Dùng dằng sông Hương

09:12, 17/12/2015

Lâu lắm tôi mới có dịp trở lại Huế, được một người bạn văn nghệ mời đi ăn cơm quán Âm phủ cho biết: Quán cơm có lịch sử lâu đời, nhưng các món ăn thì không ngon lắm. Anh bạn văn nói vui, đã là quán "âm phủ" phải khác chứ sao ngon như trần gian được hỉ? Chúng tôi cùng cười. 

Lâu lắm tôi mới có dịp trở lại Huế, được một người bạn văn nghệ mời đi ăn cơm quán Âm phủ cho biết: Quán cơm có lịch sử lâu đời, nhưng các món ăn thì không ngon lắm. Anh bạn văn nói vui, đã là quán “âm phủ” phải khác chứ sao ngon như trần gian được hỉ? Chúng tôi cùng cười. Bỗng người bạn như chợt nhớ ra điều gì, vỗ trán, rồi quàng vai tôi nói nhỏ: “Mi có thích nghe ca Huế trên sông Hương không?”. Như gãi đúng chỗ ngứa, tôi òa lên thích thú rồi hẹn nhau đúng 8 giờ tối đến bến đò. 
 
Trên dòng sông Hương. Ảnh: THANH TOÀN
Trên dòng sông Hương. Ảnh: THANH TOÀN

Người bạn vì bận chút việc nên lỡ hẹn, phải mất 15 phút sau mới đến. Cả hai được cô bán vé cho lên một thuyền rồng khác đuổi theo, hai thuyền cặp kề nhau, chúng tôi bước qua mạn thuyền thì ai đã vào chỗ nấy và màn trình diễn ca Huế mới bắt đầu. Thuyền như không trôi nữa mà cứ “dùng dằng” theo âm vọng. Tôi chợt nhớ hai câu thơ rất hay của nhà thơ Thu Bồn: “Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”. Phải, Huế rất sâu về lịch sử và văn hóa, nhưng Thu Bồn không nói con sông Hương lịch sử, mà nói con sông biết chảy vào tâm hồn con người. Thì đây, đúng giây phút này tôi mới cảm nhận được hết ý thơ Thu Bồn. Có phải cũng trong khoảnh khắc giao hội này, Thu Bồn đã từng ngồi nơi đây, trên con thuyền này và viết câu thơ sâu lắng? Đêm nay lại không trăng, nhưng nhờ thành phố rực ánh đèn nên cầu Tràng Tiền đúng là đang nạm bạc như thơ. Người con gái áo tím đứng lên giới thiệu chương trình, giọng đúng chuẩn “dạ thưa” trong thơ Bùi Giáng, ngọt ngào và sâu ấm lạ. Với tôi, giọng Huế cũng thường nghe, nhưng sao đêm nay hoàn toàn khác, nó du dương và trong trẻo quá. Nhất là khi dàn đồng ca cất lên, tôi như lạc vào một thế giới khác, thế giới của mộng ảo thần tiên. Tiếng tre, tiếng trúc, tiếng tơ đồng, tiếng phách nhịp gõ đầy vun cung bậc, thanh tao thần thái. Tất cả khán thuyền im phăng phắc. Tiếng đàn nguyệt, đàn bầu dẫn dắt những mê hồn đi từ xứ này sang xứ khác của mộng ảo. Những nhà nhiếp ảnh trơ ra đó, bấm máy chứ chụp sao được tiếng ca vô lượng lấp loáng trên mặt sông. Điều khiến người nghe ưng ý nhất là không dùng micro, tiếng ca đơn mộc truyền vào hồn rất cảm xúc. Nghe mà như không nghe, điều này đúng vì tiếng Huế trầm buồn, có khi chỉ thưởng thức chứ chưa chắc đã “tròn vành rõ chữ”. Âm đơn nặng mà phiêu, giọng buồn man mác mà lắng, câu từ giản mà sâu... Tất cả, tất cả nói lên “rất Huế”, mộng và thơ bây giờ mới hợp lại thành một cung bậc dành cho tâm hồn. Dù ai khô cứng bao nhiêu cũng trở thành tinh tế, cũng trở thành phiêu hốt, vì bàng bạc trong ca từ là chất giọng kiêu sa, tình tứ, thứ tình tứ mỹ lệ chứ không sến sáo. Đó là điều mà không phải nền văn hóa nào cũng có được. Sông Hương, vốn chảy qua bao triều đại phế hưng, mang trong mình “dòng nước cung đình”, lấp lánh những tinh ba đền đài triều các, nên mỗi thời khắc hiện ra mỗi nhiệm màu của vang hưởng thi ca. Thi sĩ họ Hàn đã từng viết: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?”. Quả thật, lòng tôi cũng đang mơ có phép màu nhiệm nào đấy “chở trăng về” để tôi và bạn tôi thưởng thức. Bởi tôi biết, ngồi giữa khán thuyền lặng nghe ca Huế, nhưng hồn mỗi người mỗi khác. Có khi ca Huế chỉ được vài trống canh trong hồn người này, nhưng với hồn người kia, một lần đến với ca Huế là một khắc sâu cái tình yêu đằm sâu ấy với Huế. Cho nên người ta gọi “Huế thương” chính là gọi chút đằm sâu ấy vậy. Không đằm sâu thì Huế đâu còn trong lòng mọi người đến giờ này! Mỗi tiết mục đồng ca, đơn ca đều âm hưởng một “Huế thương” rất mực. Những nghệ nhân chơi đàn cũng để lại ấn tượng khó quên, ngoài cung cách chơi đàn thời thượng, họ còn là những ca nhi có thể hoán vị cho nhau. Tất cả đều còn trẻ, hình như họ chơi vì yêu ca Huế hơn là vì thu nhập. Tiết mục hát đối phá tan bầu không khí diễm lệ là chất hài Huế, diễn viên nam nữ diễn xuất rất tài tình, mộc mạc. Những câu hát đối trí tuệ và phồn hoạt xen nhau. Điều đó chứng tỏ các cụ ngày xưa cũng “công phu” lắm mới để lại những câu đối đáp thông minh, gây cười khúc khích; tục mà thanh thoát, phàm mà cao siêu chứ không nhàn nhạt kiểu hài ba xu trong thời thị trường đâu đó. Cuối cùng là tiết mục thả hoa đăng, du khách ai cũng tự nguyện mua cho mình một chiếc đèn thật đẹp, rồi lần lượt thả xuống sông. Những ngọn đèn mờ tỏ trôi lững lờ, như thắp cho linh hồn sông chút hoài niệm đã lui vào ký ức trăm năm. Đêm ấy, cũng là lần đầu tiên ấy, một ngọn nến hồng tự tay tôi thả trôi bồng bềnh, như có sức hút huyền bí đã trôi vào hồn tôi, để bây giờ ánh sáng ấy cứ lung linh không chịu tắt. 
 
