Hai năm ăn tết trong ngôi nhà chưa hoàn thiện

08:02, 10/02/2017

Từ ngày 24/1/2016 đến nay, ông Cầm Văn Trưởng, thường trú tại lô số I11 Khu quy hoạch Công viên Văn hóa đô thị (KQHCVVHĐT) phường 2, TP Đà Lạt liên tục thúc giục đơn vị thi công phải hoàn thiện ngôi nhà của mình theo đúng hợp đồng giữa gia đình ông với Công ty cổ phần Xây dựng (CPXD) Tuổi trẻ Đất Việt, nhưng không mang lại kết quả.

Từ ngày 24/1/2016 đến nay, ông Cầm Văn Trưởng, thường trú tại lô số I11 Khu quy hoạch Công viên Văn hóa đô thị (KQHCVVHĐT) phường 2, TP Đà Lạt liên tục thúc giục đơn vị thi công phải hoàn thiện ngôi nhà của mình theo đúng hợp đồng giữa gia đình ông với Công ty cổ phần Xây dựng (CPXD) Tuổi trẻ Đất Việt, nhưng không mang lại kết quả. Cực chẳng đã, ông phải khởi kiện ra TAND TP Đà Lạt và TAND TP Đà Lạt đã thụ lý, nhưng chưa đưa ra xét xử. Thành thử, 2 năm qua, gia đình ông Trưởng phải… ăn tết trong ngôi nhà chưa hoàn thiện. 
 
Thực trạng nhiều hạng mục của ngôi nhà ông Cầm Văn Trưởng chưa được thi công hoàn chỉnh. Ảnh: H.Đ.Huynh
Thực trạng nhiều hạng mục của ngôi nhà ông Cầm Văn Trưởng chưa được thi công hoàn chỉnh. Ảnh: H.Đ.Huynh

Nội dung vụ việc 
 
Theo Hợp đồng số 12/2015/HĐXD-TTDV ngày 2/10/2015 giữa bên A (chủ thầu xây dựng) là ông, bà Cầm Văn Trưởng - Dương Thị Dần và bên B (đơn vị thi công) là Công ty CPXD Tuổi trẻ Đất Việt (đại diện là ông Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc) thì: Bên A khoán trọn gói cho bên B thực hiện thi công và hoàn thiện công trình “Nhà ở tư nhân của ông bà Cầm Văn Trưởng - Dương Thị Dần theo bản thiết kế được chủ đầu tư chấp thuận và đã được Nhà nước phê duyệt, tại địa chỉ I11 KQHCVVHĐT, phường 2, TP Đà Lạt. Thời gian và tiến độ thực hiện 112 ngày kể từ ngày khởi công 2/10/2015, thời gian hoàn thiện, bàn giao nhà vào sáng ngày 24/1/2016. Tổng diện tích xây dựng: 255,80 m 2.Giá trị hợp đồng, 5.700.000 đồng/m 2 x 255,80 m 2 = 1.450.000.000 đồng (một tỷ bốn trăm năm mươi triệu đồng)...
 
Trong các điều khoản hợp đồng cũng nêu rõ: trường hợp xét thấy bên B thực hiện công việc không đạt yêu cầu, hoặc không đáp ứng đủ nhân lực, trang thiết bị thi công, thực hiện chậm tiến độ đã được duyệt, được bên A thông báo bằng văn bản sau 7 ngày mà bên B không khắc phục thì bên A có quyền đình chỉ thi công và chấm dứt hợp đồng với bên B và bên B phải chịu phạt. 
 
Nếu bên B chậm trễ bàn giao nhà hoàn thiện để đưa vào sử dụng cho bên A, thì bên B phải chịu xử phạt bằng tiền với mức phạt 150% trên tổng giá trị hợp đồng và nộp phạt cho bên A trong vòng 7 ngày. 
 
Hợp đồng như vậy, nhưng trong thực tế, việc thi công nhà của Công ty CPXD Tuổi trẻ Đất Việt không đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công, nên sau 3 lần thông báo, nhắc nhở về việc đẩy nhanh tiến độ thi công, khắc phục sai sót trong thi công bằng văn bản không hiệu quả, ông Cầm Văn Trưởng phải quyết định ngưng thi công công trình, đề nghị Công ty CPXD Tuổi trẻ Đất Việt phải khắc phục những thiếu sót, hạn chế về kết cấu, chất lượng, thiết kế, thẩm mỹ ngôi nhà, bên B vẫn không thực hiện, phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, khiến ông Cầm Văn Trưởng rất bức xúc. Chính vì vậy, tháng 10/2016, ông Cầm Văn Trưởng đã khởi kiện Công ty CPXD Tuổi trẻ Đất Việt ra tòa kinh  tế của TAND TP Đà Lạt để yêu cầu bồi hoàn thiệt hại do không thực hiện đúng hợp đồng mà hai bên đã ký kết.
 
Các đương sự, luật sư và thẩm phán thụ lý vụ án nói gì?
 
