Bảo Lâm: Ðể tảo hôn không còn nhức nhối

08:01, 16/01/2017

Bảo Lâm đang nỗ lực giảm thiểu tình trạng kết hôn sớm (tảo hôn) và hôn nhân không đăng ký trước tại các xã trong vùng sâu. 

Bảo Lâm đang nỗ lực giảm thiểu tình trạng kết hôn sớm (tảo hôn) và hôn nhân không đăng ký trước tại các xã trong vùng sâu. 
 
 Một buổi lễ ra quân tuyên truyền của huyện
Một buổi lễ ra quân tuyên truyền của huyện
Những cặp đôi nhí
 
Không khó lắm để có thể bắt gặp hình ảnh những cặp đôi mới lớn, mặt còn “búng ra sữa” nhưng đã súng sính nên đôi vợ chồng ở nhiều thôn làng trong vùng sâu Bảo Lâm. 
 
Trong những cặp vợ chồng nhí này có đôi chỉ vừa mới cưới nhau, chồng vợ chừng 14 - 15 tuổi, còn hồn nhiên như đôi bạn học, nhưng cũng có những cặp duyên bén từ lâu, cô dâu đang trong kỳ bụng mang dạ chửa, có cô đã tay bế tay bồng. Khi được hỏi, hầu hết các em chẳng hiểu gì về chuyện vợ chồng, cứ thương nhau rồi đến với nhau, gia đình 2 bên cũng chẳng phản đối, thế là thành đôi sống chung với nhau.
 
Theo Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ) Bảo Lâm, tình trạng tảo hôn từ những năm 2010 trở lại đây trên địa bàn huyện đã cơ bản giảm hẳn, chỉ còn diễn ra ở một số xã vùng sâu. Nguyên nhân chính dẫn đến tảo hôn tại các vùng này chính là nhiều người chưa hiểu biết pháp luật cũng như thiếu sự quan tâm của gia đình các em. 

Ở xã Lộc Ngãi - Bảo Lâm có trường hợp một cặp đôi như thế quen nhau rồi có thai. Nhà trai vì muốn nhận cháu nội nên mang trầu cau qua hỏi vợ cho con, còn nhà gái vì thương con, thương cháu ngoại nên đồng ý tổ chức lễ cưới với hi vọng “chú rể nhí” sau khi có vợ con rồi sẽ sống có trách nhiệm hơn, bớt ham chơi, lo tu chí làm ăn. Dù chưa đủ tuổi (chồng mới 17 tuổi và cô vợ chỉ mới 16 tuổi), chính quyền không cho đăng ký kết hôn, nhưng hai bên gia đình vẫn tổ chức lễ cưới cho cô cậu. Chú rể vì phải làm chồng, làm cha ở độ tuổi còn quen lêu lổng, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ nên kết hôn chưa được bao lâu, chú rể chán nhà, chán vợ bỏ đi làm ăn xa, còn cô dâu phải trở về nhà mẹ ruột một mình sinh và chăm sóc con. 

 
Tại xã Lộc Bảo, nơi có cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số khá đông, cũng không thiếu những cặp vợ chồng nhí như vậy. Do phong tục của buôn làng, khi dựng vợ gả chồng gia đình chỉ làm lễ trước ở nhà chứ không đi đăng ký kết hôn. Xong lễ, họ coi như đã thành vợ thành chồng và chuyển về chung sống dưới cùng mái nhà. Đến khi có con và đủ tuổi, các cặp đôi này mới lên xã đăng ký kết hôn, vừa làm giấy khai sinh cho con. Vì vậy có một số trường hợp tảo hôn mà chính quyền địa phương không biết, chỉ đến khi họ lên trình thì mọi chuyện mới vỡ lẽ. 
 
Trong câu chuyện, rất nhiều gia đình người dân tộc thiểu số nơi đây cho biết, con cái phải vâng lời cha mẹ. Họ sợ con gái mình không “bắt được chồng” nên phải tính chuyện lấy sớm. Có trường hợp cặp đôi này quen nhau, có bầu trong thế buộc cha mẹ phải chiều theo ý mình, nhưng cũng có không ít trường hợp gia đình bắt con nghỉ học bắt chồng sớm để có thêm người phụ giúp trong nhà.
 
Ðể tảo hôn không còn nhức nhối
 
Theo ông Lê Quang Thương - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ Bảo Lâm, khi kết hôn trong độ tuổi quá nhỏ, các em rơi vào tình trạng thiếu cân bằng cả về thể chất lẫn kinh tế để xây dựng một gia đình. Về phía người nam, các em chưa chuẩn bị tinh thần cho mình thành một người cha, người chồng, người trụ cột trong gia đình. Tương tự với các em nữ, cơ thể lẫn tâm sinh lý cũng chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ kiến thức để chăm sóc cho mình lẫn cho em bé khi mang thai và sau khi sinh. Chính điều này sẽ tác động không nhỏ đến sự phát triển của thai nhi trong bụng, có nguy cơ sẩy thai, đẻ non, con sinh ra dễ bị suy dinh dưỡng. Cả hai vợ chồng do còn quá trẻ, chưa tự chủ được, kinh tế gia đình lệ thuộc vào bố mẹ hoàn toàn nên rất dễ dẫn đến chuyện rạn nứt, nguy cơ ly hôn cao.
 
Từ khi Luật Hôn nhân có hiệu lực, trong giai đoạn 2010-2014, huyện Bảo Lâm đã hợp thức hóa cho khoảng hơn 4.500 cặp vợ chồng, trong đó có nhiều trường hợp sống chung với nhau nhưng chưa đăng ký kết hôn. Huyện đã đưa các tổ trợ giúp pháp lý về tận các xã vùng sâu tuyên truyền và giúp nhân dân đăng ký “hôn thú lưu động”. Nhờ vậy, tình trạng tảo hôn, hôn nhân không đăng ký trong vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước giảm dần.
 
Theo ông Thương, hàng năm, trung tâm luôn tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện và các xã để mở các đợt tuyên truyền, vận động nhằm giảm thiểu, tiến đến xóa bỏ trình trạng tảo hôn trong cộng đồng dân cư tại huyện, đặc biệt là trong các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, huyện đang phát huy rất tốt mô hình “Xóa tập tục tảo hôn” ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện. 
 
Trung tâm cũng đang phối hợp rất tốt với Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp cùng già làng, trưởng thôn trong tuyên truyền, vận động, tổ chức các hình thức vui chơi, sinh hoạt văn hóa lành mạnh vào các ngày lễ tết; tổ chức các buổi khám sức khỏe cho mẹ và bé; tập huấn kinh nghiệm chăm sóc thai nhi, cho con bú; tuyên truyền Luật Chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em và Luật Hôn nhân gia đình; đồng thời, thu hút các bạn trẻ cùng tham gia, phát động phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa tại mỗi thôn, xã… 
 
Cùng đó, Trung tâm cũng rất chú ý đến công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ ở tuyến xã, tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên, phát huy vai trò của nhân viên y tế thôn, buôn; vận động già làng, người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia công tác này. “Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Phòng Dân tộc và Tư pháp huyện để thực hiện hiệu quả hơn công tác vận động, tuyên truyền” - ông Lê Quang Thương cho biết.
 
CẨM TIÊN - GIA KHÁNH