Phát triển thủy điện bền vững

06:12, 24/12/2019

(LĐ online) - Sông Mê Công với chiều dài 4.909 km, bắt nguồn từ vùng núi cao Thanh Hải (Trung Quốc) ở độ cao 5.224m, chảy qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) rồi qua các nước Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và đổ ra Biển Đông...

[links()]
(LĐ online) - Sông Mê Công với chiều dài 4.909 km, bắt nguồn từ vùng núi cao Thanh Hải (Trung Quốc) ở độ cao 5.224m, chảy qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) rồi qua các nước Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và đổ ra Biển Đông. Với diện tích lưu vực 795.000 km2, hàng năm sông Mê Công sinh ra tổng lượng dòng chảy khoảng 475 tỷ m3 với lưu lượng trung bình đạt 15.000 m3/s. Lượng nước phong phú kết hợp với thế năng lớn của dòng chảy đã tạo nên một lưu vực Mê Công có một tiềm năng về thủy điện rất lớn.
 
Đồng Bằng Sông Cửu Long hướng đến nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu. Ảnh: voh.vom.vn
Đồng Bằng Sông Cửu Long hướng đến nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu. Ảnh: voh.com.vn
 
Sáng kiến thủy điện bền vững
 
Từ nhiều thập niên trước, các nước có tiềm năng thủy điện trong vùng hạ lưu vực Mê Công đã tiến hành nghiên cứu và xây dựng các nhà máy thủy điện trên các dòng nhánh. Đến nay, các dự án thủy điện trên các dòng nhánh của sông Mê Công phát triển hết sức mạnh mẽ với 135 dự án (Lào chiếm 100 dự án); trong đó, 25 dự án đang vận hành, 13 dự án đang xây dựng và 23 dự án được cấp phép và 74 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu. Ở trên dòng chính, riêng phía Trung Quốc hiện có 4 nhà máy thủy điện lớn đang vận hành, đến năm 2020 sẽ có tổng cộng 8 nhà máy thủy điện lớn được đưa vào khai thác với tổng công suất 15.650 MW và hệ thống hồ chứa có tổng dung tích khoảng trên 40 tỷ m 3. Gần đây, đề xuất 11 dự án thủy điện đập dâng có công suất lớn trên dòng chính thuộc Thái Lan, Lào và Campuchia lại tiếp tục được đưa ra xem xét mà dự án gây tranh cãi Xayaburi là một trong số đó.
 
Mặc dù các dự án thủy điện đều được cho rằng sẽ có những tác động và ảnh hưởng tiêu cực tới các nước hạ lưu, đặc biệt là những ảnh hưởng đến dòng chảy, phù sa và dinh dưỡng, sản lượng thủy sản và sinh kế của người dân ven sông. Nhưng do lợi ích kinh tế nên việc phát triển thủy điện trên lưu vực sông Mê Công vẫn luôn hấp dẫn các nhà đầu tư cũng như chính phủ các nước trong việc khai thác nguồn năng lượng này.
 
Trước tình hình phát triển thủy điện ồ ạt trên lưu vực, nhằm đáp ứng được mục tiêu của Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê Công năm 1995 (Hiệp định Mê Công 1995), từ năm 2007-2008, Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) đã lập Sáng kiến thủy điện bền vững (ISH) với mục tiêu chính: "Hỗ trợ các nước thành viên trong việc quyết định phát triển và quản lý thủy điện trên cơ sở quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên toàn lưu vực, thông qua các cơ chế được thiết lập của MRC và các hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, phù hợp với Hiệp định Mê Công 1995".
 
Những đóng góp chính của ISH cho Việt Nam bao gồm: Một báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (SEA) về các đập thủy điện được đề xuất trên dòng chính hạ lưu vực Mê Công, bản SEA này đã chỉ ra rằng còn nhiều yếu tố không chắc chắn trong phát triển thủy điện dòng chính và đề nghị hoãn các quyết định về các đập thủy điện này trong 10 năm để nghiên cứu thêm. Cung cấp cho một số cơ quan liên quan một công cụ đánh giá nhanh tính bền vững của thủy điện. Công cụ này có thể được dùng như công cụ kiểm chứng cho các tiến trình đánh giá tác động môi trường và đánh giá môi trường chiến lược. Bước đầu chuẩn bị cho việc lập Cơ chế chia sẻ lợi ích của dự án thủy điện. Giúp tăng cường hợp tác với các quốc gia thượng lưu cũng như những lưu vực sông quốc tế khác đặc biệt về vấn đề thủy điện thông qua các chuyến đi thăm thủy điện tại Vân Nam, Trung Quốc và tại một số nước Mỹ La Tinh.
 
