Có dấu hiệu sai lệch hồ sơ cấp phép xây dựng tại công trình Khách sạn Diamon Hill Đà Lạt?

10:05, 07/05/2020

Chủ đầu tư lập hồ sơ làm biến động, chuyển mục đích sử dụng đất xin phép xây dựng theo đường hẻm, nhưng cơ quan hữu quan cấp phép xây dựng công trình theo mặt tiền đường quốc lộ, khiến dư luận bức xúc, cho rằng việc cấp phép trên là sai luật, gây thất thoát tiền thuế của Nhà nước…

[links()]
Chủ đầu tư lập hồ sơ làm biến động, chuyển mục đích sử dụng đất xin phép xây dựng theo đường hẻm, nhưng cơ quan hữu quan cấp phép xây dựng công trình theo mặt tiền đường quốc lộ, khiến dư luận bức xúc, cho rằng việc cấp phép trên là sai luật, gây thất thoát tiền thuế của Nhà nước…
 
Thửa đất 330, trước khi khởi công xây dựng công trình Khách sạn Diamon Hill.
Thửa đất 330, trước khi khởi công xây dựng công trình Khách sạn Diamon Hill.
 
Vụ việc xảy ra tại công trình Khách sạn Diamon Hill ở thửa đất 330, tờ bản đồ số 8 (Phường 10, TP Đà Lạt), do ông Trần Thanh Vân (SN 1955, ngụ Quận 3, TP HCM), làm chủ đầu tư. Đây là một trong những công trình nằm trong danh sách vi phạm trật tự xây dựng mà Báo Lâm Đồng đã đề cập trong bài “Nhiều công trình khách sạn tại Đà Lạt phạm luật”. Công trình vừa khởi công xây dựng đã nhận liền 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 30 triệu đồng về các hành vi xây dựng công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng (GPXD) và bản vẽ thiết kế đã được duyệt; xây dựng công trình vi phạm khoảng lùi lộ giới đường Khe Sanh (Quốc lộ 20B, đoạn qua Phường 10, TP Đà Lạt); đình chỉ thi công, buộc chủ đầu tư tháo dỡ phần công trình vi phạm trong vòng 10 ngày (kể từ ngày 25/2/2020, ngày lập biên bản vi phạm hành chính). 
 
Liên quan công trình Khách sạn Diamon Hill, ngày 17/4/2020, UBND TP Đà Lạt đã ban hành Quyết định số 1514/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ toàn bộ phần công trình vi phạm trật tự đô thị tại thửa đất 330, tờ bản đồ số 8 (Phường 10, TP Đà Lạt) đối với ông Trần Thanh Vân. Thời gian khắc phục trong vòng 10 ngày (kể từ ngày 22/4/2020, ngày tống đạt Quyết định 1514).
Ngay sau khi Báo Lâm Đồng phản ánh, người dân địa phương tiếp tục cung cấp hình ảnh, tài liệu minh chứng cho việc cấp phép xây dựng công trình Khách sạn Diamon Hill tại vị trí trên là phạm luật. Theo người dân, khu đất trên nguyên là một đồi thông bị một số người lấn chiếm, lấy đất làm nông nghệp - trồng cây lâu năm, đến năm 2011 tự ý dựng một căn nhà gỗ trái phép trên khu đất vẫn còn thông, sau đó sang nhượng quyền sử dựng nhà, đất cho ông Trần Thanh Vân. Cũng theo người dân, năm 2019, Nhà nước cấp phép cho ông Vân chặt hạ thông, xẻ núi để xây dựng công trình đã đành, nhưng cấp phép xây dựng công trình theo mặt tiền đường quốc lộ nhất định là có vấn đề. Ông N.Q (người dân địa phương) bức xúc cho rằng: “Trên cấp phép, dưới phù phép để đốn hạ thông, múc núi xây khách sạn là coi thường pháp luật”. 
 
Trao đổi vụ việc với người có trách nhiệm của cơ quan cấp GPXD cho công trình Khách sạn Diamon Hill và được một cán bộ của Sở Xây dựng khẳng định việc cấp GPXD cho công trình là hoàn toàn phù hợp. Theo đó, thời điểm tháng 8/2019, chủ đầu tư đã nộp hồ sơ lần 1, bộ phận cấp phép xây dựng Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra hiện trạng theo hồ sơ trình cấp GPXD. Qua kiểm tra thì địa hình theo hồ sơ cấp phép (phía thửa đất cao hơn đường khoảng 2 m) chưa phù hợp với thực tế, công trình hợp khối và có hình thức kiến trúc mái chưa phù hợp với cảnh quan khu vực nên đã tiến hành trả hồ sơ (tại Văn bản số 1234/SXD-QHKT ngày 7/8/2019 của Sở Xây dựng). Tiếp đó, hồ sơ đề nghị cấp GPXD lần 2, được chủ đầu tư và đơn vị tư vấn điều chỉnh lại theo địa hình khu đất được chủ đầu tư khảo sát, cung cấp (phía sau chênh cao hơn 8 m so với nền đường Khe Sanh). Do đó, Sở Xây dựng cấp GPXD số 133/GPXD ngày 2/10/2019 cho ông Trần Thanh Vân, xây dựng công trình Khách sạn Diamon Hill, quy mô 3 tầng (1 trệt 2 lầu, chưa bao gồm 1 tầng bán hầm do chênh lệch địa hình; tổng diện tích sàn xây dựng 1.803 m 2). 
 
