Tác phẩm dễ dãi, chiều theo thị hiếu thị trường đang có xu hướng áp đảo

09:10, 08/10/2015

Trong hai ngày 3 và 4/10 tại TP.HCM, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TƯ đã tổ chức Hội thảo "Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam".

Trong hai ngày 3 và 4/10 tại TP.HCM, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TƯ đã tổ chức Hội thảo “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam”.
 
“Văn học nghệ thuật đã làm gì để khám phá và bồi dưỡng nhân cách con người?”
 
Đến dự và phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Nhiệm vụ cao đẹp của văn hóa văn nghệ là khơi dậy, bồi đắp tình yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, sự coi trọng đạo lý, nhân cách, lối sống… Để văn hóa trở thành động lực thì giải pháp của mọi giải pháp là phải hướng vào việc xây dựng các thế hệ con người phát triển toàn diện, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của xã hội có chất lượng cao. Đảng và Nhà nước nhiều lần nhấn mạnh, văn hóa phải thấm sâu vào toàn bộ các lĩnh vực của đời sống con người và xã hội”.
 
97 tham luận được gửi tới hội thảo trình bày sâu sắc nhiều vấn đề thực tiễn của văn học, nghệ thuật (VHNT) trong việc xây dựng nhân cách con người, đồng thời đề cập vai trò, trách nhiệm của người sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay…
 
Theo thống kê của Sở VHTT TP.HCM, năm 2014 sân khấu có 87 vở thì chỉ có 2 vở chính kịch, 5 vở nhạc kịch, 5 vở tuồng cổ và một vài vở kịch cho thiếu nhi, số còn lại chủ yếu kịch thị trường!
Trong bài mở đầu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Đinh Xuân Dũng cho rằng: “VHNT khi khám phá, miêu tả nhân cách con người VN hôm nay, đồng thời thực hiện chức năng kép của mình cả xây và chống. Với đặc trưng và sức mạnh đặc biệt của VHNT là bảo vệ và giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp, bền vững trong nhân cách con người truyền thống, phát hiện, bảo vệ, nuôi dưỡng những giá trị mới đang hình thành trong nhân cách con người Việt Nam thời kì CNH-HĐH… VHNT chân chính luôn là người đồng hành, bạn đường tin cậy thân thiết của con người trong cả cuộc đời, cả quá trình hình thành và phát triển nhân cách con người. 
 
Nhưng một sự thật khác không thể lẩn tránh là từ những biến động xã hội và cả từ những hạn chế, khuyết điểm yếu kém trong chỉ đạo và tổ chức xã hội mà đã và đang diễn ra những biến động đáng buồn, đáng lo ngại và cần thẳng thắn nhận ra đó là sự đảo lộn các giá trị trong nhân cách, sự loạn chuẩn trong lựa chọn, sự tha hóa, biến chất, thói hư tật xấu, thói vô cảm…Vậy văn học nghệ thuật đã làm gì để khám phá và bồi dưỡng nhân cách con người?”.
 
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh, đạo đức và nhân cách gắn bó với nhau mà nhân cách là trụ cột của đạo đức, là toàn bộ thái độ sống, hành vi, ứng xử của cá nhân đối với con người với môi trường xã hội và chính bản thân… Có nhiều cách để giáo dục nhân cách con người: thiết chế văn hóa, giáo dục chính trị, giáo dục đạo đức… trong đó VHNT chiếm một vị trí đặc thù. Nó hướng con người đến cái thiện, có sức hấp dẫn của cái đẹp làm con người nâng mình lên và cảm thấy hạnh phúc.
 
Tác giả Nguyễn Thành cho rằng: “Văn chương phải thức tỉnh con người trên tinh thần khuyến thiện, chống cái ác, cảnh báo sự tha hóa, đánh thức lòng tự tôn dân tộc, lòng tự trọng và ý thức tôn trọng những giá trị chung. Không phải bằng khẩu hiệu mà bằng hình tượng”.
 
Có không ít tác phẩm với nội dung dễ dãi, câu khách
Có không ít tác phẩm với nội dung dễ dãi, câu khách

Vẫn còn những lệch lạc, thiếu chuẩn mực
 
PGS.TS Đinh Xuân Dũng nhìn nhận một thực tế: Đời sống văn học nghệ thuật đang xuất hiện những loại tác phẩm né tránh việc miêu tả, thể hiện cuộc đấu tranh đang diễn ra hàng ngày, không ít những sáng tác VHNT chỉ vì thỏa mãn nhu cầu giải trí tầm thường, để biến sản phẩm của mình thành hàng hóa rẻ tiền, câu khách do áp lực của kinh tế thị trường.
 
Đồng quan điểm này, TS.NSND Phạm Thị Thành nêu lên một thực tế: “Nhìn vào các thư viện, hiệu sách, các tủ sách của gia đình thì sẽ thấy họa hoằn lắm mới có các quyển sách viết cho tuổi trẻ của các nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư… Trong khi đó, trên các kệ sách bày bán nhiều thể loại sách dịch từ Trung Quốc đó là chuyện ngôn tình, đam mỹ. Nội dung viết về tình yêu, tình dục, đồng tính nam, truyện sex trá hình.
 
Ở lĩnh vực sân khấu, NSND Lê Tiến Thọ thẳng thắn thừa nhận: “Có những tác phẩm sân khấu dễ dãi, chiều theo thị hiếu thấp kém, hạ thấp nhân cách con người vẫn xuất hiện, có những biểu hiện tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nhân cách con người VN. Các đề tài chọc cười rẻ tiền, đề tài kinh dị, bạo lực, đồng tính trở thành mảnh đất màu mỡ để khai thác. Sự thẩm thấu loại tác phẩm này kéo dài và thường xuyên sẽ bào mòn cảm xúc về cái đẹp của công chúng, làm thui chột cả lý tưởng sống cao đẹp, làm méo mó nhân cách con người. Cơ chế thị trường cũng khiến cho đội ngũ sáng tạo VHNT nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng năng động hơn nhưng cũng khiến nó phân hóa mạnh mẽ…”.
 
Nêu lên một số hạn chế, yếu kém trong đời sống VHNT thành phố dưới tác động của kinh tế thị trường tác động xấu đến xây dựng nhân cách con người, bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo TP.HCM cho rằng: “Tác phẩm VHNT độc hại ngày càng nhiều. Tác phẩm dễ dãi, chiều theo thị hiếu thị trường đang có xu hướng áp đảo.
 
Hơn bao giờ hết, vấn đề đạo đức xã hội, nhân cách con người ngày càng trở thành mối quan tâm của dư luận toàn xã hội. Đó cũng là trách nhiệm và sứ mệnh thiêng liêng của văn học nghệ thuật. Mà “Đội ngũ các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ có sứ mệnh cao quý là xung kích trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người… Vinh dự lớn đi liền với trách nhiệm lớn” - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh.      
 
TS tổng hợp (theo baovanhoa.vn)