Nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước bằng vốn ODA

08:10, 29/10/2019

Mạng lưới cấp nước xuống cấp, tỷ lệ thất thoát nước rất lớn… là thực trạng của mạng lưới cấp nước TP Bảo Lộc hiện nay...

Mạng lưới cấp nước xuống cấp, tỷ lệ thất thoát nước rất lớn… là thực trạng của mạng lưới cấp nước TP Bảo Lộc hiện nay. Thực trạng này đã khiến cho tỷ lệ thất thoát nước trên toàn hệ thống rất lớn, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và gây lãng phí nguồn tài nguyên nước. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch thấp do không có đường ống cấp nước. Ðiều này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cần nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước TP Bảo Lộc.
 
Sử dụng nguồn nước mặt từ hồ Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm) để cung cấp cho Nhà máy nước công suất 17.000 m3/ngày đêm tại Bảo Lộc từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Đan Mạch. Ảnh: Ð.Anh
Sử dụng nguồn nước mặt từ hồ Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm) để cung cấp cho Nhà máy nước công suất 17.000 m3/ngày đêm tại Bảo Lộc từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Đan Mạch. Ảnh: Ð.Anh
 
Sự cần thiết đầu tư dự án
 
Đến hiện tại, Dự án kiểm soát tỷ lệ thất thoát nước sạch, nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước TP Bảo Lộc bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Đan Mạch đang được các ngành liên quan lập báo cáo chủ trương đầu tư trình Chính phủ. Để đi đến giai đoạn này, các đơn vị chức năng của TP Bảo Lộc và tỉnh Lâm Đồng đã phải nỗ lực rất lớn. Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Cấp thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc cho biết: Hệ thống cấp nước của TP Bảo Lộc hiện đang đứng trước vấn đề chính là cung không đáp ứng được cầu. Nguyên nhân là do hệ thống cấp nước Bảo Lộc đã được hình thành từ trước năm 1975 nên mạng lưới đường ống cấp nước đã quá tải và xuống cấp trầm trọng. Do đó, quá trình sử dụng để xảy ra tình trạng bể vỡ và thất thoát nước thường xuyên với tỉ lệ trên 28%. Hệ thống mạng lưới cung cấp nước là mạng vòng dùng cho nước ngầm và hiện nay cũng như trong tương lai không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân. Nguồn nước khai thác dùng cho TP Bảo Lộc hiện nay là nguồn nước ngầm và nguồn nước mặt hồ Nam Phương với sản lượng cung cấp 9.500 m 3/ ngày đêm. Trong đó, nguồn nước mặt từ hồ Nam Phương chỉ mới tiếp nhận vào mạng lưới nước của thành phố từ đầu năm 2017 với sản lượng 2.200 m 3/ngày đêm, còn lại chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm từ 18 trạm bơm. Chính việc sử dụng nguồn cung cấp chủ yếu từ nước ngầm, nên không thể chủ động nâng công suất, mở rộng phát triển khách hàng. Mặt khác, theo đánh giá thì trữ lượng nước ngầm đang có chiều hướng sụt giảm trong những năm gần đây nên việc bổ sung nguồn nước mặt từ hồ Nam Phương là cần thiết, nhưng còn hạn chế, không thể nâng công suất tiếp nhận vì hệ thống mạng lưới đường ống được qui hoạch cho nước ngầm, không đáp ứng tiếp nhận nước mặt.
 
Trong điều kiện ngân sách vẫn còn nhiều khó khăn, việc đầu tư Dự án kiểm soát tỷ lệ thất thoát nước sạch, nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước TP Bảo Lộc bằng nguồn vốn vay ODA của Ðan Mạch là thực sự cần thiết. 
 
Ông Nguyễn Văn Triệu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc cho biết: Thành phố Bảo Lộc đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành đô thị loại 2. Do đó, đòi hỏi phải hoàn thiện các tiêu chí về quy mô dân số, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải… Trở thành đô thị loại 2 thì dân số TP Bảo Lộc cần phải tăng ít nhất khoảng 45.000 người, nâng tổng dân số toàn thành phố là 200.000 dân do nhu cầu về nguồn nước rất cao. Bên cạnh đó, các khu, cụm công nghiệp và một số nhà máy chế biến khu nông nghiệp công nghệ cao cũng cần một nguồn nước rất lớn. Chính những điều này, chưa tính toán đến bài toán kinh tế, nếu chỉ tính về vấn đề môi trường, xã hội thì dự án đã có lợi, góp phần đảm bảo về an ninh nguồn nước. 
 
