Một năm hoàn thành mục tiêu phát triển thủy lợi

06:11, 30/11/2020

Năm 2020 với những dự án đầu tư phát triển các công trình thủy lợi cùng hệ thống ao, hồ nhỏ và áp dụng các biện pháp công nghệ tưới tiên tiến, đã tạo thuận lợi cho các loại cây trồng trên các vùng nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục phát triển mạnh mẽ...

Năm 2020 với những dự án đầu tư phát triển các công trình thủy lợi cùng hệ thống ao, hồ nhỏ và áp dụng các biện pháp công nghệ tưới tiên tiến, đã tạo thuận lợi cho các loại cây trồng trên các vùng nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sản phẩm thu hoạch đạt năng suất và chất lượng cao, góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.
 
Công trình gia cố mái đập đất bờ hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) đã và đang triển khai thi công xây dựng, tiến độ giải ngân đến 31/12/2020 ước đạt 100% kế hoạch vốn được giao
Công trình gia cố mái đập đất bờ hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) đã và đang triển khai thi công xây dựng, tiến độ giải ngân đến 31/12/2020 ước đạt 100% kế hoạch vốn được giao
 
65% diện tích cây trồng chủ động nguồn tưới tiêu
 
Năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng được giao làm chủ đầu tư 23 công trình, dự án thủy lợi với tổng kinh phí hơn 570 tỷ đồng. Trong đó, gồm 11 công trình sử dụng ngân sách tỉnh Lâm Đồng (30 tỷ đồng), 3 công trình vốn thủy lợi Trung ương (gần 280 tỷ đồng), 4 công trình cấp bách vốn dự phòng ngân sách Trung ương (29 tỷ đồng), 4 dự án ODA (hơn 221 tỷ đồng) và 1 công trình hỗ trợ cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn chương trình nông thôn mới (10 tỷ đồng). 
 
Kết quả đến nay, công trình hồ chứa nước Đạ Sị (Cát Tiên) đã thực hiện khoảng 65% khối lượng công trình đầu mối. Hiện các nhà thầu đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành, bàn giao đưa công trình vào sử dụng theo đúng kế hoạch vào quý I/2021. Hoặc công trình gia cố mái đập đất bờ hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) đã và đang triển khai thi công xây dựng, đạt tiến độ giải ngân đến đầu tháng 11/2020 hơn 43%, tương đương với 690 triệu đồng trên tổng số nguồn vốn đầu tư 1,6 tỷ đồng. Ước giải ngân đến 31/12/2020 đạt 100% kế hoạch vốn được giao. Ngoài ra, các dự án thủy lợi khác cũng ước đạt tỷ lệ giải ngân 100% vào ngày 31/12/2020 như: sửa chữa và nâng cao an toàn các hồ đập trên địa bàn (gần 54 tỷ đồng), nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (gần 25,5 tỷ đồng)… 
 
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 432 công trình thủy lợi (48 công trình cấp tỉnh quản lý; 384 công trình cấp huyện quản lý). 
 
Cụ thể, gồm 222 hồ chứa; 87 đập dâng; 19 trạm bơm; 12 kênh mương dài khoảng 1.200 km; 92 đập tạm. “Hệ thống công trình thủy lợi Lâm Đồng đã chủ động cấp nước tưới cho khoảng 45.649 ha đất canh tác, tương đương khoảng 60.014 ha đất gieo trồng. Tỷ lệ các loại cây trồng được tưới năm 2020 ước đạt 65% diện tích; trong đó có khoảng 38.500 ha được tưới bằng các biện pháp tiên tiến tiết kiệm. Toàn bộ các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng về cơ bản đảm bảo tuân thủ các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ. Trong đó, 57 công trình đã kê khai đăng ký an toàn đập, hồ chứa nước; 37 công trình đã lập, điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành hồ chứa và 2 công trình đã lập quy trình vận hành cửa van...”, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng. 
 
Đập hồ Tuyền Lâm - một công trình thủy lợi trọng điểm của Lâm Đồng. Ảnh: Văn Báu
Đập hồ Tuyền Lâm - một công trình thủy lợi trọng điểm của Lâm Đồng. Ảnh: Văn Báu
 
Còn khoảng 17,2% diện tích có giá trị thu nhập dưới 50 triệu đồng/ha/năm 
 
Cùng với việc thường xuyên nâng cấp, đảm bảo năng lực hoạt động của các công trình thủy lợi nêu trên, trong năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện chuyển đổi 16.716 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây phù hợp với điều kiện tưới tiêu hàng năm, đạt giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó chuyển đổi đất trồng lúa 2.705 ha; chuyển đổi đất trồng cây điều 1.884 ha; tái canh, ghép cải tạo cà phê 7.689 ha; chuyển đổi cây trồng khác 4.438 ha. 
 
Đặc biệt, đến nay, trên các vùng nông nghiệp Lâm Đồng đạt tổng diện tích 83.270 ha cây trồng sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C… với hệ thống tưới tiêu hiện đại, tiết kiệm gồm: cà phê (80.114  ha), cây ăn quả (hơn 585ha), rau các loại (gần 2.088 ha), chè (304 ha), lúa (gần 120 ha), dược liệu (gần 46 ha), tiêu (3 ha). So với năm 2019, diện tích đạt các chứng nhận này tăng gần 868 ha rau, 350 ha cây ăn quả, 4.511 ha cà phê... 
 
Kết quả, toàn tỉnh Lâm Đồng đã đạt mục tiêu giảm 6.069 ha diện tích đất canh tác kém hiệu quả, đưa diện tích canh tác có giá trị thu nhập dưới 50 triệu đồng/ha/năm còn khoảng 55.831 ha, chiếm 18,6% tổng diện tích. Đồng thời, trong mục tiêu đạt được 65% diện tích chủ động tưới tiêu, trong đó bao gồm 45.649 ha diện tích tưới tiêu từ các công trình thủy lợi tập trung; 12.000 ha tưới tiêu từ công trình nhỏ, thủy lợi nội đồng…
 
Căn cứ kết quả phát triển thủy lợi trong năm 2020, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đang đề ra kế hoạch trong năm 2021 tiếp tục chuyển đổi, cải tạo 18.000 ha đất sản xuất kém hiệu quả, trong đó 6.400 ha cà phê già cỗi, đưa diện tích có giá trị thu nhập dưới 50 triệu đồng/ha/năm còn khoảng 51.800 ha, chiếm 17,2% tổng diện tích canh tác. Đồng thời đạt mục tiêu 46.500 ha diện tích sản xuất được tưới từ công trình thủy lợi; 39.000 ha diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm. Những giải pháp trọng tâm để đạt mục tiêu này gồm: Tập trung rà soát, đánh giá điều chỉnh nhiệm vụ công trình thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng kế hoạch nâng cấp sửa chữa các công trình thủy lợi xuống cấp, hoạt động không đúng theo năng lực thiết kế, đặc biệt đối với các hồ chứa có nguy cơ gây mất an toàn. Củng cố, tăng cường tổ chức và đổi mới phương thức quản lý khai thác công trình thủy lợi. Tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị quản lý khai thác theo dõi, kiểm tra và chỉ đạo về tình hình các công trình thủy lợi; xây dựng kế hoạch, điều chỉnh mùa vụ, điều tiết nước, chủ động phòng chống hạn hán, đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất cho từng đối tượng cây trồng phù hợp…
 
VĂN VIỆT