Khai thác khoáng sản còn diễn biến phức tạp

04:12, 23/12/2020

UBND tỉnh Lâm Đồng thời gian qua đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng trái phép...

UBND tỉnh Lâm Đồng thời gian qua đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng trái phép. Tuy nhiên, tại một số khu vực, tình hình khai thác khoáng sản đá, cát, sỏi, đất,... vẫn còn diễn biến phức tạp.
 
Hoạt động khai thác, nạo vét cát có giấy phép tại hồ Đơn Dương
Hoạt động khai thác, nạo vét cát có giấy phép tại hồ Đơn Dương
 
Theo ghi nhận, tại vùng đất nằm giáp ranh giữa xã Tà Nung, TP Đà Lạt và xã Mê Linh, huyện Lâm Hà có nhiều điểm khai thác đá không phép tồn tại tới thời điểm này nhưng chưa được chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý dứt điểm. Người dân địa phương cho chúng tôi hay, hoạt động khai thác đá xây dựng trái pháp luật tại đây đã xảy ra từ nhiều năm qua, gây biến dạng địa hình rừng núi và có nguy cơ sạt lở đất khi gặp mưa lớn. Việc vận chuyển đá ra vào khu mỏ này cũng đang tiềm ẩn về an toàn giao thông, gây hư hỏng đường sá dân sinh.
 
Tương tự, trên địa bàn xã Hòa Nam (huyện Di Linh), một mỏ đá khai thác trái phép với công suất khai thác khá lớn hoạt động khoảng 10 năm nay nhưng chính quyền cơ sở chưa thể xử phạt triệt để. Trong khi đó người dân địa phương bày tỏ bức xúc vì hoạt động khai thác vận chuyển đá gây hư hỏng đường và mất an toàn giao thông. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn huyện Di Linh có ít nhất 3 điểm khai thác đá, cát, sỏi khác quy mô nhỏ lẻ, không có giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, do hoạt động khai thác gần khu dân cư nên ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của người dân địa phương.
 
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Lâm Đồng cho biết, riêng về khai thác đá trên địa bàn tỉnh, qua rà soát, kiểm tra, thời gian qua các doanh nghiệp thực hiện việc khai thác sai nhiều hạng mục so với giấy phép được cấp. 
 
Điển hình các doanh nghiệp khai thác đá có quy mô khai thác lớn đều có những vi phạm ở các lỗi rất cơ bản. Từ các sai phạm trên, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành xử phạt hành chính 5 công ty khai thác khoáng sản với số tiền kỷ lục gần 5,5 tỷ đồng. Trong đó, cá biệt có công ty bị xử phạt hành chính, buộc nộp số tiền thu bất hợp pháp trên 3,5 tỷ đồng (Công ty TNHH Hưng Nguyên có trụ sở Phường 9, TP Đà Lạt). Các công ty khác như: Công ty Cổ phần Minh Định (trụ sở Phường 8, TP Đà Lạt); Công ty Cổ phần Đầu tư và Khai thác khoáng sản Đức Phú (địa chỉ xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng); Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Hà Hưng (trụ sở Phường 11, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh); Công ty TNHH Hà Thanh (địa chỉ xã Tân Hà, huyện Lâm Hà); Công ty Cổ phần Khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng, đều bị UBND tỉnh xử phạt hành chính, buộc nộp phạt với số tiền từ 100 tới hơn 500 triệu đồng.
 
Một điểm khai thác đá không có giấy phép tại xã Tà Nung (TP Đà Lạt), giáp ranh với xã Mê Linh (huyện Lâm Hà)
Một điểm khai thác đá không có giấy phép tại xã Tà Nung (TP Đà Lạt), giáp ranh với xã Mê Linh (huyện Lâm Hà)
 
Trong 5 công ty khai thác khoáng sản bị xử phạt vừa qua, Sở TN&MT tỉnh xác định các công ty đều có hành vi khai thác vượt ra ngoài ranh giới được cấp phép; không lắp đặt trạm cân, camera giám sát tại nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ và các kho chứa; không lập đủ sổ sách,... Các hành vi nêu trên đều sai phạm căn cứ Điều 38 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ. 
 
Về hoạt động khai thác cát, sỏi, căn cứ Nghị định 23/2020/NĐ-CP về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, UBND tỉnh mới đây đã ban hành Văn bản số 8027 ngày 1/10/2020 để chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc Nghị định 23 của Chính phủ. Qua kiểm tra, rà soát, cơ quan chức năng ghi nhận hầu hết các doanh nghiệp đều chấp hành tốt các quy định, số vụ khai thác sai phép giảm đáng kể. Đơn cử như huyện Đơn Dương, từ đầu năm 2020 tới nay đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 13 trường hợp khai thác khoáng sản không phép với số tiền xử phạt trên 115.500.000 đồng.
 
Trong khi đó, thống kê năm 2019, cơ quan chức năng huyện Đơn Dương xử phạt 39 trường hợp khai thác khoáng sản không phép; 3 trường hợp khai thác khoáng sản ngoài ranh cấp phép và thiếu mốc ranh giới với tổng số tiền xử phạt 191 triệu đồng. Các huyện: Cát Tiên, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm,... số vụ vi phạm khai thác cát, sỏi cũng giảm mạnh. 
 
Ông Nguyễn Văn Trãi, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý khai thác khoáng sản đạt hiệu quả theo Nghị định 23 của Chính phủ, ngành tài nguyên tỉnh sẽ kiểm tra các đơn vị, tổ chức trên phạm vi toàn tỉnh. Sở TN&MT sẽ yêu cầu mỗi huyện chỉ được cấp không quá 2 giấy phép khai thác, mỗi giấy phép không quá 2 tàu. Các điều kiện để hoạt động như thiết bị định vị, camera hành trình, phao định vị phải đảm bảo. Chỉ được khai thác từ 6h tới 18h, tuyệt đối không được khai thác ban đêm;...
 
“Hiện đơn vị chủ lực để xử lý hoạt động khai thác kinh doanh cát, sỏi sai phép được giao cho lực lượng công an, đồng thời các tổ chức, đơn vị không được khai thác về đêm. Các yêu cầu, điều kiện chống hoạt động sạt, lở bờ sông nghiêm khắc hơn hay quy định rõ hơn trách nhiệm đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện công tác quản lý... Đây là những điểm mới của Nghị định 23 mà chúng tôi hy vọng sẽ mang lại nhiều thay đổi tích cực trong công tác quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn thời gian tới” - ông Trãi thông tin.
 
C.PHONG