Chủ đầu tư được cấp phép xẻ núi xây khách sạn.
Chủ đầu tư được cấp phép xẻ núi xây khách sạn.
 
Cũng theo cán bộ Sở Xây dựng, việc cấp phép xây dựng công trình là phù hợp với quy hoạch xây dựng theo Quyết định 704 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Quyết định 36/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng; Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy CNQSDĐ) và Quyết định chuyển mục đích sử dụng đất do UBND TP Đà Lạt cấp, ban hành (Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BK 743330 cấp ngày 11/6/2012). Công trình chia làm 3 khối đảm bảo cảnh quan khu vực. 
 
Giải thích là vậy, tuy nhiên theo hồ sơ mà chúng tôi có được, trong đó nhiều nội dung chứng minh phản ánh của người dân là có cơ sở. Tại các văn bản của cơ quan Thuế và Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) TP Đà Lạt ban hành vào tháng 1/2018, đều thể hiện thửa đất số 330, tờ bản đồ số 8, thuộc đường hẻm Khe Sanh (Phường 10, TP Đà Lạt). Đáng chú ý, tại Văn bản số 95/TTr-TNMT ngày 22/1/2018 của Phòng TN&MT TP Đà Lạt trình thành phố đề nghị chấp thuận cho phép điều chỉnh vị trí đất ở và chuyển mục đích sử dụng đất bổ sung sang đất ở của ông Trần Thanh Vân tại vị trí trên, thể hiện rõ thửa đất có tổng diện tích hơn 1.942 m 2, bao gồm đất ở là gần 313 m 2 và đất trồng cây lâu năm là 1.630 m 2, thời gian sử dụng đến tháng 10/2043. 
 
Cũng theo nội dung văn bản này, phần diện tích đất ở đã có là 312,94 m 2 nay xin điều chỉnh vị trí, ranh giới sử dụng; phần đất xin chuyển mục đích sử dụng bổ sung sang đất ở có diện tích là 1.156,62 m 2, tổng diện tích đất ở sau khi được điều chỉnh vị trí, ranh giới và chuyển mục đích sử dụng bổ sung là 1.469,56 m 2. Trong đó, giới cận: Đông giáp đất Chùa Bảo Quang (thuộc thửa 346); Tây giáp các thửa đất số 327, 326; Nam giáp phần đất nông nghiệp còn lại thuộc thửa 330; Bắc giáp thửa 738 và một phần giáp đất bà Hồng. Theo Quy hoạch 704, khu đất trên thuộc diện quy hoạch đất ở mật độ thấp. 
 
Tương tự, tại phiếu chuyển thông tin xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của Phòng TN&MT TP Đà Lạt ngày 26/1/2018, cũng xác định ông Trần Thanh Vân cần xác định nghĩa vụ tài chính: Chuyển mục đích sử dụng sang đất ở thửa đất 330, tờ bản đồ số 8, địa chỉ tại hẻm đường Khe Sanh (vị trí bảng giá đất từ Hùng Vương đến Chùa Tàu, Phường 10, TP Đà Lạt), vị trí thửa đất hẻm đường Khe Sanh cự ly từ 0 đến 100 m, hẻm cấp B, bằng với vị trí mặt đường hẻm, chiều rộng hẻm từ 3 đến 5 m. Thông báo nộp tiền sử dụng đất của Chi cục Thuế Đà Lạt ngày 29/1/2018, cũng ghi rõ khu đất chuyển mục đích thuộc đường hẻm Khe Sanh (Phường 10, TP Đà Lạt). 
 
Gần đây nhất, kết quả kiểm tra, xác minh của cơ quan chức năng TP Đà Lạt vào ngày 10/3/2020, cho thấy tại thời điểm kiểm tra, thửa đất trên chỉ có đi lại theo đường hẻm Khe Sanh, thuộc vị trí, cự ly 100 m vào đến thửa đất, do đó việc cung cấp thông tin địa chính và xác định nghĩa vụ tài chính là đúng theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay ông Trần Thanh Vân được Sở Xây dựng cấp phép xây dựng công trình dân dụng (công trình cấp 3) Khách sạn Diamon Hill, trong đó cho phép xây dựng với cốt nền công trình theo mặt đường Khe Sanh (Quốc lộ 20 B, đoạn qua Phường 10, TP Đà Lạt). Ông Trần Thanh Vân còn tự ý mở lối đi từ công trình ra đường Khe Sanh hiện hữu - Quốc lộ 20B.
 
Theo chuyên gia pháp lý (xin không nêu tên), từ các chứng cứ trên cho thấy rất có thể chủ đầu tư công trình Khách sạn Diamon Hill đã “chạy chính sách” để hạ mức thuế phải đóng và tăng khối tích cho công trình. Vì nếu vị trí khu đất 2 mặt tiền thì phải lấy mức thuế của trục đường chính (tính hệ số trung bình), để áp thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhưng đây là chuyển mục đích vào đường hẻm cho rẻ tiền, nhưng xây dựng thì phình ra mặt tiền chính để tăng chỉ tiêu số tầng cao công trình (1 trệt 2 lầu), còn trong đường hẻm chỉ tiêu bị hạn chế (chỉ được 1 trệt, một lầu). Cũng theo chuyên gia này, vấn đề ở đây không chỉ gây thất thoát thuế cho Nhà nước mà còn để lại nhiều hệ lụy trong vấn đề trật tự xây dựng cho đô thị Đà Lạt.
 
THỤY TRANG