Giải Ngoại hạng Anh ghi nhận mức thua lỗ kỷ lục

06:06, 11/06/2020

Chưa cần tính tới những tác động của dịch Covid-19, Premier League đã phải chịu khoản thua lỗ kỷ lục lên tới hơn nửa tỷ bảng Anh trong mùa giải 2018-2019...

Chưa cần tính tới những tác động của dịch Covid-19, Premier League đã phải chịu khoản thua lỗ kỷ lục lên tới hơn nửa tỷ bảng Anh trong mùa giải 2018-2019. Giải bóng đá cao nhất ở “Xứ sở sương mù” đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất trong lịch sử.
 
Premier League hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất trong lịch sử
Premier League hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất trong lịch sử
 
Báo cáo công bố ngày 9-6, của Vysyble, hãng thống kê có trụ sở tại Anh chuyên phân tích số liệu tài chính bóng đá cho biết, các đội bóng tại giải đấu hàng đầu “Xứ sương mù” đã chịu thiệt hại “khủng” khoảng 599,54 triệu bảng ngay trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mặc dù thu về doanh thu kỷ lục lên hơn 5 tỷ bảng ở mùa giải trước.
 
Nếu tính gộp cả khoản thua lỗ dự kiến 350 triệu bảng của Giải hạng nhất Anh (dù còn bốn câu lạc bộ hạng nhất vẫn chưa báo cáo số liệu đầy đủ cho mùa 2018-2019) thì 44 đội bóng ở cả hai giải đấu hàng đầu nước này có thể ghi nhận khoản lỗ lên tới gần 1 tỷ bảng.
 
Thậm chí khoản thua lỗ này còn có thể lớn hơn rất nhiều ở mùa giải 2019-2020 hiện tại, theo sau sự bùng phát của dịch Covid-19. Đại dịch toàn cầu này được dự báo sẽ có tác động tài chính đáng kể đến các đội bóng ở hai giải đấu cao nhất nước Anh, ngay cả khi họ có thể kết thúc mùa giải 2019-2020 như kế hoạch đã định.
 
Sau khi phải tạm hoãn kể từ giữa tháng 3 vì dịch bệnh bùng phát, Ban tổ chức Premier League đã thống nhất kế hoạch tái khởi động lại mùa giải hiện tại. Theo đó, Ngoại hạng Anh sẽ chính thức trở lại vào rạng sáng 18-6 (giờ Việt Nam) với hai trận đá bù giữa Aston Villa gặp Sheffield United và Manchester City gặp Arsenal, trước khi có một vòng đấu hoàn chỉnh trong tuần sau đó. Dự kiến giải đấu sẽ kết thúc vào ngày 26-7.
 
Các trận đấu còn lại của Premier League sẽ thi đấu trên sân không có khán giả và chính điều này sẽ khiến các đội bóng chịu thiệt hại khi không thể có nguồn thu từ việc bán vé. Ngoài ra, họ còn phải tốn thêm 35 triệu bảng cho mỗi tuần để đền bù thiệt hại liên quan bản quyền phát sóng cho các đài truyền hình do việc Premier League bị kéo dài quá thời hạn kết thúc ban đầu.
 
“Những thống kê thua lỗ mới nhất này sẽ càng khiến các CLB Premier League rơi vào tình thế khó khăn hơn theo sau ảnh hưởng của dịch bệnh”, ông Roger Bell, Giám đốc của Vysyble cho biết. Tuy vậy, theo ông này, Covid-19 không phải là nguyên nhân chính gây ra những khó khăn về tài chính cho các đội bóng mà nó chỉ là một phần của số liệu, làm bộc lộ một vấn đề đã tồn tại khá lâu ở Premier League.
 
“Những số liệu tài chính của mùa 2018-2019 thực sự đáng lo ngại đối với bóng đá chuyên nghiệp tại Anh. Đó cũng là biểu hiện của những vấn đề liên quan mô hình tài chính tổng thể mà chúng tôi đã nhấn mạnh nhiều lần trước đây. Với mức thua lỗ kỷ lục ở cấp CLB trong giai đoạn 2018-2019 cũng như chỉ 36% các đội bóng Premier League báo lãi kể từ năm 2009, danh hiệu giải bóng đá “giàu có nhất thế giới” của Ngoại hạng Anh đang lung lay dữ dội”, ông Bell nói.
 
Dữ liệu của Vysyble cho thấy, chỉ có hai mùa giải kể từ năm 2009, đó là mùa 2016-2017 và 2017-2018 là chứng kiến các đội bóng Anh làm ăn có lãi. Từ mức lãi 224,39 triệu bảng trong mùa 2016-2017, Premier League đã đi đến khoản lỗ 599,54 triệu bảng mùa 2018-2019. Khoản chênh lệch lên tới 823,93 triệu bảng này đã “chảy” vào gói doanh thu tiền bản quyền phát sóng trị giá hơn 8 tỷ bảng của các đài truyền hình. Trong ba mùa liên tiếp trước đó, kể từ mùa giải 2013-2014 đến 2015-2016, trong khi doanh thu bản quyền truyền hình lên tới 5,25 tỷ bảng, khoản lỗ của các CLB Premier League đã tăng vọt từ 12,17 triệu bảng trong mùa 2013-2014 lên tới 395,54 triệu bảng mùa 2015-2016.
 
Theo Giám đốc Vysyble, các số liệu này đã chứng minh rằng nguyên nhân của thua lỗ xuất phát từ chính bản thân các đội bóng khi họ phụ thuộc quá mức vào doanh thu truyền hình, trong khi tỷ lệ giữa chi phí nhân sự so doanh thu thường xuyên luôn vượt quá giới hạn vận hành an toàn của đội bóng (tỷ lệ này theo khuyến cáo của UEFA là 70%). Ngoài ra, một nguyên nhân nữa được chỉ ra đó là các CLB đã không nhận định được động lực và các xu hướng tài chính quan trọng.
 
“Các ông chủ ở Premier Premier vẫn buộc phải bơm tiền vào các đội bóng của họ với khoảng 910 triệu bảng vốn cổ phần được bổ sung cho mùa 2018-2019 theo số liệu cân đối tài chính mới nhất, mặc dù tiền bản quyền truyền hình đã phá kỷ lục doanh thu. Điều này đã dẫn đến thiệt hại kinh tế không thể tránh khỏi và cũng đạt mức kỷ lục mới. Premier Premier hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất trong lịch sử”, theo báo cáo của Vysyble.
 
(Theo nhandan.com.vn)