"Chuộc lỗi" với núi rừng

09:06, 14/06/2016

Một thời, những con người ở thôn Hamanhai 1 (xã P'roh, huyện Đơn Dương) phá rừng lấy gỗ làm nhà, lấy đất sản xuất nông nghiệp; nhưng nhiều năm trở lại đây, họ quyết tâm "chuộc lỗi" bằng quyết tâm phủ xanh và bảo vệ những cánh rừng.

Một thời, những con người ở thôn Hamanhai 1 (xã P’roh, huyện Đơn Dương) phá rừng lấy gỗ làm nhà, lấy đất sản xuất nông nghiệp; nhưng nhiều năm trở lại đây, họ quyết tâm “chuộc lỗi” bằng quyết tâm phủ xanh và bảo vệ những cánh rừng.
 
Thôn Hamanhai 1 được bao bọc bởi những cánh rừng xanh ngút mắt
Thôn Hamanhai 1 được bao bọc bởi những cánh rừng xanh ngút mắt

Cha mẹ phá rừng, con cái “chịu phạt”
 
Trước khi để khách lạ được vào rừng, người dân địa phương đã vặn đi hỏi lại rằng: Người từ đâu đến, vào đó làm gì, có cái gì chứng minh mình không phải là lâm tặc không. Vì đã bao đời nay cái thôn Hamanhai 1 này phải lao tâm khổ tứ lắm mới “trải” được một tấm thảm xanh lên nền đất trơ sỏi đá.
 
Trưởng thôn Hamanhai 1, Ha Bang cho biết: “Cả thôn có 161 nóc nhà với 500 nhân khẩu, đời sống của bà con đa phần dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng rau, củ, quả, lúa nước... một số ít trồng cỏ nuôi bò. Trước đây du canh du cư, cuộc sống đói khổ vô cùng và chính người nghèo ở thôn đã phá rừng. Bí thư chi bộ thôn, ông Ha Dre là nhân chứng sống nhớ lại thời kỳ trước đây: “Phá sạch, đốn sạch. Gỗ tận dụng xẻ làm nhà, chuồng trại gia súc, gia cầm, cành lá thì chất đống lại với nhau rồi cho một mồi lửa”. 
 
Kể từ năm 1989, chủ trương định canh định cư cho đồng bào K’Ho ở miệt rừng núi này được khởi động. Hai năm sau, đời sống bà con đã dần ổn định, tuy bước đầu còn vô vàn khó khăn. Từ năm 1992, nhận thấy vai trò của việc phủ xanh đồi núi trọc, 100% hộ dân của Hamanhai 1 cõng trên đôi vai gầy từng lố cây non “điền” vào những khoảng trống do chính tay mình tạo ra.
 
Ông Ha Dre chua xót kể lại hậu quả của việc phá rừng mà bà con Hamanhai 1 hứng chịu: Năm 2000, trên trời tựa hồ có ai múc nước dội xuống mảnh đất này, mưa lớn không tưởng tượng. Lũ quét xảy ra, 10 ha đất trồng rau và lúa nước một vụ bị san phẳng, bồi lấp đất đá, may thay không có sự thiệt hại đến con người. Đứng ở mỏm đất cao phía tây của thôn, nhìn cảnh đất đá không điểm tựa tuôn theo dòng nước chà xát lên luống rau, ngọn lúa mà rơi nước mắt. Mưa gió đã vậy, hạn hán thì gay gắt, lúa làm được một vụ nhưng năng suất thấp, cho đến khi những cánh rừng đã xanh trở lại thì lúa nước hai vụ cho năng suất cao.
 
Công tác vận động, tuyên truyền về việc trồng và bảo vệ rừng trong những năm qua luôn được chính quyền và các đoàn thể của thôn Hamanhai 1 chú trọng. Gõ cửa từng nhà, phân tích từng người là phương châm mà những người làm công tác dân vận ở đây áp dụng. Hơn ai hết, người cán bộ già Ha Dre luôn lấy câu chuyện cha mẹ phá rừng con cái phải chịu sự trừng phạt của mẹ thiên nhiên để phân tích cho mọi người, rồi so sánh bông lúa trĩu hạt khi dòng nước mát tuôn ra từ cánh rừng xanh. Chỉ hai câu chuyện nhỏ này thôi đã thay đổi nhận thức và thói quen của đồng bào K’Ho tại Hamanhai 1.
 
Rừng xanh là… chốn đây 
 
Thôn Hamanhai 1 đề ra quy định hẳn hoi để bảo vệ rừng: phải dạy con cháu bảo vệ rừng, không được chặt phá, chỉ lấy những phần gỗ đã bị khô mục về làm củi đun, không đóng đinh, cọc vào cây, không được đốt rừng, mang lửa hay các vật liệu dễ cháy vào rừng... Những ai vi phạm ở mức độ nhẹ thì nhắc nhở ở thôn, nếu nặng hơn thì trình lên chính quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Cánh rừng như hòn ngọc xanh che chở cho Hamanhai 1 đã hồi sinh trở lại, người dân xem nó như “báu vật” mà tự tay mình tạo dựng lại được. Họ quyết tâm bảo vệ để rừng không còn là ký ức. Câu chuyện nhỏ của Ha Dre về một trận lũ quét đã đánh thức lương tri của những con người ngay chính cái thôn này và người xa lạ lần đầu đến đây.
 
Một tín hiệu hết sức đáng mừng được Phó Bí thư Đảng ủy xã P’roh Lương Văn Giòng cung cấp: Hamanhai 1 không chỉ thay da đổi thịt, mà đã “lột xác” thật sự. Nếu như trước đây đói nghèo kéo dài triền miên, thì giờ đây bà con đã có của ăn của để, sắm sửa được nhiều vật dụng thiết yếu và đắt giá để phục vụ nhu cầu sống. Thu nhập bình quân đầu người ở đây từ 25 đến 30 triệu đồng/năm, số tiền đó đối với thôn có trên 90% đồng bào là người K’Ho là một con số hết sức ấn tượng. Thói quen canh tác, hình thức canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp là nét mới không dễ gì có được. Nhiều gương nông dân sản xuất giỏi đã xuất hiện, mà quá khứ của họ là những ngày dài triền miên trong rừng sâu đói khổ với cưa đục trên tay.
 
Chiều, ông Ha Dre ngồi ở bậu cửa, ngước nhìn về những cánh rừng hàm ý với tổ tiên rằng, lỗi lầm ngày xưa với Mẹ thiên nhiên đã được con cháu sửa chữa.
 
BÙI ĐỨC TÚ