Nhu cầu sử dụng lớn, xử lý còn gặp nhiều vướng mắc

06:11, 08/11/2019

Người dân trên địa bàn tỉnh đang rục rịch bước vào mùa thu hoạch cà phê niên vụ năm 2019, nên xe công nông, xe cơ giới 3, 4 bánh có dấu hiệu hoạt động rầm rộ trở lại...

Người dân trên địa bàn tỉnh đang rục rịch bước vào mùa thu hoạch cà phê niên vụ năm 2019, nên xe công nông, xe cơ giới 3, 4 bánh có dấu hiệu hoạt động rầm rộ trở lại. Trong khi đó, cơ quan chức năng đang gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý đối với các loại xe máy kéo phục vụ nông nghiệp vì hầu hết đều thiếu an toàn khi tham gia giao thông.
 
Phục vụ vận chuyển sản xuất trong nông, lâm nghiệp nhưng xe công nông lưu thông tiềm ẩn nguy hiểm. Trong ảnh: Một xe công nông chạy trên Quốc lộ 20, đoạn qua địa bàn huyện Đức Trọng
Phục vụ vận chuyển sản xuất trong nông, lâm nghiệp nhưng xe công nông lưu thông tiềm ẩn nguy hiểm. Trong ảnh: Một xe công nông chạy trên Quốc lộ 20, đoạn qua địa bàn huyện Đức Trọng
 
Theo UBND tỉnh, thời gian qua vẫn còn nhiều phương tiện giao thông không đăng ký, kiểm định chất lượng, an toàn kỹ thuật theo quy định nhưng vẫn sử dụng để tham gia giao thông trên các tuyến đường của địa phương (đặc biệt là xe công nông, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh, xe hết niên hạn sử dụng), tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông rất cao. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn liên quan đến các phương tiện này. 
 
Tuy nhiên, trên thực tế tình hình xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh lưu thông trên các trục đường lớn trên địa bàn còn nhiều vấn đề nan giải. Qua ghi nhận trên Quốc lộ 20 và các tuyến đường tỉnh lộ ở một số huyện, những chiếc xe công nông, xe máy cày tự chế đã bị cấm lưu hành đang “tái xuất” ngày càng nhiều. Nguyên nhân chủ yếu người dân dùng xe công nông thời gian này nhằm phục vụ mùa cà phê, cây trồng chủ lực của tỉnh bắt đầu vào mùa thu hoạch. 
 
Sáng ngày 3/11, tại Ngã ba Tà Hine, huyện Đức Trọng, chỉ cần đứng quan sát khoảng 1 giờ đồng hồ, chúng tôi thấy cả chục lượt xe công nông, xe 3 bánh lưu thông qua đây. Xe chủ yếu chở người làm thuê trên thùng tới các vườn vào buổi sáng sớm và chở các loại nông sản đi lại tấp nập vào cuối giờ chiều.
 
Theo nhiều người dân, xe công nông, máy cày có gắn thùng kéo chở hàng, người dân các huyện chạy liên tục có từ cả chục năm nay. Bởi việc mua xe loại này phục vụ nhu cầu nông, lâm nghiệp có giá rẻ hơn nhiều lần các chủng loại xe tải, không cần bằng lái xe lại có thể chạy được vào nhiều ngõ ngách, đồi núi, đường nội đồng nhỏ hẹp nên đây là lựa chọn hàng đầu của người dân. Ngoài ra, với tính cơ động cao, người dân thường sử dụng để chạy chở phân, vật dụng nông nghiệp từ vườn về nhà và đầu kéo xe công nông, máy cày còn dùng kết hợp để xay cà phê, ngô và một số loại nông sản khác.
 
Sở Giao thông vận tải (GTVT) Lâm Đồng cho biết, để triển khai Chỉ thị 02/CT-UBND, Sở đã phối hợp với chính quyền các huyện, thành phố vận động chủ phương tiện ký cam kết không sử dụng công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, xe hết niên hạn... Từ tháng 5 tới nay đã phát hiện 87 trường hợp vi phạm. Trong đó chủ yếu là xử lý lỗi điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe, sử dụng phương tiện không được phép tham gia giao thông. 
 
Riêng đối với xe công nông, xe máy cày, xe 3, 4 bánh người dân vẫn còn vi phạm thường xuyên, đặc biệt là thực trạng tham gia giao thông khi không có lực lượng chức năng kiểm tra. Nguyên nhân cốt lõi theo Sở GTVT là các loại máy kéo nông, lâm nghiệp từ lâu đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân về sản xuất nông nghiệp, vận chuyển nông sản nhờ tính năng việt dã cao và chi phí đầu tư thấp. Vì vậy, việc cấm và hạn chế sử dụng luôn vấp phải sự phản đối quyết liệt, gây khó khăn cho lực lượng xử lý do đối tượng vi phạm là nông dân, người đồng bào dân tộc thiểu số…
 
Trong khi đó, mặc dù phần lớn người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe hạng A4 nhưng việc sát hạch, cấp bằng để bổ sung cho người dân rất khó khăn. Chủ yếu do trình độ học vấn, số lượng người dân tham gia ít, phân tán, đồng thời quy trình thi lấy bằng chặt chẽ, chấm điểm tự động nên việc thi lấy giấy phép lái xe đối với đối tượng này gần như “giậm chân tại chỗ”.
 
Thống kê từ cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh có khoảng 5.000 xe máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp. Con số này trên thực tế có thể còn cao hơn vì nhiều hộ dân không khai báo, đăng ký với chính quyền địa phương. Theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 về việc hỗ trợ thay thế xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3, 4 bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông, Sở GTVT tỉnh đã chi trả cho 644 trường hợp với tổng kinh phí 3,8 tỷ đồng, hỗ trợ mua xe thay thế 145 trường hợp và hỗ trợ chuyển đổi nghề 499 trường hợp với số tiền gần 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, với con số hàng nghìn xe trong diện đình chỉ tham gia giao thông như trên, việc hỗ trợ, chuyển đổi nghề như vậy còn khá khiêm tốn.
 
Một lãnh đạo Sở GTVT thông tin: Liên quan tới các vướng mắc, khó khăn trong triển khai Chỉ thị số 02 của UBND tỉnh, Sở GTVT mới đây đã gửi công văn đề nghị Bộ GTVT, Bộ Công an tái hướng dẫn cụ thể về kiểu loại và các trang thiết bị đảm bảo an toàn giao thông đối với các loại xe phục vụ canh tác nông, lâm nghiêp được kéo rơ moóc vận chuyển hàng hóa tham gia giao thông công cộng. Trong đó cần xác định rõ công suất tối đa của máy kéo nhỏ, đồng thời phân cấp cho Sở GTVT được thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quản lý chất lượng đối với việc sản xuất, lắp ráp rơ moóc có trọng tải dưới 1 tấn, và cho phép địa phương tổ chức sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 trên sân thực hành theo phương pháp thủ công (không sử dụng thiết bị chấm điểm tự động).
 
Như vậy, để các quy định, chỉ thị của Chính phủ đi vào đời sống, thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần phải tích cực tuyên truyền sâu rộng, đồng thời cần có giải pháp nhanh chóng thay thế hoặc nâng cấp phương tiện vận chuyển nông sản cho bà con, không để xe công nông, xe 3, 4 bánh phục vụ nhu cầu nông, lâm nghiệp trở thành mối nguy tiềm ẩn trên các tuyến đường trong những năm tới.
 
C.PHONG