Những vần thơ cất lên vì thân phận

KHÔI NGUYÊN THẢO 05:44, 06/04/2023

Nói đến nghề luật, thông thường chúng ta vẫn nghĩ tới những phiên tòa xét xử bằng chứng cứ, sự tranh luận, phản biện... Thơ, có lẽ là điều gì đó không liên quan. Vậy nhưng, một luật sư, nhà thơ với biệt danh “Lão Luật”, dẫn độc giả theo dòng cảm xúc khá bất ngờ khi ra mắt tập thơ viết về nghề của mình. “Ấm lạnh pháp đình” (NXB Hội Nhà văn) là tác phẩm thứ 4 của nhà thơ Nguyễn Minh Tâm được ra mắt độc giả, bạn bè văn chương vào tháng 3/2023.

Nhà thơ Nguyễn Minh Tâm
Nhà thơ Nguyễn Minh Tâm

Ở tuổi 70, có thể nói đã đi trọn cuộc đời, giữ chữ tâm luôn bên chữ nghề, thơ không chỉ để trải lòng buồn vui, còn là nơi để nhà thơ Nguyễn Minh Tâm chọn để thể hiện thái độ sống của mình:

Ta vẫn giữ một niềm tin có thật
Vầng trăng kia sẽ tỏa sáng bầu trời 
Như Công Lý dẫu xa mờ trong đục
Sẽ có ngày như trăng đấy trăng ơi…

Giản dị và ấm áp là những cảm nhận đầu tiên dễ nhận thấy trong những trang thơ của Nguyễn Minh Tâm. Dù rằng, có lẽ do tính chất nghề nghiệp, khá nhiều tứ thơ của ông khúc chiết, rõ ràng. Ở rất nhiều dòng thơ, tác phẩm trong “Ấm lạnh pháp đình”, dù Ấm - Lạnh được đặt song song nhau nhưng sự thi vị, ấm áp soán ngôi những lạnh lẽo - lẽ ra vẫn là yếu tố đầu tiên độc giả vẫn nghĩ đến trong nghề cầm cân nảy mực. Có đôi khi, độc giả quên rằng tác giả là “Lão Luật” vì sự lãng mạn, những nỗi niềm và hy vọng mà ông đặt vào từng câu chữ. Lý giải về điều này, ông viết: 

Anh hành nghề Luật nhưng lại thích làm Thơ 
Bởi nhân loại muôn đời cần Thơ hơn Luật 
Chữa một vết thương lòng, Luật đành bất lực 
Chỉ một vần thơ anh hóa thần dược cho đời.

 

Thực ra, không phải khi “Luật bất lực” mà ông chọn làm thơ. Nguyễn Minh Tâm làm thơ từ khi còn đi học. Nhà thơ Nguyễn Minh Tâm sinh năm 1953 tại Hải Dương. Năm 1971, anh chuẩn bị bước chân vào giảng đường Đại học Tổng hợp Hà Nội thì được lệnh nhập ngũ theo lời gọi non sông. Nguyễn Minh Tâm làm trinh sát trong những tháng năm khói lửa. Từng làm thơ khi còn là học sinh giỏi văn ngồi trên ghế nhà trường, những vần thơ theo ông vào quân ngũ. Hòa bình lập lại, rời quân ngũ, ông quay trở lại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa đầu tiên của Khoa Luật vừa mới bắt đầu nên số phận đẩy đưa, chàng lính trẻ Nguyễn Minh Tâm không được học văn theo đúng sở trường mà bước vào học luật, ra trường tiếp tục hành trình chông gai không kém thời xông pha trận mạc: bảo vệ công lý, bảo vệ số phận pháp lý của con người. Sau hàng chục năm lăn lộn với nghề, Nguyễn Minh Tâm khẳng định được tên tuổi của mình trong nghề luật sư, là người luôn tâm huyết với nghề. Và thơ luôn có mặt trên những bước đường tưởng như không liên quan ông đã chọn. 

Một trong những điều làm nên phong cách, đặc điểm của tác phẩm là tác giả cần tạo ra không gian cho tác phẩm của mình. Có vẻ như, dù không cố gắng, không ý thức gì về điều này, nhà thơ Nguyễn Minh Tâm vẫn tạo nên được đặc điểm không gian riêng cho thơ mình. Nói về tập thơ “Ấm lạnh pháp đình”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhận xét: “Nhà thơ - Luật sư Nguyễn Minh Tâm trong hành trình “Ấm lạnh pháp đình” đôi khi như chơi vơi giữa bộn bề, đôi khi như thét gào giữa thinh lặng. Ông thầm khấn nguyện một không gian khác, không gian xoa dịu oán thù, không gian an ủi cay đắng: Anh cứ nghĩ nếu anh làm thẩm phán/ Chắc chẳng bị cáo nào bị tử hình đâu/ Bởi anh xử bằng trái tim thi sĩ/ Và nỗi đau bạc phếch ở trên đầu”.

Nguyễn Minh Tâm là hội viên thơ của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Ông làm nghề luật sư, được người trong giới coi trọng. Ông viết cả văn xuôi và thơ. Tác phẩm đầu tay của ông là tập truyện Kẻ cô đơn (NXB Sông Bé, 1990). Về thơ, “Ấm lạnh pháp đình” là tập thứ ba của ông, sau “Lời ru thầm” (NXB Thanh niên, 2005) và “Tóc đất” (NXB Thanh niên, 2006), do NXB Hội Nhà văn ấn hành, quý I năm 2023. Tập thơ gồm 104 bài, chủ đề xuyên suốt là những tác phẩm viết về nghề luật sư mà ông theo đuổi một đời. Theo ông chia sẻ, cuối năm nay, ông sẽ ra mắt tập kí về những thân phận, câu chuyện pháp đình.

Với tập "Ấm lạnh pháp đình", độc giả dễ dàng đọc vị được tấm lòng yêu nghề, yêu người của luật sự Nguyễn Minh Tâm gửi gắm những trăn trở về thân phận con người qua những trang thơ. Có thể thấy lòng trắc ẩn, nhân ái là điểm chung mà Nguyễn Minh Tâm chọn làm thái độ sống trong cuộc đời dù ở vị trí là một luật sư cầm cân nảy mực hay một nhà thơ - vốn dĩ được xem là lãng mạn. Những câu thơ không phải được viết khi “Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” (thơ Xuân Diệu) mà được viết khi đọc hồ sơ vụ án, có khi vào phút giải lao của phiên xét xử, hay sau những phiên tòa còn đọng lại nhiều tâm tư nên luôn ẩn hiện những thân phận sau đó:

Lời không đủ, em nói bằng nước mắt
Giọt nước mắt của em làm rớt lệ bao người
Nước mắt chảy giữa pháp đình lặng ngắt
Có nước mắt nào chặt hơn thế, em ơi?

Có thể nói đây là tập thơ duy nhất viết về nghề luật đến nay. Được viết bởi một tấm lòng nên dù tác giả tâm tư: “Đường nghề cứ mải miết đi/ Vẫn chưa tìm được cái gì.../ Chán chưa!” thì độc giả vẫn có thể tìm được những chữ tình trong câu chữ.

Và với tác giả, tin rằng, ông cũng tìm được điều ấy trên chặng đường gian truân của mình. Bởi như người ta vẫn nói, chắc chắn rằng, chỉ những điều xuất phát từ trái tim mới có thể đi đến trái tim.