Đưa chúng tôi đi thực tế để chứng kiến nhiều hạng mục công trình chưa hoàn thiện, kém chất lượng, hoặc sai thiết kế đã được Nhà nước phê duyệt như: Đi ống nước năng lượng mặt trời sai kỹ thuật; hệ thống thoát nước sàn đấu chung với hệ thống thải nước mưa, khiến mỗi lần trời mưa nước mưa phun lên từ ống thoát sàn; các thiết bị điện lắp đặt không an toàn, bếp không có aptomat, không có cầu dao mà đấu nối trực tiếp thiết bị điện vào nguồn cung cấp điện, dẫn đến chỗ có điện, chỗ không có điện, nhiều nơi tường bị thấm nước, bong rộp, gồ ghề, toàn bộ cầu thang của tầng 2 và sân thượng không đúng bản thiết kế, chưa thực hiện định vị móng nhưng lại tiến hành xây dựng…, ông Cầm Văn Trưởng tỏ ra rất bức xúc.
 
“Mặc dù gia đình tôi đã thanh toán lên đến 91% giá trị hợp đồng (1.310.000.000 đồng/1.450.000.000 đồng), nhưng Công ty CPXD Tuổi trẻ Đất Việt mới thi công công trình đạt khối lượng khoảng 75%, khiến gia đình tôi phải vất vả sống qua hai cái tết trong ngôi nhà chưa hoàn thiện” - ông Cầm Văn Trưởng cho biết.
 
Sau nhiều lần đến Văn phòng Công ty CPXD Tuổi trẻ Đất Việt nhưng không gặp được giám đốc, liên hệ qua điện thoại di động chúng tôi được ông Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Công ty CPXD Tuổi trẻ Đất Việt đề nghị làm việc với luật sư Lê Cao Tánh - người bảo vệ quyền lợi cho công ty để được biết quan điểm của doanh nghiệp đối với vụ việc trên. 
 
4h chiều ngày 7/2/2017, làm việc với chúng tôi, luật sư Lê Cao Tánh cho rằng: Nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phá vỡ hợp đồng, chậm hoàn thiện công trình của Công ty CPXD Tuổi trẻ Đất Việt, chẳng hạn như: Chủ nhà không tạo điều kiện cho công nhân vào nhà thi công, không quan tâm, chăm sóc công nhân lao động tại công trình, bên A và bên B tự thỏa thuận bằng miệng điều chỉnh thiết kế… và không thể nói chủ nhà bức xúc khi TAND TP Đà Lạt đã có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa số tiền 300 triệu đồng của Công ty CPXD Tuổi trẻ Đất Việt tại Ngân hàng No-PTNT Lâm Đồng, vượt quá yêu cầu đền bù thiệt hại của ông Cầm Văn Trưởng trong đơn khởi kiện.
 
Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề: Theo hợp đồng đã được ký kết giữa hai bên: Công trình xây dựng theo hình thức khoán trọn gói, thì việc chăm sóc người lao động thuộc về chủ thầu xây dựng, không thuộc trách nhiệm của chủ nhà, việc không cho công nhân vào nhà xây dựng khi chủ nhà đi làm rơi vào thời gian trước hay sau khi xảy ra tranh chấp, khởi kiện. Và trong hợp đồng thi công công trình trọn gói có điều khoản: Phát sinh trong quá trình xây dựng nếu có sự thay đổi thì hai bên phải bàn bạc, thống nhất bằng văn bản để đi đến quyết định cuối cùng trước khi thi công và phải có phụ lục thiết kế, thì không thể nói tự thỏa thuận bằng miệng. Với lại, việc không hoàn thiện ngôi nhà theo hợp đồng không những khiến chủ nhà bị thiệt hại về vật chất, mà cả tinh thần khi phải sinh sống trong ngôi nhà thi công dang dở hơn cả năm trời, không thể không bức xúc, trong khi TAND TP Đà Lạt mới ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vào ngày 11/1/2017, nhưng trước đó ông Nguyễn Quốc Huy đã có dấu hiệu sang tên cổ phần trong công ty cho người khác làm giám đốc, thì luật sư Tánh cho rằng: Vụ việc còn nhiều phức tạp, dẫu đúng, dẫu sai thế nào, ông cũng phải làm hết mình vì thân chủ, mọi phán quyết đều do TAND TP Đà Lạt quyết định.
 
Đồng ý với chúng tôi về tình trạng ngôi nhà chưa hoàn thiện theo như hợp đồng đã được ký kết giữa bên A và bên B, nhưng thẩm phán Mai Ngọc Lâm cho rằng: Mọi quyết định đều do Hội đồng xét xử phán quyết. 
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, TAND TP Đà Lạt đã thành lập Hội đồng giám định chất lượng, khối lượng thi công công trình để phục vụ cho việc đưa vụ việc ra xét xử. Tuy nhiên, Hội đồng không đủ năng lực để thẩm định, khiến TAND TP Đà Lạt phải thành lập Hội đồng thẩm định lần hai. Mong rằng, vụ việc sẽ được TAND TP Đà Lạt giải quyết một cách kịp thời, khách quan, đúng pháp luật để không làm cho nguyên đơn, bị đơn bị thiệt hại.
 
HOÀNG ĐẠI HUYNH