Tác động của các thủy điện trên dòng chính sông Mê Công

06:12, 25/12/2019

(LĐ online) - 11 dự án thủy điện đã được đề xuất xây dựng trên dòng chính sông Mê Công ở vùng hạ lưu vực gồm các quốc gia Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. 

[links()]
(LĐ online) - 11 dự án thủy điện đã được đề xuất xây dựng trên dòng chính sông Mê Công ở vùng hạ lưu vực gồm các quốc gia Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Việc xây dựng và vận hành các công trình thủy điện này sẽ gây các tác động bất lợi tiềm tàng trên diện rộng tới môi trường, kinh tế - xã hội tại các quốc gia ven sông, đặc biệt là quan ngại về tác động của bậc thang thủy điện dòng chính tới Campuchia và Việt Nam ở Châu thổ Mê Công. 
 
Chính phủ Việt Nam với sự tham gia của Chính phủ Lào và Campuchia đã tiến hành Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công (còn gọi là Nghiên cứu về vùng Châu thổ sông Mê Công, viết tắt là MDS). Mục tiêu chính của Nghiên cứu là đánh giá các biến động lên chế độ dòng chảy của việc xây dựng và vận hành bậc thang thủy điện dòng chính, và tác động do các thay đổi đó tới môi trường tự nhiên và con người ở Châu thổ Mê Công của Campuchia và Việt Nam. Mục tiêu này giúp đạt được mục tiêu lâu dài là bảo vệ Đồng bằng sông Cửu Long cùng các nguồn tài nguyên, các hệ thống kinh tế và tự nhiên để đảm bảo phúc lợi cho các cộng đồng người dân sống trong vùng đồng bằng thông qua các quyết định sử dụng và khai thác tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan dựa trên các nguồn thông tin đáng tin cậy và bằng chứng khoa học. 
 
Ảnh minh họa
Tác động của thủy điện trên dòng chính
Nhiều tác động bất lợi
 
Kết quả đánh giá cho thấy các bậc thang thủy điện dòng chính gây nhiều tác động bất lợi ở mức lớn tới nghiêm trọng tới nhiều lĩnh vực và môi trường ở Campuchia và Việt Nam, nếu không có các biện pháp giảm thiểu. Tác động bất lợi nghiêm trọng nhất chủ yếu do tác động tổng hợp của các đập ngăn sông và sụt giảm chất dinh dưỡng chứa trong phù sa bùn cát. Ở Việt Nam, tổn thất hàng năm trong thủy sản và nông nghiệp có thể tới 15.800 tỷ đồng (khoảng 760 triệu Đô la Mỹ). Đối với Campuchia, tổn thất do các tác động bất lợi trong thủy sản và sản xuất nông nghiệp có thể vượt quá 1.800 tỷ Riên (khoảng 450 triệu Đô la Mỹ). Như vậy, Việt Nam sẽ chịu các tác động nghiêm trọng trong các lĩnh vực thủy sản và đa dạng sinh học và sẽ phải chịu các tác động bất lợi do gia tăng xâm nhập mặn vùng ven biển. Đối với Campuchia, đa dạng sinh học sẽ chịu nhiều tác động bất lợi và sản lượng đánh bắt tự nhiên của thủy sản, ngành kinh tế quan trọng nhất, sẽ bị suy giảm mạnh. 
 
Nhìn chung, số đập xây dựng càng ít thì càng giảm tác động và càng giảm tính phụ thuộc vào số 11 đập thủy điện dòng chính dự kiến. Nghiên cứu cũng đã xem xét tác động của các đập thủy điện dòng chính đã xây dựng và dự kiến sẽ xây dựng vùng thượng nguồn sông Mê Công của Trung Quốc. Trong điều kiện nền của Nghiên cứu hiện đã có 6 công trình được xây dựng (tính tới năm 2012), bao gồm cả hai đập rất lớn là Tiểu Loan và Nộ Trác Độ. Các đập hiện có này đang gây tác động tới mực nước vùng hạ lưu vực sông Mê Công, và tác động này suy giảm dần về phía hạ du. Các đập này cũng lưu giữ lại ở Vân Nam hầu hết lượng phù sa bùn cát, gây sụt giảm mạnh tại lượng phù sa bùn cát cho vùng phía bắc Hạ lưu vực sông Mê Công. Xa về phía hạ du, tổn thất phù sa bùn cát này sẽ được bù đắp một phần bới hiện tượng xói lòng và bờ sông. 
 