Trong thời gian tới, ISH tiếp tục tập trung vào các hoạt động: Tăng cường nhận thức và đối thoại về phát triển thủy điện bền vững, tiến hành xem xét tính bền vững của các dự án thủy điện ở lưu vực sông Mê Công; tăng cường năng lực kỹ thuật và cơ sở dữ liệu hỗ trợ đánh giá tính bền vững trong phát triển thủy điện; tăng cường ứng dụng công cụ phân tích và đánh giá tính bền vững trong lưu vực về phát triển thủy điện; tăng cường ứng dụng các cơ chế tài chính mới đặc biệt là Cơ chế chia sẻ lợi ích liên quan tới thủy điện ở hạ lưu vực Mê Công.
 
Đập Mạn Loan trên thượng nguồn sông Mekong
Đập Mạn Loan trên thượng nguồn sông Mekong
 
Chiến lược phát triển lưu vực
 
Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước được Hội đồng Uỷ hội phê chuẩn vào tháng 1/2011 thực hiện Chỉ đạo của các Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị cấp cao lần thứ nhất của Ủy hội sông Mê Công quốc tế tháng 4/2010 tại Hủa Hỉn, Thái Lan. Chiến lược là một dấu mốc hết sức quan trọng trong lịch sử hợp tác của Uỷ hội hướng tới phát triển và quản lý lưu vực sông Mê Công một cách bền vững. 
 
Kết quả chính của chương trình tập trung vào: Cải thiện quy trình quy hoạch phát triển lưu vực và cập nhật chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước; cập nhật đánh giá kinh tế - xã hội để hỗ trợ cho quy hoạch phát triển lưu vực và thực hiện các thủ tục của Ủy hội sông Mê Công quốc tế; thiết lập các thể chế phù hợp ở các quốc gia thành viên Ủy hội nhằm thực hiện chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước.
 
Ở lưu vực Mê Công, nông nghiệp với sự đa dạng trên toàn lưu vực kết hợp với đa dạng sinh học và các nguồn tài nguyên thủy sinh đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho hơn 70% người dân sống trong lưu vực trong đó có tới 24% sống dưới mức nghèo.
 
Với hơn 10 triệu ha diện tích trồng lúa trên toàn vùng hạ lưu vực Mê Công, nhiều quốc gia đã thực hiện canh tác từ 2 tới 3 vụ một năm và sản lượng trung bình đạt từ 1 tới 5 tấn/ha. Ở tất cả các quốc gia hạ lưu vực Mê Công, sản lượng lúa gạo đều tăng trung bình 3% mỗi năm kể từ đầu những năm 90 tới nay. Với sự gia tăng dân số trong lưu vực đồng thời do nhu cầu phát triển ngày càng tăng, sản xuất lúa gạo để vừa đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước (đối với Lào và Campuchia) vừa phục vụ xuất khẩu (đối với Thái Lan và Việt Nam) là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành nông nghiệp của tất cả các quốc gia và còn duy trì trong một vài thập kỷ tới. Và để đạt được mục tiêu này, sản xuất nông nghiệp có tưới được các quốc gia trong lưu vực hết sức quan tâm và đều có kế hoạch mở rộng diện tích tưới hoặc thâm canh tăng vụ. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp có tưới sử dụng tiêu hao một khối lượng lớn nước mặt (khoảng 42 triệu khối một năm), làm thay đổi chế độ dòng chảy (do thay đổi sử dụng đất), ảnh hưởng tới chất lượng nước (do phân bón, thuốc trừ sâu) … từ đó ảnh hưởng tới quản lý lưu vực. Chính vì vậy phát triển nông nghiệp có tưới một cách bền vững là vô cùng cần thiết và được Ủy hội sông Mê Công quốc tế hết sức quan tâm.
 
Chương trình Nông nghiệp và tưới của Ủy hội sông Mê Công quốc tế được xây dựng nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề về đất và nước trong ngành nông nghiệp của lưu vực nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp có tưới một cách bền vững vì an ninh lương thực và xóa đói giảm nghèo. Một số dự án lớn của Chương trình này có thể kể tới là Dự án Nghiên cứu tính đa chức năng của vùng trồng lúa và Dự án Nghiên cứu nâng cao hiệu quả tưới do Nhật Bản tài trợ. Các kết quả nghiên cứu của những dự án này đã giúp tăng cường năng lực của các cơ quan trong nước tham gia vào thực hiện dự án và nâng cao nhận thức của các nhà quản lý. 
 
Chương trình Nông nghiệp và tưới của Ủy hội sông Mê Công quốc tế trong những năm vừa qua đã tạo nhiều cơ hội tham gia cho các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và tưới của các quốc gia thành viên, đặc biệt là trong các dự án nghiên cứu thí điểm. Khuyến nghị từ các nghiên cứu thí điểm có giá trị thực tiễn và có thể nhân rộng. Chương trình cũng hỗ trợ tăng cường năng lực trong quản lý và vận hành công trình tưới, nâng cao hiệu quả tưới, quy hoạch phát triển nông nghiêp và tưới một cách bền vững.
 
LÊ DUNG (tổng hợp)