Nhà ở xã hội - sẽ khởi sắc hơn?

09:01, 20/01/2017

Cũng như nhiều địa phương, tỉnh Lâm Đồng hiện vẫn nẩy sinh cung không đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội, nhất là thành phố Đà Lạt. Với chính sách và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tỉnh, lĩnh vực về nhà ở xã hội ở Lâm Đồng đang có những bước khởi sắc từ cuối năm 2016 và đầu năm 2017? 

Cũng như nhiều địa phương, tỉnh Lâm Đồng hiện vẫn nẩy sinh cung không đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội, nhất là thành phố Đà Lạt. Với chính sách và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tỉnh, lĩnh vực về nhà ở xã hội ở Lâm Đồng đang có những bước khởi sắc từ cuối năm 2016 và đầu năm 2017? 
 
Phối cảnh nhà ở xã hội “Huyền Trân PLAZA. Ảnh: M.Đ chụp lại
Phối cảnh nhà ở xã hội “Huyền Trân PLAZA. Ảnh: M.Đ chụp lại

Tiến độ chậm
 
Cách đây gần một năm, ngày 5/2/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Ngày 18/1 vừa qua, tại Hội nghị tổng kết của ngành xây dựng, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Ngọc Liêm, lĩnh vực nhà ở xã hội của tỉnh đã và đang là một trong những thành tích đáng được ghi nhận của địa phương. 
 
Sau khi có chủ trương, vấn đề phối hợp giữa ngành xây dựng với các ngành liên quan và địa phương là hết sức quan trọng. Ví dụ trong lĩnh vực nhà ở cho người có công, Sở Xây dựng và Sở LĐ-TB-XH cùng các địa phương tích cực rà soát để có số liệu tổng hợp nhằm triển khai kịp thời theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Phát huy và đúc kết kinh nghiệm từ kết quả của giai đoạn 1 (năm 2015), giai đoạn 2 toàn tỉnh có tổng số 911 căn, trong đó xây dựng mới 471 căn và sửa chữa 440 căn. Tuy nhiên, do chủ trương từ trung ương mở rộng diện đối tượng nên số lượng nhu cầu lớn, đang đòi hỏi sự năng động trong điều tiết và sử dụng nguồn tài chính của trung ương và địa phương thì mới hoàn thành được kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng.   
 
Về nhà ở cho người thu nhập thấp, thời điểm này, trên địa bàn thành phố Đà Lạt đang có 3 dự án đã và đang đầu tư xây dựng: số 32 Đào Duy Từ, phường 4; số 4 Huyền Trân Công Chúa, phường 5 và Khu dân cư số 6 Trại Mát, phường 11. Đối với số 32 Đào Duy Từ, Công ty cổ phần Phát triển nhà Lâm Đồng làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 1.120 m 2, diện tích sàn trên 4.880 m 2.  Là khối nhà chung cư 5 tầng, gồm 66 căn hộ, 1 ga ra để xe, tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng. Theo giấy chứng nhận đầu tư của UBND tỉnh, Dự án này phải khởi công từ quý III năm 2014 và hoàn thành vào quý II năm 2016. Thế nhưng, do công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, đại diện nhà đầu tư cho biết đến cuối năm 2017 may ra mới đưa vào sử dụng được. Đối với một phần Dự án Khu dân cư số 6 Trại Mát là công trình chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với 490 căn hộ. Ở đây cũng rơi vào tình trạng kéo dài công tác giải phóng mặt bằng nên tiến độ thi công chậm. 
 
Ðiểm nhấn “Huyền Trân PLAZA”
 
Ghi nhận ưu điểm nhất trong 3 Dự án trên là Dự án số 4 Huyền Trân Công Chúa (Huyền Trân PLAZA). Dự án này có tổng diện tích đất 1.054 m 2; mức đầu tư gần 27 tỷ đồng; quy mô 1 tầng bán hầm và 5 tầng nổi; tổng diện tích sàn xây dựng 3.627,4 m 2 với 42 căn hộ (nhỏ nhất 49,2 m 2 và rộng nhất 73,6 m 2). Công trình do Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Phú Thịnh, tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư. Đây là đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh và Bình Thuận... 
 
Điểm nổi bật của Dự án này ở chỗ, đây là đơn vị đầu tư lĩnh vực nhà ở xã hội đầu tiên ngoài tỉnh Lâm Đồng tham gia; các bước tiến độ đều nhanh chóng, từ công tác thẩm định đến giải phóng bàn giao mặt bằng của địa phương. 
 
Vì vậy, sau khi được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư vào cuối tháng 3/2016, ngày 22/12/2016, Sở Xây dựng Lâm Đồng đã hoàn tất công tác thẩm định và cấp giấy phép xây dựng; ngày 8/1/2017, Dự án được khởi công với sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng cùng nhiều cơ quan chức năng, đơn vị liên quan… Theo Tổng Giám đốc Công ty Phú Thịnh Trần Thanh Đức, nhà đầu tư sẽ tạo nơi đây một khuôn viên đầy đủ tiện ích từ bãi để xe, nhà sinh hoạt cộng đồng, không gian xanh, lối đi bộ đến các dịch vụ điện tử hiện đại… Kế hoạch của Dự án “Huyền Trân PLAZA” này sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2017. 
 
Ðịnh hướng tới
 
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Đà Lạt còn có dự án khu nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang và dự án khu quy hoạch nhà ở xã hội và tái định cư cho lực lượng công an tỉnh cũng là những điểm khởi đầu góp thêm sự ổn định đời sống cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn TP Đà Lạt còn rất cao và chắc chắn ngày càng cao theo xu hướng phát triển của đô thị đặc thù. 
 
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Quang Trung cho biết, hiện nay còn một số quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đã có chủ trương nhưng chưa triển khai được. Đó là Khu dân cư Nguyễn Hoàng với diện tích 54.240 m 2; Khu dân cư đồi An Tôn với diện tích 12.512 m 2. Mặt khác, ngành chức năng cũng đã dự kiến bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội như khu dân cư số 1, phường 8, diện tích xây dựng khoảng 6,4 ha và khu dân cư 5B (giai đoạn 2) với diện tích khoảng 4,6 ha. 
 
Để giải quyết và đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp theo mục tiêu đề ra của giai đoạn 2016 - 2020, theo kế hoạch, tỉnh Lâm Đồng dự kiến đến năm 2020 sẽ có 20 dự án nhà ở xã hội trên phần đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị và 3 dự án nhà ở xã hội độc lập. Bên cạnh đó, nhà ở cho công nhân tại 3 khu công nghiệp Lộc Sơn, Phú Hội và Tân Phú đã dành quỹ đất để phát triển xây dựng nhà ở cho công nhân với tổng diện tích khoảng 72.900 m 2 nhưng nhu cầu không nhiều.
 
MINH ÐẠO