trong các số báo 5665 (ngày 23/9/2020), 5671 (ngày 2/10/2020) và 5675 (ngày 7/10/2020), Báo Lâm Đồng đã phản ánh cụ thể vụ lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp, đất công không đúng mục đích tại Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLR PH) Tà Nung ở thành phố Đà Lạt. Thường trực Tỉnh ủy đã có Thông báo số 1253, ngày 13/10/2020 gửi UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm vi phạm tại BQLR PH Tà Nung và một số chủ rừng để xảy ra vi phạm thời gian qua. 
 
Các cơ quan chức năng xác minh hiện trường vi phạm
Các cơ quan chức năng xác minh hiện trường vi phạm
 
Thực hiện Thông báo số 1253 của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 8517, ngày 20/10/2020 chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và tất cả UBND huyện, thành trong tỉnh. Đối với các vi phạm cưa hạ thông, lấn chiếm đất lâm nghiệp và xây dựng công trình trái phép tại Tiểu khu 159A, Phường 5, thành phố Đà Lạt, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với UBND thành phố Đà Lạt và các đơn vị liên quan “rà soát kỹ các hồ sơ vi phạm để xử lý nghiêm các sai phạm, vi phạm xảy ra thuộc lâm phần BQLR PH Tà Nung quản lý; đặc biệt là việc lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp, đất công không đúng mục đích thuộc BQLR PH Tà Nung, như báo chí và dư luận phản ánh thời gian qua”. 
 
Chúng tôi đã trao đổi việc triển khai thực hiện với đại diện chính quyền thành phố Đà Lạt, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố. Ngày 12/11/2020, ông Sơn đã ký Văn bản số 6579 gửi các phòng Kinh tế, Quản lý đô thị, TN&MT, Hạt Kiểm lâm, BQLR PH Tà Nung và UBND Phường 5 phối hợp thực hiện khẩn trương các nội dung trong tháng 11/2020. Cụ thể, “Yêu cầu BQLR PH Tà Nung rà soát, báo cáo cụ thể việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp tại lô b2, khoảnh 502, Tiểu khu 159A” từ thời điểm tháng 10/2006 đến nay. Làm rõ việc 9 trường hợp (trong đó có cán bộ của BQLR PH Tà Nung) lấn chiếm và dựng công trình trái phép trên đất lâm nghiệp để làm nhà ở, kinh doanh... Trước đó, ngày 27/10/2020, ông Lê Đình Việt, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cũng ký Văn bản số 531 chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Đà Lạt “Rà soát kỹ hồ sơ vi phạm pháp luật và Luật Lâm nghiệp xảy ra tại lâm phần do BQLR PH Tà Nung quản lý” để báo cáo Chi cục. 
 
Ngày 26/11, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt đã cung cấp Văn bản số 139 do Hạt trưởng Võ Thanh Sơn vừa ký về kết quả xác minh nội dung của các bài báo. Văn bản được lập sau khi trích xuất ảnh từ vệ tinh chụp tại các thời điểm từ năm 2008 đến năm 2012 và xác minh hiện trường; đồng thời, mời 9 hộ đang sử dụng nhà trên đất tại lô b2, khoảnh 502, Tiểu khu 159A đến làm việc. Hạt Kiểm lâm Đà Lạt đã khẳng định nội dung phản ánh của Báo Lâm Đồng là đúng. Cụ thể, trên diện tích 1.500 m 2 được cấp cho BQLR PH Tà Nung sử dụng (sau đó được cấp thay thế vị trí khác như bài báo trước đã nêu), có 2 gốc thông 3 lá (thuộc nhóm IV) đã khô mục (đường kính 45 cm và 53 cm) nằm trên diện tích đất đang sử dụng của 2 hộ ông Trần Văn Tình, Nguyễn Tài Minh; khoảng 16 cây thông 3 lá khác bị mất nằm trên diện tích đất 3 hộ đang sử dụng: các ông Trần Văn Ninh, Lê Viết Cường và Trịnh Quốc Lăng. 16 cây thông này bị tự ý chặt hạ trong quá trình xây dựng nhà, vào khoảng thời gian cuối tháng 11/2009 đến hết năm 2011. 
 
Rõ ràng những cây thông có tuổi đời từ 20 năm trở lên đã bị chặt hạ trái pháp luật, liên quan đến chính những người đang nhận trách nhiệm QLBVR! 
 
Chúng tôi cũng trực tiếp làm việc với lãnh đạo UBND Phường 5, địa bàn xảy ra tình trạng chặt hạ thông ở Tiểu khu 159A. Ông Nguyễn Như Việt, Chủ tịch UBND phường cho biết: “Thực hiện Văn bản 6579 của UBND thành phố Đà Lạt, phường đang cử các cán bộ chuyên trách tiến hành đo đạc, xác minh nguồn gốc đất mà các hộ đang lấn chiếm làm nhà và kinh doanh như báo nêu. Sau đó chính quyền phường sẽ có báo cáo gửi UBND thành phố, đề xuất hướng xử lý vi phạm”. Tiếp tục trao đổi với lãnh đạo Sở NN&PTNT Lâm Đồng về quan điểm xử lý, Phó Giám đốc Võ Danh Tuyên nêu lên với nhà báo: “Quan điểm của chúng tôi, không phải trốn tránh, mà đầu tiên đất rừng nhưng không có rừng, họ làm nhà lên đó thì trước hết là ngành TN&MT và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm quản lý. Thứ hai nữa, trách nhiệm của BQLR là chủ rừng. Và đã là đất rừng thì phải trả về cho rừng. Nếu lập luận đất lâm nghiệp mà khi dời trụ sở đi nơi khác, sao không trồng lại rừng ở đây? Đó là minh bạch và sòng phẳng!”. 
 
MINH ĐẠO