Chuyện làng tằm B'nong Rết

05:03, 29/03/2022
B’nong Rết, tổ dân phố đơn sơ thuộc địa bàn thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà đang giữa những ngày vui cuối tháng 3/2022. Giá kén cao, ổn định suốt một thời gian dài đã giúp người B’nong Rết có ăn có mặc, đảm bảo chi tiêu trong gia đình. Hôm nay, trồng dâu nuôi tằm đã trở thành nghề chính của bà con B’nong Rết.
 
Bà K’Nhét kiểm tra giàn tằm tuổi 6
Bà K’Nhét kiểm tra giàn tằm tuổi 6
 
Gia đình bà K’Nhét, tổ dân phố B’nong Rết đang vui mừng chuẩn bị bóc kén. Lứa tằm này của gia đình bà phát triển tốt. Nghe thông tin kén giá cao, bà K’Nhét đang vui sướng tính toán thu nhập cho lứa tằm đang lên né chín đều. Trong nhà, bà vẫn còn lứa tằm tuổi ăn sáu cũng đang chuẩn bị lên né. Với mức giá kén như hiện tại, gia đình bà K’Nhét có thu nhập xấp xỉ 15 triệu đồng/tháng. Bà bảo, con cái đi làm hết, ở nhà chỉ có 2 ông bà với mấy đứa cháu nhỏ. Làm cà phê với trồng bắp vừa vất vả, thu nhập lại không cao, hai ông bà chuyển 3 sào bắp sang trồng dâu nuôi tằm. Đã nhiều năm qua, 3 sào dâu và mấy chiếc giàn sắt nuôi tằm đã cho thu nhập đủ sinh hoạt trong gia đình. Bà K’Nhét chia sẻ: “Nhà có 2 ông bà nên nuôi mỗi tháng 1 đến 1 hộp rưỡi tằm, nuôi gối đầu, cứ hết lứa này lại nuôi lứa khác. Giá kén nói chung mấy năm nay cao nên bán kén cũng đủ tiền gạo, tiền mắm, tiền trẻ con học hành khám bệnh”. Nhà bà K’Nhét là một nông hộ điển hình trong tổ dân phố B’nong Rết, vừa chăm cà phê, vừa nuôi tằm phát triển kinh tế gia đình. 
 
Ông Trần Văn Quang, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ dân phố B’nong Rết, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà chia sẻ, B’nong Rết vốn là nơi cư trú của bà con người bản địa K’Ho. Tổ có gần 400 gia đình thì hầu hết bà con đều trồng dâu nuôi tằm bên cạnh hai cây trồng truyền thống là cà phê và cây bắp. Ông Quang cho biết, người K’Ho vốn không có nghề nuôi tằm. Nhưng nhìn xung quanh nghề trồng dâu nuôi tằm của bà con người Kinh, vậy là bà con K’Ho cũng học hỏi theo. Trên thị trấn cũng như ngành Nông nghiệp huyện đều hỗ trợ bà con chuyển đổi đất cà phê, đất bắp kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Giống dâu cũng không phải mua, nhờ các bà con khác chia sẻ giống. Cây dâu chỉ 3 tháng xuống giống là có thể cho hái lứa đầu, tằm chỉ 15 - 17 ngày/ lứa kén nên bà con B’nong Rết rất nhiệt tình nuôi tằm. Ông Quang cho biết: “Tổ B’nong Rết nói chung phải có đến 50% số hộ là có trồng dâu nuôi tằm. Hiện giờ, kỹ thuật nuôi của bà con rất tốt, dâu thì trồng giống cao sản, tằm con mang về nuôi trên giàn sắt, vừa sạch, vừa bớt công chăm sóc. Cả tổ dân phố đời sống đi lên là nhờ cây dâu con tằm”. 
 
Không chỉ nuôi tằm, nhiều nông hộ còn chọn nghề trồng dâu bán lá. Gia đình Ha Sen cả nhà đều đi làm, ít có thời gia ở nhà chăm tằm. Vì vậy, anh chuyển sang trồng 5 sào dâu chủ yếu để bán lá. Giá mỗi ký dâu cành là 8 ngàn đồng, dâu lá 12 ngàn đồng, mỗi tháng, gia đình Ha Sen có thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng với thời gian cắt dâu rất nhanh gọn. Gia đình trồng giống S7- CB siêu cao sản. Theo anh, nhiều hộ nuôi tằm với sản lượng lớn, nhất là những hộ nuôi tằm con không có thời gian chăm dâu, hái lá. Những hộ trồng dâu chỉ chuyên cung cấp cho những hộ cần là dư tiền bạc chi tiêu hàng ngày. Không chỉ nhà Ha Sen, nhiều gia đình trong tổ B’nong Rết cũng chuyển qua làm nghề trồng dâu, “chuyên môn hóa” nghề cung cấp thức ăn cho tằm. Bà con chăm dâu rất kỹ, mỗi tháng bỏ phân 1 lần, bỏ phân xong cách li đủ ngày mới hái. Vì con tằm ưa sạch, dâu nhiễm bẩn là tằm hư nên người B’nong Rết chăm vườn dâu rất cẩn thận. 
 
Chị K’Thái, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đinh Văn chia sẻ, cây dâu con tằm đã trở thành nghề truyền thống của bà con trong thị trấn. Riêng tổ dân phố B’nong Rết, bà con đã tập trung nuôi tằm nhiều năm, trong tổ cũng có nhiều dịch vụ hỗ trợ nghề tằm như nhà nuôi tằm con, nhà thu mua… Vì vậy, thị trấn đang động viên bà con thành lập tổ hợp tác, tiến tới Hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm để phát triển cây dâu con tằm trên địa bàn. Cây dâu con tằm đang giúp người B’nong Rết có cuộc sống no ấm.
 
DIỆP QUỲNH