Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt bị quá tải

09:02, 02/02/2016

(LĐ online) - Có đến hàng trăm tấn rác sinh hoạt hiện vẫn đang nằm chờ xử lý tại nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch xử lý rác thải vào những ngày cao điểm cuối năm của Đà Lạt… 

(LĐ online) - Có đến hàng trăm tấn rác sinh hoạt hiện vẫn đang nằm chờ xử lý tại nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch xử lý rác thải vào những ngày cao điểm cuối năm của Đà Lạt…  
 
Một lượng lớn rác vẫn đang chờ xử lý tại nhà máy
Một lượng lớn rác vẫn đang chờ xử lý tại nhà máy

Phó Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh (đơn vị chủ đầu tư và vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn duy nhất tại Đà Lạt, nằm trên địa bàn xã Xuân Trường, TP Đà Lạt) Trần Uyên Diễn xác nhận, từ khi nhà máy đi vào hoạt động, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận, xử lý từ 180 - 200 tấn rác/ngày, tuy nhiên những ngày giáp Tết đã xảy ra tình trạng tồn đọng rác chưa kịp xử lý với số lượng khoảng vài trăm tấn. 
 
Nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt, do Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh (TP HCM) làm chủ đầu tư, được đưa vào hoạt động từ tháng 7/2015. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là trên 381 tỉ đồng, đến nay doanh nghiệp đã đầu tư 145 tỉ đồng (giai đoạn 1) để xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn có công suất thiết kế 200 tấn rác thải/ngày. 
Nguyên nhân tồn đọng rác, theo ông Diễn là do thiếu lao động. Lý do, đa số công nhân người địa phương đã bỏ việc để thu hái cà phê, thu hoạch hoa; còn công nhân các tỉnh thì lại về quê ăn Tết nên nhà máy gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận hành, xử lý rác. Để vận hành trôi chảy, nhà máy cần tới 70 công nhân, nhưng nay chỉ còn lại khoảng phân nửa. Đứng trước việc này, công ty cũng đã thông báo tuyển dụng cấp tốc khoảng 60 lao động, với mức lương thỏa thuận để bù vào số lượng công nhân đã bỏ việc.   
 
Không chỉ có vậy, nhà máy thường bị cúp điện, một số máy móc, xe xúc bị trục trặc cần phải bảo dưỡng, nên việc phân loại, xử lý rác bị khựng lại. “Chỉ cần vài ngày cúp điện, hoặc máy móc bị hỏng thì lượng rác bị dồn ứ đã lên đến 400-500 tấn”- ông Diễn nói.
 
Trong khi đó, theo quan sát của chúng tôi, không chỉ có hàng trăm tấn rác (tươi) bị ứ đọng, mà toàn bộ lượng rác sau khi phân loại (từ ngày nhà máy đi vào hoạt động đến nay) cũng chưa được xử lý đúng thiết kế. Lý giải về việc này, đại diện đơn vị chủ đầu tư cho biết, do nhà máy làm phân bón của Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng đảm nhận đến nay chưa đưa vào hoạt động. Còn nhà máy chế biến hạt nhựa TQT từ bao ni lông công suất nhỏ lại hay bị trục trặc. Trong khi nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt có 2 lò đốt rác (nhập từ Thái Lan), nhưng hiện mới có một lò đưa vào vận hành, một lò đang chờ chuyên gia Thái Lan qua hướng dẫn mới có thể đưa vào vận hành, do đó lượng rác sau phân loại bị tồn đọng đến nay đã lên đến hàng trăm tấn, công ty này phải dùng bạt che phủ.
 
Rác thải sao phân loại còn ứ đọng chưa xử lý kịp
Rác thải sau phân loại còn ứ đọng chưa xử lý kịp

Liên quan đến các quan ngại về tình trạng ứ đọng rác tại nhà máy làm ảnh hưởng đến kế hoạch xử lý rác thải cuối năm của thành phố, đại diện đơn vị chủ đầu tư cho biết, Công ty TNHH MTV Dịch vụ đô thị Đà Lạt (đơn vị thu gom rác thải), đã thông báo từ nay đến Tết Bính Thân 2016 lượng rác sẽ tăng cao từng ngày. Cao điểm, ngày 29 tết sẽ có trên 700 tấn rác thải được đưa về nhà máy… Và nhà máy cũng đã chuẩn bị thêm bãi chứa rác, cứ 2 ngày sẽ xịt thuốc để khử mùi, đảm bảo môi trường theo quy định; không có gì ảnh hưởng đến kế hoạch thu gom, xử lý rác của Đà Lạt.
 
Liên quan đến vụ việc, lãnh đạo Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là mức giá hỗ trợ xử lý rác thải của tỉnh còn thấp so với mặt bằng chung trong toàn quốc, hiện chỉ có 129.500đ/tấn rác, trong khi chi phí thực tế khoảng 418.000đ/tấn. Với giá hỗ trợ trên, trong 6 tháng đưa nhà máy đi vào hoạt động, công ty liên tục bù lỗ mỗi tháng khoảng 1 tỉ đồng. Nếu không được hỗ trợ thêm thì việc vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn.
 
Về việc này, HĐND tỉnh Lâm Đồng, sau khi giám sát Chuyên đề về tiến độ và kết quả triển khai, thực hiện dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt cũng đã ghi nhận và có văn bản kiến nghị UBND tỉnh sớm xem xét điều chỉnh tăng mức hỗ trợ chi phí xử lý rác thải sinh hoạt. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu các chính sách ưu đãi đầu tư đối với dự án xử lý chất thải rắn Đà Lạt theo qui định của Chính phủ để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, sớm hoàn thành giai đoạn 2 của dự án. Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt là một trong các lĩnh vực được ưu tiên đầu tư, đặc biệt đối với Đà Lạt là thành phố xanh, thành phố du lịch nghỉ dưỡng cần phải được quan tâm, đầu tư nhiều hơn.
 
Thụy Trang