Sẽ thu hồi toàn bộ diện tích đất, rừng đã giao cho cộng đồng Thôn 4

06:08, 22/08/2019

Không lập kế hoạch quản lý rừng, không xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng, không báo cáo định kỳ diễn biến tài nguyên rừng và các hoạt động có liên quan đến khu rừng, sử dụng đất rừng không đúng mục đích để rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, có dấu hiệu chuyển nhượng trái phép...

Không lập kế hoạch quản lý rừng, không xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng, không báo cáo định kỳ diễn biến tài nguyên rừng và các hoạt động có liên quan đến khu rừng, sử dụng đất rừng không đúng mục đích để rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, có dấu hiệu chuyển nhượng trái phép... Đó là hàng loạt “cái không” dẫn tới những sai phạm nghiêm trọng mà cộng đồng Thôn 4 (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm) đã để xảy ra tại Tiểu khu 438A và 439 (xã Lộc Phú, Bảo Lâm). 
 
Từ những sai phạm này, UBND huyện Bảo Lâm đã giao cho các đơn vị liên quan thực hiện các trình tự, thủ tục và tham mưu cho UBND huyện thu hồi toàn bộ diện tích đất rừng đã giao cho cộng đồng Thôn 4.
 
Một vị trí đắc địa của rừng cộng đồng Thôn 4 hiện đã được trồng cà phê.
Một vị trí đắc địa của rừng cộng đồng Thôn 4 hiện đã được trồng cà phê.
 
Mất trắng hơn 73 ha rừng 
 
Từ tháng 9/2013, UBND huyện Bảo Lâm đã có quyết định giao đất, giao rừng cho cộng đồng Thôn 4 thực hiện phương án quản lý, bảo vệ, trồng, chăm sóc rừng và sản xuất nông lâm kết hợp với sự tham gia của 9 hộ dân, do ông Nguyễn Đức Dạo làm tổ trưởng. Tổng diện tích đất, rừng giao cho cộng đồng Thôn 4 là 231 ha; trong đó, diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ là hơn 192 ha, diện tích được giao trồng, chăm sóc rừng là 32,6 ha, diện tích được giao để sản xuất nông lâm kết hợp là 5,85 ha. Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra của UBND huyện Bảo Lâm vào tháng 8/2019, đến hiện tại, diện tích có rừng chưa bị tác động là 73,8 ha, diện tích có rừng bị tác động trồng cây dưới tán rừng là 45,6 ha, diện tích rừng bị mất toàn bộ là 73,2 ha. Trong số diện tích rừng bị mất toàn bộ thì có 48,6 ha bị mất trước thời điểm giao cho cộng đồng Thôn 4 và có 24,6 ha bị mất sau khi giao cho cộng đồng Thôn 4. Đặc biệt, trong tổng số 32,5 ha diện tích được giao trồng và chăm sóc rừng trồng thì đến nay cộng đồng Thôn 4 chỉ trồng được vỏn vẹn 1,62 ha đúng phương án, diện tích còn lại đều không thực hiện theo đúng phương án mà chủ yếu được trồng cà phê, bơ... xen muồng, keo.
 
Theo kết luận thanh tra, việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng Thôn 4 nhằm mục tiêu tạo thêm việc làm, thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo; đồng thời, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, sau khi được giao đất, giao rừng, cộng đồng Thôn 4 đã không thực hiện nghĩa vụ theo quy định, không giữ được tính chất của cộng đồng dân cư, không đủ năng lực để thực hiện phương án, thực hiện không đúng phương án đã được phê duyệt. Cộng đồng Thôn 4 kể từ khi được giao đất, giao rừng thì chỉ có 2 hộ quản lý và thực hiện phương án, 7 hộ còn lại có đăng ký nhưng không tham gia thực hiện. Như vậy, không đảm bảo tính chất của cộng đồng dân cư theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và vượt hạn mức theo quy định của UBND tỉnh Lâm Đồng (không vượt quá 30 ha/1 hộ). Bên cạnh những sai phạm của cộng đồng Thôn 4 thì một số cơ quan chức năng của huyện Bảo Lâm cũng có những sai sót trong việc giao đất, giao rừng. Cụ thể, Hạt Kiểm lâm không tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo chủ rừng, các cơ quan, tổ chức có liên quan kiểm kê rừng trước khi bàn giao đất, rừng và chỉ tiến hành kiểm tra hiện trạng rừng ngẫu nhiên tại một số vị trí. Từ đó, dẫn đến không xác định được trữ lượng rừng và diện tích đất rừng bị lấn chiếm trước khi giao cho cộng đồng Thôn 4. Hạt Kiểm lâm và UBND xã Lộc Phú dù có hỗ trợ, hướng dẫn cộng đồng Thôn 4 thực hiện việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện phương án quản lý, bảo vệ, trồng, chăm sóc rừng, sản xuất nông lâm kết hợp, nhưng việc phát hiện và xử lý vi phạm của Hạt Kiểm lâm và UBND xã Lộc Phú chưa tương xứng với tình hình vi phạm. Thậm chí, nhiều việc vi phạm chưa được phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định. 
 
