Bất an với nhà kính dọc sông, suối

02:08, 20/08/2019

(LĐ online) - Cứ mỗi mùa mưa lũ đi qua, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp trong nhà kính dọc các tuyến sông, suối tại các huyện Lạc Dương, Đơn Dương và TP Đà Lạt lại bị nước cuốn trôi, gãy đổ hoặc hoa màu bị đất đá vùi lấp...

(LĐ online) - Cứ mỗi mùa mưa lũ đi qua, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp trong nhà kính dọc các tuyến sông, suối tại các huyện Lạc Dương, Đơn Dương và TP Đà Lạt lại bị nước cuốn trôi, gãy đổ hoặc hoa màu bị đất đá vùi lấp. Tuy nhiên, ngay chính các khu vực đó, nhà kính vẫn không ngừng được nông dân dựng lên. Thực tế sản xuất thiếu an toàn này đang là mối lo ngại của các cấp, ngành trong tỉnh mỗi khi mùa mưa bão kéo về.
 
Nhiều diện tích nhà kính dọc suối Đạ Nghịt bị nước lũ cuốn trôi trong chớp mắt
Nhiều diện tích nhà kính dọc suối Đạ Nghịt bị nước lũ cuốn trôi trong chớp mắt
 
Thực tế tại huyện Lạc Dương, từ nhiều năm nay, hàng chục hộ nông dân đang canh tác nông nghiệp tại khu vực Cầu Treo và tổ dân phố Đan Kia (thị trấn Lạc Dương) thường xuyên đứng trước nỗi lo bị ngập cục bộ, lũ quét cuốn trôi hoa màu, nhà kính mỗi khi có mưa lớn kéo dài. 
 
Ông Hoàng Xuân Hải - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương cho biết: Nếu như năm 2015 toàn huyện chỉ có 230 ha thì đến năm 2018 diện tích nhà kính đã phát triển lên đến 800 ha, tăng 570 ha, tương đương gần 3,5 lần. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là hiện nay nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp có nhà kính của bà con đang nằm trong khu vực dọc các tuyến sông, suối xung yếu, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bị ngập lụt, lũ quét, sạt lỡ đất khi mùa mưa bão đến. 
 
Theo ông Hải, để thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp, nông dân huyện Lạc Dương có xu hướng mở rộng vùng sản xuất dọc theo các sông, suối nhằm thuận tiện cho việc tưới tiêu hoa màu. Và khi tiến hành đầu tư xây dựng nhà kính, đa phần nông dân chỉ chăm chăm tính bài toán kinh tế, các yếu tố thiên tai hầu như không hề được tính đến. 
 
Đơn cử như trận lũ lụt vừa qua, tại thị trấn Lạc Dương đã có hơn 70 ha nhà kính bị ngập, trong đó 2 ha nhà kính bị sập, nghiêng ngã thậm chí bị lũ cuốn trôi. Còn tại xã Lát, hầu như 100% các hộ dân sản xuất canh tác nhà kính dọc suối Đạ Nghịt đều bị thiệt hại nặng nề về hoa màu, nhà kính gãy đổ. Để khắc phục tình trạng trên, một số nơi bà con đã tiến hành xây dựng bờ kè song do xây dựng không đồng bộ và kinh phí có hạn nên chỉ chống chịu được tạm thời.
 
Theo ghi nhận của phóng viên, sau đợt mưa lũ vừa qua, nhiều điểm hai bên bờ dọc các sông, suối trên địa bàn huyện Lạc Dương đang bị sạt lở nặng, xuất hiện những hàm ếch ăn sâu vào trong phần đất nhà kính người dân. Nhiều diện tích nhà kính ven suối đang bị sạt lở dần và có nguy cơ bị cuốn trôi nếu như mùa mưa lũ vẫn tiếp diễn. 
 
Nhiều nhà kính được nông dân dựng lấn chiếm hành lang, làm tắc dòng chảy, biến dạng lòng sông, suối
Nhiều nhà kính được nông dân dựng lấn chiếm hành lang, làm tắc dòng chảy, biến dạng lòng sông, suối
 
Tương tự, tại huyện Đơn Dương - vùng rau lớn nhất tỉnh, theo quan sát, nhiều diện tích nhà kính, nhà lưới, màng phủ nông nghiệp cũng được nông dân các xã Tu Tra, Próh, Ka Đơn và Lạc Xuân dựng lên dọc bờ sông Đa Nhim. Cứ mỗi khi có mưa lớn kéo dài, nước sông Đa Nhim dâng cao là hàng trăm ha rau màu của nông dân lại bị ngập úng, thiệt hại nặng. 
 
Theo ông Lại Thế Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến hết năm 2018, toàn tỉnh có hơn 54.000 ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, diện tích canh tác trong nhà kính là 4.500 ha, nhà lưới là 1.222 ha, màng phủ nông nghiệp gần 11.000 ha. Riêng Đà Lạt, hiện nay đã có khoảng 2.400 ha diện tích nhà kính. Các diện tích nhà lưới, nhà kính chủ yếu nằm ở những vùng nông nghiệp lớn dọc suối như Thái Phiên, Chi Lăng, Mê Linh… 
 
“Tại các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp này, nhà kính vây mọi ngóc ngách, là máng nước xối thẳng xuống kênh mương. Mỗi khi có mưa lớn, lượng nước không thấm được đổ ra suối trong thời gian ngắn khiến nước dâng cao đột ngột, tạo lũ với tốc độ chảy mạnh. Do đó, nhà kính dọc sông, suối có thể coi là tác nhân sinh ra điều này, đồng thời cũng gánh chịu hậu quả nặng nề đầu tiên” - ông Hưng cho hay.
 
Cũng theo ông Hưng, sở dĩ mấy năm gần đây TP Đà Lạt và huyện lân cận như Lạc Dương thường xuyên rơi vào tình trạng “mưa nhỏ, lũ sâu” là do nhiều nguyên nhân như: Biến đổi khí hậu toàn cầu, nạn phá rừng và nhất là việc lạm dụng, xây dựng nhà kính với mật độ cao. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân đến từ việc nông dân lấn chiếm, đổ đất đá, vật liệu xây dựng làm tắc dòng chảy, biến dạng lòng sông, suối…
 
HOÀNG SA