Cần đảm bảo an toàn tuyến đường sắt Ðà Lạt - Trại Mát

09:09, 01/09/2019

Từ đầu năm 2019 đến nay, tuyến đường sắt Ðà Lạt - Trại Mát dài 7 km trên địa bàn TP Ðà Lạt dù không xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng nhưng cũng xảy ra một số vụ việc, sự cố mất an toàn giao thông đường sắt đáng để lo ngại.

Từ đầu năm 2019 đến nay, tuyến đường sắt Ðà Lạt - Trại Mát dài 7 km trên địa bàn TP Ðà Lạt dù không xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng nhưng cũng xảy ra một số vụ việc, sự cố mất an toàn giao thông đường sắt đáng để lo ngại.
 
Các hành vi vi phạm hành lang an toàn đường sắt tuyến tàu Đà Lạt - Trại Mát thường xuyên xảy ra. Ảnh: C.Phong
Các hành vi vi phạm hành lang an toàn đường sắt tuyến tàu Đà Lạt - Trại Mát thường xuyên xảy ra. Ảnh: C.Phong
 
Hai vụ việc được ghi nhận gần nhất là việc các xe taxi đậu đỗ vi phạm hành lang an toàn đường sắt nên đã có sự cố đáng tiếc. Ông Nguyễn Võ Minh Chánh, Trưởng Ga Đà Lạt cho biết, ít nhất đã có 2 vụ va quẹt giữa tàu lửa và xe ô tô xảy ra từ đầu năm đến nay. Cả hai vụ đều do lỗi của tài xế thiếu quan sát, đậu xe hẳn vào hành lang an toàn đường sắt. Hậu quả, hai chiếc xe đậu đỗ sai quy định bị hư hỏng thân xe và may mắn là tài xế không bị thương sau sự cố trên.
 
Tuy nhiên, theo ông Chánh, câu chuyện đáng lo ngại lâu nay là việc rất nhiều người dân tự mở lối đi băng ngang qua đường ray ở những vị trí không có gác chắn, biển cảnh báo cũng như xả nước thải ra đường tàu vẫn còn phổ biến. 
 
Theo thống kê, tuyến đường sắt dài 7 km Ðà Lạt - Trại Mát chỉ có 4 đường ngang hợp pháp, thế nhưng tại các vị trí có lối đi tự mở trái phép ngang qua đường sắt của người dân khoảng 40 - 45 đường. 
 
Hiện tuyến tàu Đà Lạt - Trại Mát dài 7 km mỗi ngày chạy 5 chuyến, chủ yếu phục vụ du khách tham quan du lịch tới TP Đà Lạt. Từ đầu năm 2019 tới nay, có 400.000 lượt du khách mua vé tham quan tuyến du lịch Đà Lạt - Trại Mát bằng tàu lửa. Riêng năm 2018, thống kê có 774.000 lượt và lượng du khách chọn tham quan tuyến du lịch bằng tàu lửa tăng dần hằng năm từ 10-15%.

Mặc dù tốc độ tối đa tàu chạy 15 km/h nhưng việc người dân mở đường ngang, xe tải, taxi đậu đỗ trong hành lang an toàn đường sắt trên thực tế tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ga Đà Lạt đã nhiều lần phối hợp với như chính quyền địa phương TP Đà Lạt, Phường 9, Phường 10 và Phường 11 để xử lý những lối đi này và cảnh báo nguy hiểm... Song trên thực tế, các biện pháp trên dường như chưa phát huy hiệu quả, bởi bữa trước cảnh báo xong, bữa sau người dân lại “phá” để tiếp tục đi. Còn nếu xét tới khoảng cách hành lang an toàn giao thông chiếu theo quy định của ngành đường sắt thì tỷ lệ phần trăm người dân xây nhà, các công trình khác vi phạm còn rất lớn.

Theo ghi nhận của chúng tôi sáng 28/8, ngoài hàng chục đường ngang được người dân dùng tấm đan bằng gỗ, bê tông đặt trái phép giữa đường ray để đi lại vào nhà, băng qua vườn thì tại các vị trí tàu lửa chạy qua, nhiều người chạy xe máy sát mép đường ray chỉ khoảng nửa mét tạo thành đường mòn nhỏ. Nguy hiểm ở chỗ là khi tàu lửa chạy qua nhiều người dân, trong đó có nhiều em học sinh vẫn thản nhiên chạy xe trên đường mòn cả hai bên đường ray và chỉ cần bất cẩn một chút thì tai nạn rất dễ xảy ra. Ngoài ra, ở khu vực gần Ga Trại Mát, do quán cà phê nằm sát đường tàu, nhiều người dân thường dựng xe máy sát rạt đường ray cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Thậm chí, một số người dân còn vô tư để vật liệu xây dựng cạnh hàng lang an toàn giao thông hay san gạt đất đồi tràn xuống ngay sát đường ray.
 
Để hạn chế các vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường sắt, thời gian tới Ga Đà Lạt sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp cùng Ban An toàn giao thông tỉnh, UBND TP Đà Lạt rà soát lại các lối đi tự mở và hành lang an toàn giao thông cũng như kiểm tra tình hình trật tự an toàn giao thông tại những lối đi tự mở để xóa bỏ. Tuy nhiên, trên thực tế với các giải pháp tuyên truyền lâu nay chưa thực sự hiệu quả, mới chỉ giải quyết phần “ngọn” thì việc tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lối đi ngang trái phép, các vi phạm về hành lang an toàn đường sắt tuyến Đà Lạt - Trại Mát thời gian tới sẽ còn rất nhiều khó khăn. 
 
C.PHONG