An toàn trên mỗi công trường khai thác đá

05:08, 15/08/2019

Vật liệu nổ công nghiệp là loại hàng hóa đặc biệt, được luật quy định là mặt hàng hạn chế kinh doanh. Tuy nhiên, với Lâm Ðồng, một tỉnh có nghề khai thác đá, vật liệu nổ công nghiệp là loại hàng hóa không thể thiếu nên việc tăng cường quản lý chặt chẽ vật liệu nổ nhằm bảo đảm an toàn sản xuất và tính mạng con người được đặt lên hàng đầu.

Vật liệu nổ công nghiệp là loại hàng hóa đặc biệt, được luật quy định là mặt hàng hạn chế kinh doanh. Tuy nhiên, với Lâm Ðồng, một tỉnh có nghề khai thác đá, vật liệu nổ công nghiệp là loại hàng hóa không thể thiếu nên việc tăng cường quản lý chặt chẽ vật liệu nổ nhằm bảo đảm an toàn sản xuất và tính mạng con người được đặt lên hàng đầu.
 
Mỏ đá khai thác bằng vật liệu nổ công nghiệp
Mỏ đá khai thác bằng vật liệu nổ công nghiệp
 
Theo thông tin từ Phòng Kỹ thuật An toàn Môi trường, Sở Công thương Lâm Đồng, hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 35 doanh nghiệp hoạt động vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) với 28 giấy phép sử dụng VLNCN, 5 thông báo dịch vụ nổ mìn và 2 giấy phép do Bộ Công thương và Bộ Quốc phòng cấp. Năm 2018, tổng số VLNCN được sử dụng trên địa bàn tỉnh gồm 741.489,2 kg thuốc nổ các loại, 85.545 kíp nổ các loại, 296.500 m dây nổ và 2.005 quả mồi nổ. Toàn tỉnh có 2 đơn vị thực hiện cung ứng VLNCN, 1 kho chứa VLNCN với sức chứa 20.000 kg thuốc nổ và 3 kho chứa nhỏ lẻ với tổng sức chứa 13.000 kg thuốc nổ.
 
Là loại hàng hóa có điều kiện kinh doanh và sử dụng đặc biệt, Sở Công thương, đơn vị quản lý nhà nước đã tăng cường quản lý sát sao để đảm bảo việc sản xuất hiệu quả đồng thời đảm bảo an toàn lao động. Sở đã xóa bỏ số kho chứa VLNCN nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn từ 22 kho xuống còn 4 kho, kiểm tra nhắc nhở thường xuyên, giám sát chặt chẽ quy trình từ sản xuất, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, mua bán… cho tới đào tạo con người. Bởi vậy, dù sử dụng VLNCN nhiều nhưng Lâm Đồng nhiều năm trở lại đây không xảy ra tai nạn thiệt hại về người liên quan đến VLNCN, không để xảy ra tình trạng hư hỏng tài sản, nhà cửa của Nhân dân phải khiếu nại. Hầu hết các đơn vị đã chuyển qua cung ứng VLNCN đến tận nơi nổ mìn theo từng hộ chiếu, không giữ VLNCN tại công trường. 
 
Tuy nhiên, hoạt động VLNCN tại Lâm Đồng vẫn còn nhiều điều cần chú ý. Năm 2015 đã từng xảy ra vụ mất cắp 380 kíp nổ tại một công ty khai thác đá. Việc mất cắp kíp nổ, VLNCN vẫn là nỗi lo của các công ty và cơ quan quản lý. Nhiều doanh nghiệp còn chưa lập hộ chiếu nổ mìn đầy đủ, sử dụng người có bằng cấp chuyên môn nhưng chưa qua huấn luyện an toàn. Một số doanh nghiệp chưa trang bị được máy đo chuyên dụng đo điện trở kíp mìn mà dùng máy đo điện trở thường, dễ xảy ra tai nạn do thiếu chính xác. Có doanh nghiệp, để tiết kiệm chi phí vận chuyển VLNCN, nâng cao hiệu suất khai thác đã thực hiện nổ mìn không theo phương án thiết kế, nổ chập lượng thuốc nổ của 2-3 hộ chiếu nổ mìn trong 1 lần nổ khiến nguy cơ mất an toàn tăng cao. Tuy nhiên, khi kiểm tra định kỳ thì doanh nghiệp vẫn cung cấp đầy đủ hộ chiếu nổ mìn riêng biệt với số lượng VLNCN theo đúng giấy phép được cấp. Vì vậy, việc thanh, kiểm tra phải rất sát sao, kịp thời để tránh việc doanh nghiệp dùng VLNCN tùy tiện, không đáp ứng an toàn lao động. 
 
Sở Công thương tỉnh xác định, quản lý VLNCN là hoạt động diễn ra thường xuyên để đảm bảo không xảy ra các tai nạn gây thiệt hại về người và tài sản. Sở tiếp tục việc kiểm tra kiểm soát, giám sát chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất VLNCN và tiền chất thuốc nổ. Bên cạnh đó, đào tạo nhân lực, huấn luyện về chuyên môn kỹ thuật, kiểm tra chứng nhận an toàn trong sử dụng VLNCN cho người quản lý, chỉ huy, thợ mìn và những người liên quan phải được thực hiện thường xuyên. Với những vị trí nổ mìn nhạy cảm, có khiếu nại của cư dân về VLNCN, Sở sẽ yêu cầu giám sát nổ mìn. Áp dụng các biện pháp nổ mìn tiên tiến như nổ mìn phi điện, sử dụng các loại VLNCN đảm bảo cân bằng oxi, không gây hại tới môi trường. Đặc biệt, Sở yêu cầu các doanh nghiệp có kho chứa VLNCN phải phối hợp cùng chính quyền địa phương, lực lượng chức năng xây dựng quy trình canh gác, bảo quản, đề phòng sự cố, không để xảy ra mất mát, thất thoát VLNCN. Sở cũng động viên, khuyến khích doanh nghiệp khai thác đá thuê dịch vụ nổ mìn từ đơn vị nổ mìn chuyên nghiệp để đảm bảo an toàn trong sử dụng VLNCN, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người và tài sản trên mỗi mét đá khai thác.
 
DIỆP QUỲNH