Đừng biến xe buýt thành... xe đò!

08:06, 16/06/2017

Sau một vài lần tạm ngưng hoạt động, xe buýt chạy tuyến Đà Lạt - Bảo Lộc và chiều ngược lại tiếp tục được Công ty Phương Trang, đơn vị vận hành xe buýt chạy tuyến nói trên, cho mở trở lại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, tuyến xe buýt này đang dần trở thành... tuyến xe đò!

Sau một vài lần tạm ngưng hoạt động, xe buýt chạy tuyến Đà Lạt - Bảo Lộc và chiều ngược lại tiếp tục được Công ty Phương Trang, đơn vị vận hành xe buýt chạy tuyến nói trên, cho mở trở lại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, tuyến xe buýt này đang dần trở thành... tuyến xe đò!
 
Theo đăng ký của Công ty Phương Trang tại Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Lâm Đồng, lộ trình xe buýt chạy tuyến Đà Lạt - Bảo Lộc bắt đầu từ bến xe buýt trên đường Mai Anh Đào (Phường 8, TP Đà Lạt) lúc 4 giờ 30 phút. Tiếp đến, xe chạy đón khách dọc theo một số tuyến đường nội đô Đà Lạt, rồi xuôi theo Quốc lộ 20, qua địa phận huyện Đức Trọng - huyện Di Linh - TP Bảo Lộc. Sau đó, xe lại xuất phát từ Bảo Lộc và ngược hướng theo Quốc lộ 20 trở lại Đà Lạt. Chuyến xe buýt chạy tuyến Đà Lạt - Bảo Lộc cuối cùng trong ngày khởi hành lúc 18 giờ.
 
Cũng theo đăng ký của Công ty Phương Trang tại Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Lâm Đồng, tần suất xe buýt chạy tuyến Đà Lạt - Bảo Lộc và chiều ngược lại là 30 phút/chuyến. Thế nhưng, ông Trần Công Lĩnh (ngụ phường II, TP Bảo Lộc), người thường xuyên đi lại trên tuyến xe buýt này phản ánh: “Tại biển báo ở trạm dừng xe buýt có ghi tần suất hoạt động của xe buýt là 30 phút/chuyến. Song, có những hôm tôi đợi cả tiếng đồng hồ mà vẫn không thấy chiếc xe buýt nào xuất hiện”. 
 
Ông Lĩnh cho rằng, chính sự bất tiện đó, ông phải chuyển sang di chuyển bằng phương tiện khác và đành chấp nhận giá cước vận chuyển cao hơn giá xe buýt. “Tôi chẳng còn cách nào khác. Công việc không cho phép tôi ngồi đợi xe buýt mãi được”, ông Lĩnh nói về việc ông thay đổi phương tiện di chuyển.
 
Chị Ka Phin (ngụ xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh) chia sẻ: “Do khó khăn về phương tiện đi lại, nên mỗi khi có công việc cần xuống Bảo Lộc, tôi đều chọn xe buýt chạy tuyến Đà Lạt - Bảo Lộc để đi lại. Tuy nhiên, điều phiền toái nhất của việc đi lại bằng xe buýt là thời gian đợi xe quá lâu”. 
 
Theo chị Ka Phin, chỗ chị ở cách TP Bảo Lộc chỉ tầm 20 cây số. Chị chọn di chuyển bằng phương tiện xe buýt vì giá cước vận chuyển thấp, phù hợp với thu nhập của gia đình. Mặc dù vậy, chỉ những hôm không quá gấp về thời gian, chị mới đi bằng xe buýt xuống Bảo Lộc. Còn những hôm cần giải quyết công việc gấp, chị phải nhờ người nhà chở chị xuống Bảo Lộc bằng xe máy, vì “nếu đợi xe buýt, chắc chắn sẽ bị lỡ việc”. 
 
Trong những lần di chuyển bằng xe buýt từ Đinh Trang Hòa xuống Bảo Lộc, chị Ka Phin nhận ra xe buýt chạy tuyến Đà Lạt - Bảo Lộc đang bộc lộ nhiều bất cập. Một trong số đó là việc dừng - đỗ của xe buýt rất tùy tiện. “Cứ phát hiện người có nhu cầu đi xe buýt, bất kể là ở đâu, lập tức tài xế đều cho xe dừng lại để đón khách. Hay như ai đó trên xe buýt cần xuống, bất kể vị trí nào, tài xế cũng dừng xe để khách xuống. Như vậy, xe buýt có khác gì xe đò!”, chị Ka Phin nói. 
 
Một thực tế khác, đó là trên tuyến xe buýt này, các biển báo trạm dừng xe buýt dọc Quốc lộ 20 đã bị “xóa” sạch, chỉ còn lại một vài trạm ở nội thị Bảo Lộc và nội thị Đà Lạt. 
 
Bà Võ Thị Hương, cán bộ hưu trí Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong một lần đến tham quan Đà Lạt đã lựa chọn xe buýt chạy tuyến Đà Lạt - Bảo Lộc để di chuyển xuống thị trấn Di Linh (huyện Di Linh), thăm một bà con ở họ đằng ngoại nhà bà đang sinh sống ở đấy, chứng kiến sự tùy tiện trong việc dừng - đỗ của tài xế xe buýt, bà Hương bày tỏ: “Đi xe buýt không chỉ vì giá xe buýt rẻ hơn giá các phượng tiện vận tải khác, mà cái quan trọng nhất là làm thay đổi tính tùy tiện (vốn dĩ là thuộc tính của cư dân nông nghiệp) để tạo ra thói quen công nghiệp cho người dân. Thói quen công nghiệp thể hiện ở chỗ đúng giờ, đúng tuyến, đúng lộ trình”. 
 
Theo bà Hương, ở nước ngoài, cứ đến trạm dừng xe buýt, dù có khách hay không có khách (lên xe hoặc xuống xe), tài xế đều mở cửa xe và đậu đúng thời gian quy định. Sau khi hết thời gian quy định, tài xế mới đóng cửa xe và cho xe chạy tiếp. “Ở nước ta, nhiều người sẽ cho rằng, cách làm của tài xế như vậy là quá máy móc, không có khách đứng đợi ở trạm dừng xe buýt thì cứ thế mà chạy, việc gì phải dừng xe lại, rồi còn mở cửa xe đúng thời gian quy định nữa cho mất thì giờ”. 
 
Bà Hương cho rằng, sự “máy móc” trên là cần thiết: “Nếu còn 3 phút nữa mới có chuyến xe buýt, người ta có thể đi đâu đấy trong vòng 2 phút rồi quay lại thì vẫn kịp, không phải lỡ chuyến xe”, bà Hương lý giải, bởi theo bà, xã hội cần có những nguyên tắc, vì nói cho cùng nguyên tắc giúp ổn định xã hội, và nguyên tắc của xe buýt là tạo nên thói quen công nghiệp, nâng cao ý thức công cộng, tránh sự tùy tiện của người dân khi tham gia giao thông... 
 
     TRỊNH CHU