Nỗ lực triển khai dự án
 
Dự án kiểm soát tỷ lệ thất thoát nước sạch, nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước TP Bảo Lộc gồm các hợp phần như kiểm soát tỷ lệ thất thoát nước, phát triển và mở rộng hệ thống cấp nước sạch cho TP Bảo Lộc, xây dựng nhà máy cấp nước với công suất 17.000 m 3/ngày đêm, nâng tổng công suất lên 22.000 m 3/ngày đêm. Dự án có tổng vốn đầu tư 19,863 triệu USD, tương đương với 451,8 tỷ đồng; trong đó, vốn vay ODA từ công cụ tài chính của Chính phủ Đan Mạch là 15,06 triệu USD, tương đương gần 75,8% tổng mức đầu tư, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh Lâm Đồng. Sau nhiều lần khảo sát, tính toán thì phương án tối ưu được lựa chọn là sử dụng nguồn nước mặt từ hồ Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm) để bơm về nhà máy được xây dựng tại phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc) xử lý, sau đó nước sạch sẽ đưa vào mạng truyền dẫn và mạng lưới đường ống đấu nối đến các hộ sử dụng. Nói về lý do phải đưa nước thô từ hồ Lộc Thắng về nhà máy tại Bảo Lộc để xử lý, ông Nguyễn Trọng Hiếu cho biết: Hồ Nam Phương theo định hướng là hồ đa chức năng (đảm bảo môi trường sinh thái, phục vụ phát triển du lịch xanh, bảo vệ môi trường, cung cấp nước sinh hoạt, điều tiết nước lũ đầu nguồn), trong khi đó, hồ Lộc Thắng có vị trí thuận lợi, trữ lượng nước dồi dào và chất lượng nước tốt, có thể kết nối với các hồ lân cận trong khu vực để nâng công suất, đáp ứng cho nhu cầu sử dụng nước trong tương lai theo qui hoạch cấp nước an toàn, đã được Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến thẩm định. Đây sẽ là nguồn cung cấp nước không chỉ cho TP Bảo Lộc mà còn là nguồn cung cấp nước cho cả huyện Bảo Lâm, đảm bảo lâu dài và bền vững. Do đó, việc sử dụng đồng thời nguồn nước hồ Lộc Thắng và hồ Nam Phương là phù hợp với quy hoạch và quy định về đảm bảo an toàn cấp nước (nguồn cung cấp khi xảy ra sự cố) cho TP Bảo Lộc và vùng phụ cận. 
 
Dự án kiểm soát tỷ lệ thất thoát nước sạch, nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước TP Bảo Lộc với hợp phần chính là cải tạo, thay thế, quy hoạch hệ thống đường ống, nhằm đảm bảo giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch, đảm bảo áp lực cung cấp nước và chuyển qua tiếp nhận nguồn nước mặt theo quy hoạch cấp nước trên địa bàn TP Bảo Lộc. Ngoài ra, dự án cũng góp phần mở rộng, nâng cấp hệ thống mạng lưới đường ống đảm bảo cho 110.000 dân thành phố được sử dụng nước sạch. Việc bổ sung nguồn nước từ hồ Lộc Thắng nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng khi mở rộng hệ thống đường ống, đảm bảo an toàn cấp nước theo quy hoạch cấp nước cho đô thị. Trong thời gian qua đã có một số bài báo do chưa tìm hiểu kỹ, lấy số liệu trong báo cáo chủ trương đầu tư chưa hoàn thiện theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nên các số liệu về doanh thu, lợi nhuận của dự án theo báo phản ánh là không chính xác. Do đó, việc khẳng định dự án không hiệu quả, không thu hồi được vốn đầu tư là không có cơ sở. 
 
Phản hồi thông tin từ một số bài báo về dự án này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi tổng biên tập các báo để có ý kiến về các nội dung liên quan và khẳng định về sự cần thiết đầu tư và thực hiện dự án, đính chính các nội dung, số liệu chưa chính xác. Bên cạnh đó, phương án tính toán về tài chính, khả năng trả nợ của dự án đều đảm bảo tính khả thi đã được Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và hồ sơ đã được UBND tỉnh Lâm Đồng bổ sung, hoàn thiện gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Chính phủ. 
 
Hiện nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đang chỉ đạo các sở, ngành và UBND TP Bảo Lộc, cũng như Công ty Cổ phần Cấp thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc chủ động, tích cực hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, cũng như các điều kiện để thực hiện dự án theo yêu cầu của nhà tài trợ vốn ODA.
 
ÐÔNG ANH