Đổi thay từ gốc

05:07, 30/07/2020

Sau 3 năm thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số", xã Đa Quyn (huyện Đức Trọng) đã giảm từ 25 cặp tảo hôn (năm 2017) xuống còn 3 cặp (cuối năm 2019). 

Sau 3 năm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, xã Đa Quyn (huyện Đức Trọng) đã giảm từ 25 cặp tảo hôn (năm 2017) xuống còn 3 cặp (cuối năm 2019). 
 
Từ chính những trường hợp thực tế ngay cạnh mình, chị K’Nguyệt hiểu rằng tảo hôn mang lại nhiều hậu quả nặng nề
Từ chính những trường hợp thực tế ngay cạnh mình, chị K’Nguyệt hiểu rằng tảo hôn mang lại nhiều hậu quả nặng nề
 
Đa Quyn là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đức Trọng, với hơn 90% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, trình độ văn hóa, nhận thức của bà con nơi đây vẫn còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, các phong tục tập quán lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại, gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực, đồng thời kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Giai đoạn 2015 - 2016, trên địa bàn xã Đa Quyn có đến 33 trường hợp tảo hôn và 2 cặp hôn nhân cận huyết thống. “Một phần nguyên nhân nữa là do công tác thông tin, tuyên truyền những năm trước đây chưa thực sự hiệu quả, chưa làm thay đổi được nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái, với cộng đồng,...” - ông Ya Tân, Chủ tịch UBND xã Đa Quyn khẳng định.
 
Năm 2017, xã Đa Quyn là 1 trong 4 xã được Ban Dân tộc tỉnh chọn thực hiện mô hình điểm về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS bằng việc triển khai các nội dung tuyên truyền, vận động và can thiệp, phù hợp với các yếu tố về văn hóa, giới, lứa tuổi và dân tộc. Đến nay, đề án đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho hơn 3.000 lượt người dân là đồng bào DTTS và 672 lượt học sinh THCS, lắp đặt 2 pa nô tuyên truyền, phát 1.500 tờ rơi cho người dân.
 
Theo ông Ya Tân, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã tồn tại lâu đời trong vùng đồng bào DTTS. Để thay đổi một phong tục tập quán không phải là chuyện một sớm một chiều mà cần có thời gian vận động, trên tinh thần giảm dần qua các năm và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn. “Tuyên truyền là biện pháp quan trọng nhất, được chính quyền lồng ghép trong mọi cuộc họp. Việc tuyên truyền phải được đưa xuống từng cụm dân cư, từng hộ gia đình. Trình độ và nhận thức của bà con còn hạn chế, thì chúng tôi phải tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Nói chậm để bà con hiểu, nói nhiều để bà con nhớ” - Chủ tịch UBND xã chia sẻ.
 
Nhờ sự kiên trì, vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà nhận thức của cán bộ, Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS tại xã Đa Quyn được nâng lên rõ rệt. Ý thức chấp hành pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, từ đó từng bước ngăn ngừa, giảm dần tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong 6 tháng đầu năm 2020, xã Đa Quyn chỉ xảy ra một trường hợp tảo hôn, không xảy ra trường hợp hôn nhân cận huyết thống. 
 
Tại thôn Chơ Ré, chị Ka Să K’Uy - Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Việc tuyên truyền được chị lồng ghép ngay cả trong đời sống hàng ngày, trong những cuộc gặp gỡ, chia sẻ, tâm sự với người dân. Những trường hợp trong thực tế được chị đưa ra làm minh chứng cụ thể để bà con thấy rõ tác hại của việc tảo hôn. Chị chia sẻ: “Trước đây, các phụ huynh thường có tư tưởng thích gả con sớm để có người lao động phụ giúp trong nhà. Sau này, họ thấy được nhiều trường hợp con cái vì lập gia đình quá sớm mà việc chăm sóc gia đình, chăm sóc con cái không được đến nơi đến chốn nên không ít cặp vợ chồng trẻ hay xảy ra mâu thuẫn, rồi ly hôn, giao con cái cho ông bà nuôi... Từ thực tế đó mà bà con dần đã thay đổi suy nghĩ, hành vi của mình”.
 
Sự thay đổi đó có thể thấy được trong cuộc trò chuyện với chị Ka Să K’Nguyệt (37 tuổi, thôn Chơ Ré). Trong ngôi nhà dù đơn sơ nhưng gọn gàng, chị K’Nguyệt kể rằng cô con gái đầu năm nay 16 tuổi, dẫu đã nghỉ học để đi làm, nhưng chị không cho, cũng không ép lấy chồng sớm. Vì bản thân chị đến năm 19 tuổi mới lấy chồng mà vẫn thấy mình lúc đó chưa đủ trưởng thành, chín chắn để chu toàn việc làm vợ, làm mẹ. Trong mỗi nếp nhà Chu Ru, sự đổi thay trong nhận thức, hành vi của người phụ nữ, chính là sự đổi thay từ “gốc” của mỗi gia đình.
 
Chủ tịch UBND xã Ya Tân cho biết, trong thời gian tới, xã Đa Quyn tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đặc biệt đề cao và phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, trưởng thôn, người uy tín trong vùng đồng bào DTTS. 
 
Xã Đa Quyn bây giờ, điện, đường, trường, trạm; bà con có điều kiện xem truyền hình, truyền thanh nhiều hơn trước; học sinh được học hành đầy đủ, thuận lợi. Cùng với sự phát triển của đời sống vật chất và tinh thần, nhận thức của bà con cũng dần được thay đổi và sẽ là cái “gốc” vững vàng để Đa Quyn tiếp tục con đường xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tồn tại bao đời nay.
 
VIỆT QUỲNH