Nhiều khó khăn trong tổ chức triển khai cứu nạn, cứu hộ dưới nước

04:01, 11/01/2021

Lâm Đồng là tỉnh có nhiều sông, hồ, đập chứa nước phân bố rộng khắp; cũng là địa phương có địa hình với độ dốc cao, lòng sông, lòng suối không bằng phẳng nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn,...

Lâm Đồng là tỉnh có nhiều sông, hồ, đập chứa nước phân bố rộng khắp; cũng là địa phương có địa hình với độ dốc cao, lòng sông, lòng suối không bằng phẳng nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, đặc biệt là tai nạn sự cố đuối nước trong mùa mưa bão. 
 
Chiến sỹ PCCC và CNCH tham gia cứu hộ dưới nước.
Chiến sỹ PCCC và CNCH tham gia cứu hộ dưới nước.
 
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, năm 2020, toàn tỉnh có tới 19 người chết do đuối nước. Chính vì vậy, công tác tổ chức triển khai cứu nạn, cứu hộ dưới nước luôn là một trong những nhiệm vụ được lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm, chú trọng. 
 
Trao đổi với tôi, Thiếu tá Nguyễn Hùng Vinh - Đội trưởng Đội PCCC và CNCH cho biết: CNCH là công tác đặc thù và nguy hiểm, đòi hỏi người cán bộ, chiến sỹ (CB-CS) không chỉ có sức khỏe tốt mà còn phải có kinh nghiệm, để không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà còn phải đảm bảo an toàn cho bản thân trong khi thực hiện nhiệm vụ. Với tinh thần quyết tìm cái còn trong cái mất, Đội PCCC và CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng luôn chủ động làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng theo đúng quan điểm 5 bước là: nắm, quan tâm, động viên, định hướng và giải quyết tư tưởng cho CB-CS ngay từ ban đầu và thực hiện thường xuyên liên tục, đồng thời duy trì công tác huấn luyện với nội dung cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó, giúp CBCS an tâm công tác, tinh thông về nghiệp vụ, giỏi về chuyên môn và không ngừng cải thiện, nâng cao kỹ năng, rèn luyện sức khỏe dẻo dai. Công tác huấn luyện cũng thường xuyên được thực hiện từ dễ đến khó, từ cơ bản đến nâng cao, giúp CB-CS nắm vững các thao tác cũng như chiến, kỹ thuật nhất là công tác lặn (vì lặn rất nguy hiểm, khi xuống nước gần như người mù, không nhìn thấy gì do dòng nước đục). 
 
Tuy nhiên, cũng theo Thiếu tá Nguyễn Hùng Vinh, khi thực hiện những nhiệm vụ CNCH vẫn còn một số yếu tố khách quan khiến công tác CNCH gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy được hết hiệu quả. Trong đó phải kể đến việc tuyên truyền về tai nạn đuối nước cho đối tượng học sinh chưa thật sự hiệu quả. Một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là trong thực hiện các biện pháp an toàn vào mùa mưa. Công tác CNCH còn manh mún, chưa chuyên nghiệp, đặc biệt là ở các địa phương vùng nông thôn.
 
Chỉ tính riêng trong năm 2020, Đội công tác PCCC và CNCH đã trực tiếp tham gia 18 vụ CNCH, trong đó có 12 vụ tai nạn đuối nước, xuất 29 lượt xe, 10 lượt cano cùng 147 lượt CB-CS tham gia CNCH, cứu sống 10 người bị tai nạn, sự cố đuối nước; tìm kiếm và vớt 19 thi thể bàn giao cho lực lượng chức năng và gia đình. 
 
Lâm Đồng là tỉnh Tây Nguyên, địa hình sông suối không bằng phẳng, nên khi thực hiện công tác CNCH dưới nước, các chiến sỹ CNCH luôn phải đối mặt với rất nhiều các mối nguy hiểm như phải đối mặt với dòng nước lạnh giá, dòng nước chảy xiết, nhiệt độ thấp, mực nước sâu với áp suất cao, có khả năng bị thương do các vật sắc nhọn dưới lòng sông, hồ gây ra, tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. 
 
Để giảm thiểu các vụ tai nạn đuối nước và triển khai công tác CNCH khi có tai nạn đuối nước xảy ra được nhanh chóng, hiệu quả, cần sự chủ động vào cuộc của các cấp ngành, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, tập huấn, xây dựng lực lượng đội ngũ cộng tác viên CNCH và tổ chức phương án CNCH nghiệp vụ cho lực lượng tại chỗ. Song song đó, cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, huấn luyện về kỹ năng phòng, chống đuối nước cho các em học sinh. Tăng cường công tác tuyên truyền tới mọi người dân, tới các doanh nghiệp, chủ phương tiện tàu, thuyền khi tham gia lưu thông trên sông, hồ nhằm nâng cao ý thức cảnh giác đối với tai nạn đuối nước. Khi tổ chức công tác kiểm tra, cần kết hợp hướng dẫn các chủ phương tiện, người dân thực hiện các quy định của pháp luật về CNCH, tổ chức thực tập phương án CNCH , nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng CNCH tại chỗ.
 
Chính quyền các cấp, các ngành, các cơ sở cũng cần làm tốt công tác bốn tại chỗ, trong đó tập trung xây dựng mạng lưới cộng tác viên CNCH là những người dân địa phương mưu sinh trên sông nước để huy động hỗ trợ khi cần thiết. 
 
Các địa phương cần quan tâm lắp đặt biển cấm, biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực có khả năng xảy ra tai nạn sự cố đuối nước. Quan tâm việc bổ sung phương tiện, vật tư, kinh phí phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão, CNCH phù hợp với đặc điểm địa lý, khí hậu của từng địa bàn.
 
NGUYỄN NGHĨA