Ngày xuân nhớ Quang Dũng, nhớ Tây Tiến

09:02, 12/02/2018

Thấm thoắt đã 70 năm kể từ ngày bài thơ "Tây Tiến" của nhà thơ Quang Dũng ra đời tại làng Phù Lưu Chanh đến nay vẫn còn hừng hực hào khí của một thời. 

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
 
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
 
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
 
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
 
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
 
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
 
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
 
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
 
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
 
 
Thấm thoắt đã 70 năm kể từ ngày bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng ra đời tại làng Phù Lưu Chanh đến nay vẫn còn hừng hực hào khí của một thời. 
 
Nhà thơ Quang Dũng thời Tây Tiến
Nhà thơ Quang Dũng
thời Tây Tiến
Xuất thân từ một thầy giáo dạy tư ở Sơn Tây kiếm sống, rồi đầu quân vào phòng quân vụ Bắc Bộ được cử làm phái viên đi thu mua vũ khí ở Hà Nam, Sơn Tây. Được cán bộ lãnh đạo phòng phát hiện Quang Dũng có năng khiếu văn chương, lại được học hành đàng hoàng, nên giới thiệu lên chiến khu làm công tác báo chí và trở thành phóng viên tiền phương thuộc Khu II. Vốn dĩ mê thơ Đường thi tam bách thủ, nhất là những bài thơ dịch của Tản Đà, thích bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ và bút ký giàu chất thơ trong “Hà Nội ba mươi sáu phố phường” của Thạch Lam; đặc biệt là hình ảnh “những con người Cô-dắc dũng cảm, yêu tự do, phóng khoáng, gắn bó với thanh gươm, yên ngựa và những chiến công trên thảo nguyên” của nhà văn Nga - Gô-gôn - mà nhà thơ Quang Dũng từng nhắc đến khi nghĩ về những chiến binh của Trung đoàn Tây Tiến (Trung đoàn 52) do Tuấn Sơn làm trung đoàn trưởng, Quang Dũng làm đại đội trưởng của một đại đội đã cùng đồng đội thực hiện chiến dịch chuyển quân từ Khu III, Khu IV lên Khu II (tức Tây Bắc) vùng Điện Biên Phủ. Đây là chiến dịch có ý nghĩa chiến lược. Đầu năm 1947, Trung đoàn Tây Tiến được thành lập. Ngoài việc đánh sâu, rút nhanh và từng bước ổn định vùng Tây Bắc thì công tác dân vận gây dựng cơ sở, tranh thủ giác ngộ của nhân dân lúc này rất quan trọng. Vì thế, đi đôi với chức vụ Đại đội trưởng, Quang Dũng còn được cử làm Phó Đoàn võ trang truyên truyền Lào - Việt.
 
Năm 1948, trong một lần về dự Đại hội toàn quân ở Liên khu III, Quang Dũng đã viết bài thơ “Nhớ Tây Tiến”. Về sau bỏ bớt chữ “Nhớ”, chỉ còn hai chữ “Tây Tiến”. Trung đoàn Tây Tiến xuất phát từ Sơn Tây. Ban đầu còn đi bằng xe ô tô, về sau “chuyển sang hành quân bằng đôi chân, thực sự nếm mùi Tây Tiến”. Hằng ngày, chứng kiến những đồng chí, đồng đội của mình vượt qua những con dốc thăm thẳm, heo hút; những đêm lạnh buốt tê người; thiếu đói, những trận sốt rét thừa chết thiếu sống, những thú dữ và cả sự kinh hãi của một vùng “rừng thiêng, nước độc” đang bủa vây... nhà thơ đã ghi lại trong bài thơ Tây Tiến với những hình ảnh sinh động nhưng rất thật như: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”, “Oai linh thác gầm thét”, “Mường Hịch cọp trêu người”, “Áo bào thay chiếu anh về đất”, “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”…
 
Sau khi đọc tại đại hội, được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mang về Hà Nội, bài thơ “Tây Tiến” đã được nhà thơ Xuân Diệu chọn in ngay trên tờ Văn nghệ. Từ đó, bài thơ đã đi cùng bộ đội trên những nẻo đường kháng chiến và sống mãi với công chúng yêu thơ suốt 70 năm qua. Nhiều lần, bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng còn được Bộ Giáo dục chọn để ra đề thi môn Ngữ văn vào đại học. Số phận khá truân chuyên và sức sống mãnh liệt của bài thơ “Tây Tiến” đã trở thành một tiếng thơ bi tráng của một nền thơ kháng chiến Việt Nam. Người đọc bắt gặp thể bảy chữ “nhưng không phải bảy chữ Đường luật là bảy chữ thể hành; mỗi đoạn thơ ăn theo một vần bằng, cứ một câu vần bằng lại một câu vần trắc. Điệu thơ ấy, cách ăn vần ấy, tạo cho bài thơ một nhạc điệu vừa cổ kính nghiêm trang, vừa phóng khoáng bay bổng, vừa trùng điệp như trải ra vô tận. Điệu thơ ấy, lại cộng với cách dùng từ hơi cổ kính một chút của Quang Dũng, khiến cho bài thơ ngay khi vừa đọc lên, đã có một không khí vừa man mác bâng khuâng vừa lãng mạn hào hùng” mà Lương Duy Cán đã từng ngợi ca. Quang Dũng đã cảm và sử dụng nhiều ngôn từ đắc địa, bộc lộ hết sắc thái ngữ nghĩa, sức khơi gợi càng lớn; tưởng chừng buồn bã nhưng không bi đát, không bi lụy. Những địa danh của rừng núi Tây Bắc tưởng chừng đơn điệu, nhưng đi cùng với từng chi tiết, qua ngòi bút của Quang Dũng trở thành lung linh, hào sảng.
 
Một bài thơ trải qua gần 3/4 thế kỷ vẫn còn tồn tại và ẩn sâu trong từng trái tim người đọc là điều hiếm hoi. “Tây Tiến” và nhà thơ Quang Dũng đã cùng song hành trong suốt chặng đường dài của thơ Việt và cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc; từ đó, càng hiểu hơn về những bài thơ viết về người lính, về quê hương đất nước, về lòng nhân ái có sức mạnh như thế nào.
 
Mùa xuân Mậu Tuất (2018), bài thơ “Tây Tiến” vừa tròn 70 năm; nhà thơ Quang Dũng cũng đã 30 năm ra đi vào cõi vĩnh hằng… nhưng trong trái tim của những người yêu thơ hôm nay vẫn còn ghi dấu ấn những câu thơ hào sảng, bi tráng ấy; vẫn hằn lên hình ảnh sống động của người chiến binh năm xưa trên núi rừng Tây Bắc. Và, trong họ vẫn còn lưu giữ chân dung một người nghệ sĩ - chiến sĩ: Quang Dũng.
 
TRẦN TRỌNG VĂN