Lực lượng chức năng kiểm đếm số thông bị triệt hạ, chôn lấp để chiếm đất trồng bơ tại Tiểu khu 438A.
Lực lượng chức năng kiểm đếm số thông bị triệt hạ, chôn lấp để chiếm đất trồng bơ tại Tiểu khu 438A.
 
Có dấu hiệu mua bán đất rừng
 
Cũng theo kết luận thanh tra, trong quá trình kiểm tra hiện trạng rừng giao cho cộng đồng Thôn 4 phát hiện có 9 trường hợp không phải là người thuộc cộng đồng Thôn 4 nhưng đang canh tác, sản xuất trên một số diện tích đất rừng. Trong số này, có nhiều trường hợp lấn chiếm, tái lấn chiếm để trồng cà phê, làm nhà, làm chuồng nuôi gia cầm. Đặc biệt, có một số trường hợp có dấu hiệu mua bán, sang nhượng đất rừng. Cụ thể như trường hợp ông Trần Thanh Trầm (Thôn 4, xã Lộc Phú) có lấn chiếm diện tích 0,3 ha từ năm 2010 để trồng cà phê, sau đó bị giải tỏa, nhưng năm 2012 ông tái lấn chiếm để trồng cà phê. Trong quá trình canh tác, ông có đưa 24 triệu đồng cho ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ tại Thôn 2, xã Lộc Phú) để dùng vào việc móc ranh đất, đổi lại cho phép ông được canh tác trên diện tích đất này. Hoặc như trường hợp của ông Hoàng Văn Hồng trình bày mua của ông Nguyễn Văn Dũng và ông Nguyễn Văn Khánh (ngụ tại Thôn 1, xã Lộc Phú) 1 lô đất không rõ diện tích để trồng cà phê xen muồng dưới tán rừng tại khoảnh 4, Tiểu khu 439 với số tiền 290 triệu đồng. Còn ông Trần Quang Tuấn thì cho rằng mua 1 lô đất 1,4 ha của một người tên Hào (không rõ tên họ đầy đủ và địa chỉ) vào năm 2011 và 1 lô đất 0,7 ha của ông Nguyễn Quang Tuyến (ngụ tại Thôn 4, xã Lộc Phú) vào năm 2012. Cả 2 lô đất này đều thuộc Tiểu khu 438A và khi mua đều đã trồng cà phê. Ngoài ra, còn  trường hợp của ông Lê Văn Ba (ngụ tại Thôn 4, xã Lộc Phú) có lấn chiếm 0,2 ha đất từ năm 2011 để trồng keo. Đến tháng 6/2018, ông Nguyễn Đức Dạo giao diện tích này cho ông tiếp tục chăm sóc và trồng keo. Không những vậy,  ông Lê Văn Ba còn đưa 160 triệu đồng cho ông Nguyễn Văn Dũng và ông Nguyễn Văn Khánh để được quản lý, bảo vệ diện tích khoảng 5 ha đất rừng xen keo. Còn trường hợp ông Phạm Tấn Hùng (ngụ tại Phường 2, thành phố Bảo Lộc) trình bày có hợp tác với ông Nguyễn Đức Dạo để chăn nuôi dê, trồng cây nông lâm kết hợp trên diện tích 10 ha tại khoảnh 5, Tiểu khu 439 từ năm 2015 theo hợp đồng là 25 năm. Tuy nhiên, ông Hùng không cung cấp được hợp đồng hợp tác, còn ông Dạo thì cho rằng cộng đồng chỉ hợp tác với ông Hùng để chăn nuôi dê, còn các loại cây trồng là do cộng đồng Thôn 4 trồng.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng là bố ruột của ông Nguyễn Đức Dạo, còn ông Nguyễn Văn Khánh là em ruột của ông Dũng và hiện đang là cán bộ xã Lộc Phú. Ông Phạm Tấn Hùng là cán bộ một ngân hàng tại huyện Bảo Lâm vừa bị Công an huyện Bảo Lâm bắt tạm giam 3 tháng vì liên quan đến vụ việc phá rừng tại Tiểu khu 460 (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm). Với những dấu hiệu vi phạm về việc sang nhượng, mua bán đất rừng như nêu trên, UBND huyện Bảo Lâm đã giao cho Công an huyện phối hợp với Hạt Kiểm lâm và đơn vị liên quan tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định đối với các hành vi phá rừng, hủy hoại rừng, lấn chiếm, mua bán, chuyển nhượng đất rừng trái pháp luật tại khu vực đất rừng giao cho cộng đồng Thôn 4. Đồng thời, yêu cầu Hạt Kiểm lâm và UBND xã Lộc Phú kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý theo đúng quy định đối với từng cán bộ, công chức có liên quan vì đã thiếu theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm và phương án được phê duyệt của cộng đồng Thôn 4 khi được giao đất, giao rừng, không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với một số vụ việc vi phạm xảy ra trong khu vực đất rừng để giao cho cộng đồng Thôn 4.
 
ĐÔNG ANH