Bậc thang thủy điện dòng chính sẽ gây các tác động bất lợi rất nghiêm trọng tới Châu thổ Mê Công do các tác động đồng thời của ảnh hưởng do rào cản trên sông, sụt giảm lượng phù sa bùn cát và dinh dưỡng, và gia tăng xâm nhập mặn. Sản lượng đánh bắt cá giảm khoảng 50% và khoảng 10% tổng số loài cá trong vùng sẽ mất. Hiện tượng một lượng lớn phù sa bùn cát lắng đọng trong các hồ chứa sẽ làm giảm khả năng phục hồi của đồng bằng, và làm cho đồng bằng trở nên dễ bị tổn thương trước các hiện tượng nước biển dâng, gia tăng xâm nhập mặn, gia tăng xói lở vùng ven biển. Sụt giảm lượng chất dinh dưỡng lắng đọng theo phù sa bùn cát sẽ làm giảm rất lớn năng suất sinh học của toàn đồng bằng. 
 
Phát triển thủy điện dòng chính ở Hạ lưu vực sông Mê Công, chưa tính có các biện pháp phòng tránh, có thể gây ra các tổn thất lâu dài và không thể phục hồi được đối với vùng đồng bằng ngập lũ và môi trường thủy sinh, và cũng làm suy giảm mạnh các điều kiện kinh tế xã hội của hàng triệu người dân trong vùng và tạo ra các gánh nặng về kinh tế xã hội lên các nền kinh tế địa phương và vùng. Bằng việc nhìn nhận Đồng bằng châu thổ sông Mê Công như là một hệ thống tài nguyên duy nhất và là di sản tầm quốc gia và quốc tế, bậc thang thủy điện dòng chính cũng sẽ làm thay đổi hoàn toàn và vĩnh viễn hệ thống thiên nhiên này dẫn tới tình trạng suy thoái tất cả các giá trị hiện có của Châu thổ. 
 
Duy trì sự phát triển bền vững
 
Phát triển thủy điện dòng chính đã bắt đầu trong vùng hạ lưu vực sông Mê Công (LMB). Việc xây dựng công trình thủy điện dòng chính trong LMB đầu tiên được tiến hành từ năm 2011, công trình nằm khoảng 30 km về phía đông của thị trấn Xay-nha-bu-li ở Bắc Lào và năm 2013 Chính phủ Lào công bố kế hoạch xây dựng đập dòng chính thứ hai, dự án thủy điện Đôn Sa-hông, trong khu vực Sì-phằn-đon ở Nam Lào. Các quốc gia LMB cũng đã có kế hoạch xây dựng 9 dự án thủy điện dòng chính khác với quy mô và công suất điện năng khác nhau và một số phương án chuyển nước trong vùng Hạ lưu vực sông Mê Công. Việc xây dựng và hoạt động của một hoặc tất cả các dự án đề xuất này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên phạm vi rộng lớn đối với kinh tế xã hội và môi trường ở tất cả bốn quốc gia trong vùng Hạ lưu vực sông Mê Công, đặc biệt các vùng đồng bằng ngập lũ ở hạ lưu thuộc Campuchia và Việt Nam. Nghiên cứu MDS đã xây dựng được một bộ các công cụ đánh giá tác động và thiết lập cơ sở khoa học giúp cho 4 quốc gia ở Hạ lưu vực sông Mê Công (Thái lan, Lào, Campuchia và Việt Nam) xem xét những dự án đề xuất xây dựng thủy điện trên dòng chính sông Mê Công bao gồm việc thay đổi qui hoạch, quy mô và thiết kế của các dự án nhằm đảm bảo phòng tránh hoặc giảm thiểu các tác động tiêu cực nghiêm trọng có thể xảy ra ở phía hạ lưu. Kết quả của Nghiên cứu sẽ là cơ sở cho sự hợp tác giữa các nước thành viên Ủy Hội sông Mê Công quốc tế (MRC) nhằm duy trì sự phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong Lưu vực sông Mê Công. 
 
Để giảm thiểu tác động của phát triển thủy điện ở hạ lưu vực sông Mê Công, cần nghiên cứu lại vị trí các đập dự kiến xây dựng và cân nhắc xem xét những phát triển thủy điêṇ trên cơ sở phương pháp tiếp cận rộng lớn về đảm bảo các dịch vụ hệ sinh thái. Các đập có thể điều chỉnh vị trí và quy mô khác nhau nhằm đạt được năng lực sản xuất điện cần thiết mà vẫn hạn chế được suy thoái môi trường và các tác động xã hội. Những địa điểm xây dựng hoặc quy mô thay thế đang được nghiên cứu bởi Viện Di sản thiên nhiên. Tuy nhiên, hiện tại chưa có lựa chọn thay thế cụ thể được xác định để có thể đưa ra một đánh giá chi tiết về sự suy giảm.
 
LÊ DUNG (tổng hợp)