Chuyển biến từ việc quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội

05:11, 26/11/2021

Sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đã đạt được nhiều thành quả, đời sống mọi mặt của người dân Lâm Đồng nói riêng, Nhân dân cả nước nói chung ngày được nâng cao...

Sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đã đạt được nhiều thành quả, đời sống mọi mặt của người dân Lâm Đồng nói riêng, Nhân dân cả nước nói chung ngày được nâng cao. Tuy nhiên, ở mặt trái xã hội, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội cũng ngày càng gia tăng. Theo thống kê của ngành chức năng, trong 5 năm qua có tới 727/4.229 vụ phạm pháp hình sự và hàng ngàn trường hợp mắc tệ nạn xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái và thanh thiếu niên. 
 
   Đại tá Trần Minh Tiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen cho các cá nhân. Ảnh: Tuấn Hương
Đại tá Trần Minh Tiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen cho các cá nhân. Ảnh: Tuấn Hương
 
Trước tình hình trên, Công an Lâm Đồng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 (gọi tắt là NQLT01) ngày 8/5/2002 theo từng giai đoạn cụ thể. Qua đó, phát huy vai trò của lực lượng công an và các cấp Hội phụ nữ trong quản lý, giáo dục người thân không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng mang tính lâu dài nhằm hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Sau thời gian triển khai thực hiện NQLT01, công tác phối hợp giữa lực lượng công an và Hội LHPN các cấp đã đạt được nhiều kết quả tích cực. 
 
Cụ thể, Công an Lâm Đồng và Hội LHPN tỉnh hàng năm đã xây dựng kế hoạch cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Chỉ đạo NQLT01 đến lực lượng công an, Hội LHPN các cấp, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác phối hợp triển khai thực hiện các nội dung đã đề ra, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Trong tổ chức thực hiện, lực lượng công an và Hội LHPN các cấp kịp thời phổ biến, quán triệt nội dung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội đến cán bộ, hội viên phụ nữ. 
 
Công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên cán bộ, hội viên phụ nữ, người thân trong gia đình không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội được thực hiện với sự phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Cùng với việc tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; tuyên truyền, vận động tập trung; các đơn vị, địa phương đã chú trọng tăng cường hình thức tuyên truyền thông qua đối thoại, truyền thông cộng đồng, pa nô, áp phích, khẩu hiệu, loa, đài truyền thanh, bản tin thông báo đến xã, phường, thị trấn, khu dân cư. Và, tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; các cuộc thi viết, vẽ, hội thi dưới hình thức sân khấu hóa về đề tài phòng, chống tội phạm, bảo vệ ANTT; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Đồng thời, chủ động phối hợp với Đoàn thanh niên cùng các sở, ngành, đơn vị có kế hoạch tổ chức quản lý thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên không phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội; cảm hóa giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ tại cộng đồng dân cư. Tổ chức các hoạt động giúp đỡ hội viên phụ nữ định hướng nghề nghiệp cho con em trong gia đình, tạo điều kiện để trẻ em được đến trường, tích cực giáo dục thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, hạn chế tình trạng trẻ em bỏ học, đi lang thang.
 
Cùng với đó là công tác tuyên truyền, vận động phát huy vai trò của cán bộ, chiến sĩ, hội viên phụ nữ; tích cực tham gia đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện các giải pháp để quản lý, giáo dục, cảm hóa những đối tượng thanh thiếu niên lầm lỗi, thanh, thiếu niên hư chậm tiến tại cộng đồng. Gắn Cuộc vận động “Toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư” với các phong trào thi đua của Hội để cụ thể hóa nội dung, đa dạng các hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện của từng địa phương. 
 
Để công tác quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội đi vào chiều sâu, lực lượng công an còn phối hợp với Hội LHPN các cấp xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động hiệu quả nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Nổi bật là các mô hình: “Chi, tổ phụ nữ không có hội viên, chồng, con nghiện ma túy, vi phạm pháp luật”; “Gia đình không có ma túy”; “Xã, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn xã hội”; “Địa bàn không có tội phạm và tệ nạn xã hội”; “Gia đình không bạo lực, không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và không có trẻ em từ 6 đến 14 tuổi bỏ học”… 
 
Ngoài ra, công tác phối hợp kiện toàn Ban Chỉ đạo NQLT01 các cấp được thực hiện thường xuyên. Ban Chỉ đạo NQLT01 các cấp duy trì tổ chức giao ban định kỳ đánh giá kết quả công tác phối hợp, quan tâm chỉ đạo địa phương kiện toàn Ban Chỉ đạo và tổ chức tốt các hoạt động phối hợp thực hiện NQLT01. Chế độ thông tin báo cáo giữa hai ngành được thực hiện thường xuyên, liên tục, đảm bảo yêu cầu và đúng tiến độ.
 
Theo báo cáo của Công an Lâm Đồng, kết quả công tác phối hợp giữa lực lượng công an và Hội LHPN các cấp đã có nhiều tấm gương phụ nữ giúp đỡ chồng, con cai nghiện, từ bỏ con đường phạm tội để hoàn lương; không quản ngại khó khăn để hòa giải các mâu thuẫn trong quần chúng nhân dân; cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, góp phần từng bước kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn.
 
THỤY TRANG