Kỹ thuật làm gốm thủ công độc đáo của người Churu ở K-răng-gọ

09:11, 26/11/2015

K-răng-gọ (có nghĩa là: làng nồi), đây là một làng làm gốm nổi tiếng có từ lâu đời của người dân tộc Churu thuộc xã Pró, huyện Đơn Dương cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 20km về phía Đông Nam.

K-răng-gọ (có nghĩa là: làng nồi), đây là một làng làm gốm nổi tiếng có từ lâu đời của người dân tộc Churu thuộc xã Pró, huyện Đơn Dương cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 20km về phía Đông Nam.
 
Làm nửa trên sản phẩm
Làm nửa trên sản phẩm
Nghề gốm vốn là một nghề thủ công truyền thống của người Churu ở đây, thường được thực hiện vào những lúc nông nhàn. Đây là nghề nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự khéo léo chứ không dùng nhiều sức, nên số người tham gia không cần đông và chủ yếu là phụ nữ đảm nhiệm. Phần lớn họ sản xuất theo từng hộ gia đình đơn lẻ, cũng có khi vài ba gia đình có quan hệ họ hàng rủ nhau cùng làm.
 
Công cụ sản xuất của nghề gốm bao gồm: Cối (mpal), Chày (tơ nai) được sử dụng để giã đất. Chiếu cói để phơi đất. Sàng (chơneh) để sàng đất sau khi giã. Nia (kdòng) dùng để đựng đất nhào trộn. Bàn kê gốm (pơ tã), dùng đặt con đất để nặn tạo sản phẩm. Bàn đập tạo dáng (tơr nap). Nạo tròn (Knur). Hạt tràm (plai Kăn), thường được sử dụng để chà láng bề mặt. Giẻ tuốt láng (Subớt), dùng để vuốt láng mặt ngoài của sản phẩm. Đất sét và nước là nguyên liệu chính để làm gốm. Đất được chọn là loại đất sét vàng đỏ có pha cát vừa phải. 
 
Quy trình sản xuất của nghề làm gốm phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau và khá công phu như: Lấy đất, phơi đất, giã đất, sàng đất, nhào đất, làm gốm mộc, phơi khô và đem nung.
 
Đất sau khi được lấy về phải phơi từ 2-3 nắng cho thật khô rồi cho vào cối giã tơi thành bột. Sau đó dùng sàng lỗ nhỏ sàng qua sàng lại 2-3 lần lấy bột mịn. Đất bột sau khi sàng được cho vào một chiếc nia nhỏ hình trái tim, người thợ gốm đổ một lượng nước vừa phải sao cho đất vừa đủ nhuyễn. Sau đó dùng tay vò nhồi liên tục đều đặn làm cho khối đất ướt trở nên thật quánh và dẻo.
 
Đất ướt sau khi nhồi nhuyễn được bê đặt lên bàn kê cố định trên chiếc cối giã. Người thợ gốm bắt đầu dùng hai tay bóp giãn đất theo khuôn khổ sản phẩm cần làm. Lúc này người thợ đi giật lùi vòng quanh bàn kê gốm, một tay đỡ bên trong thành và một tay vuốt tròn (vuốt ngược từ dưới lên) tạo dáng… Từ đây các thao tác vuốt kéo đất lên (ka tung ũ) và vuốt đều được lặp lại. Cứ tiếp tục như vậy cho đến khi chiều cao của sản phẩm đã đạt được theo ý muốn. Tiếp đến là đến thao tác vuốt nước (Su Tẽh) nhằm tạo cho mặt ngoài sản phẩm có độ láng. Lúc này phần nửa trên của sản phẩm (ng guh preh) đã được làm xong. Người thợ để nguyên trên bàn kê và mang ra phơi nắng khoảng 1/2 ngày cho se cứng lại rồi dùng nạo tròn (Knũ) bằng cật tre nạo đất phía trong sao cho sản phẩm đạt tới độ mỏng theo ý muốn, sau đó giở lên úp ngược lại (phần miệng xuống dưới) để đắp tiếp phần đáy… Tới đây phần tạo hình sản phẩm đã được hoàn thành nửa đáy sản phẩm được tiếp tục phơi cho se cứng lại. Sau đó là đến bước tu chỉnh và trang trí, lúc này người thợ dùng bàn đập, nạo tròn và hạt tràm để làm cho sàn phẩm có xương chắc, dày đều và láng mặt. Đồng thời làm liền mạch nối giữa hai nửa và điều chỉnh lại những chỗ chưa vừa ý trong quá trình tạo dáng cho sản phẩm. Ngoài những rãnh mờ do đánh bóng, các sản phẩm gốm của người Churu ít được trang trí. Và nếu có thì cũng chỉ là khắc vạch hoặc in chấm, tạo bằng que vót nhọn nhiều hình răng lược làm thành băng, gồm bốn đến năm đường dọc từ cổ xuống ngắt quãng nhau hoặc chạy viền quanh vai gốm. 
 
Trong nghề gốm có nét đặc trưng riêng biệt đó là đối với những sản phẩm gốm lớn người ta tạo hình hai phần trên dưới riêng biệt rồi mới ghép lại với nhau. Còn đối với đồ đựng và các sản phẩm có kích cỡ nhỏ thì được nặn nguyên dáng. Các bước tiến hành cũng giống như đối với các sản phẩm lớn. 
 
Nung gốm người Churu  thường gọi là: Rờm gọ. Gốm của người Churu được nung ngoài trời với qui mô nhỏ và rất giản đơn. Đầu tiên người ta tìm một khoảng đất trống  bằng  phẳng, đổ lên một lớp tro và dùng que củi dàn đều (dày khoảng 2-3cm). Sau đó xếp gốm chồng lên thành cụm. Thông thường người ta xếp các sản phẩm to ở giữa, sản phẩm nhỏ chèn xung quanh; xếp xong lấy củi cành xếp chèn vào các kẽ hở và dựng chụm đều vòng quanh che kín cụm gốm tạo thành hình chóp nón. Tiếp đến, họ dùng rơm hoặc cây bắp khô phủ bên ngoài rồi châm lửa đốt. Khi đốt người Churu thường lựa theo hướng gió để đặt mồi châm làm cho lửa cháy mạnh nhanh và bốc đều trong vòng 1-2 tiếng đồng hồ là được. Trong quá trình nung, họ dùng que cời để điều chỉnh lửa và tiếp thêm củi sao cho lửa cháy đều và phủ kín các sản phẩm.
 
Sản phẩm gốm chính của người Churu chủ yếu là các loại nồi (Abũ) với nhiều kích cỡ và chức năng khác nhau) như: để lấy nước suối, đun nước, nấu ăn,… ngoài ra còn có một số vật dụng nhỏ như đầu rau, bát ăn cơm… Gần đây, với sự giao lưu rộng rãi, người Churu  còn bắt chước sản xuất thêm một số sản phẩm theo kiểu dáng của người Kinh hoặc người Chăm.
 
ĐOÀN BÍCH NGỌ