Mê đắm quá, bởi đây là lần đầu tiên nghe ca Huế trên sông Hương, tôi mon men bắt chuyện với các ca nhi, và được biết trong các tiết mục có bài thơ “Nữ sinh Đồng Khánh” của nhà thơ Mai Văn Hoan. Thì ra là người anh văn nghệ mà tôi từng biết danh, hạnh phúc quá, thơ mà được các ca nương này thuộc nằm lòng rồi hát cho bàn dân thiên hạ tứ xứ về nghe, thì không hạnh phúc nào bằng! Thế là “thấy sang bắt quàng làm họ”, tôi đọc thơ cho em nghe và hỏi han chuyện trên bờ dưới bến. Lúc này, tôi mới nhớ ra có lần mình đã viết: “ Sông Hương,/ Sợi đàn tranh thao thức một cung trầm...”, tôi đề nghị với ca nương nán lại thêm chút nữa cho tôi được “thao thức” lần này với đất thần kinh. Em nói, nhà văn Nguyễn Quang Hà từng ví sông Hương dài như kiếm báu, tôi ví như sợi đàn tranh làm em thích thú mỉm cười và sẵn tay nắn nót một cung trầm não đoạn. Rồi đêm cũng về tới bến, cuộc nói chuyện giữa chúng tôi vẫn còn nhiều khoảng lặng, dù sao cũng cảm ơn một người rất Huế đã cho tôi thấm cái vị giác của dòng sông là gì. Tôi muốn nói cảm ơn em mà không nói được, đành “dùng dằng” chia tay trong trạng thái luyến tiếc. Chợt nhớ câu thơ tuyệt hay của Phan Huyền Thư khi viết về Huế rằng: “Muốn thì thầm vuốt ve Huế thật khẽ/ lại sợ chạm vào nơi nhạy cảm của cơ thể Việt Nam...”.
 
Bút ký: Nguyễn Thánh Ngã