Không ai làm tốt hơn chính chủ thể đích thực của những di sản độc đáo…

04:12, 01/12/2018

(LĐ online) - Đó là nhận định và chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Lễ khai mạc Festival Văn hóa cồng chiêng năm 2018 tại Gia Lai, về việc bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của di sản Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.

(LĐ online) - Đó là nhận định và chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Lễ khai mạc Festival Văn hóa cồng chiêng năm 2018 tại Gia Lai, về việc bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của di sản Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khai mạc. Ảnh chinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khai mạc. Ảnh: nguồn chinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhớ: Năm 2005, UNESCO đã trao cho chúng ta một danh hiệu cao quý “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại” và chúng ta đã tổ chức đón nhận danh hiệu ấy ở chính thành phố Pleiku xinh đẹp này. Chúng ta đã có những cam kết mạnh mẽ với UNESCO rằng, chúng ta sẽ thực sự giữ vững danh hiệu đó. 
 
Trong 13 năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, sự đầu tư thích đáng để bảo vệ, phát triển văn hóa Tây Nguyên. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các tỉnh Tây Nguyên đã làm được nhiều việc, giúp không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tiếp tục tồn tại sống động trong tình hình mới. 
 
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tây Nguyên là vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, nơi được xưng tụng là “nóc nhà” Đông Dương. Nơi đây đã sinh ra những người anh hùng đi vào huyền thoại và trở thành nguồn cảm hứng để nhân dân các dân tộc Tây Nguyên viết nên những bản trường ca bất tận truyền tới muôn đời sau… Đảng và Nhà nước gửi gắm sứ mệnh giữ gìn không gian văn hóa này cho cộng đồng các dân tộc và đồng bào Tây Nguyên.
 
Phát huy các giá trị của văn hóa Tây Nguyên truyền thống cũng chính là giữ gìn môi trường sinh tồn của văn hóa cồng chiêng trong không gian đậm chất sử thi, giàu sắc thái huyền thoại của đại ngàn Tây Nguyên. Tôi tin rằng không ai làm việc này tốt hơn chính đồng bào của mình ở đây, những chủ thể đích thực của những di sản độc đáo… 

 

Lễ Khai mạc quy tụ hàng ngàn diễn viên và nghệ nhân
Lễ Khai mạc quy tụ hàng ngàn diễn viên và nghệ nhân
Festival văn hóa cồng chiêng là một cuộc biểu dương lực lượng. Nó chứng tỏ rằng sức sống nội tại của cồng chiêng và văn hóa Tây Nguyên là bất diệt. Điều đáng mừng, trong nhiều đội chiêng, các nghệ nhân ở đủ mọi lứa tuổi, giới tính, đặc biệt rất đông các cháu thiếu nhi. Đó là tín hiệu đáng mừng, vì cồng chiêng Tây Nguyên luôn có sự kế thừa, tiếp nối các thế hệ... 
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong suốt chiều dài lịch sử, tiếng cồng, tiếng chiêng đã trở thành tiếng nói của tâm hồn, khát vọng, diễn tả những niềm vui, nỗi buồn và những ước mơ của người Tây Nguyên… 
 
Tây Nguyên ngày nay trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa. Chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới. 
 
Thủ tướng đặt mục tiêu, Tây Nguyên phải là một biểu tượng phát triển du lịch Việt Nam mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản châu Á trong thế kỷ 21.  
 
Đoàn nghệ nhân Lâm Đồng tham dự Lễ Khai mạc
Đoàn nghệ nhân Lâm Đồng tham dự Lễ Khai mạc
* Lễ khai mạc Festival Văn hóa cồng chiêng năm 2018 tại Gia Lai được tổ chức vào đêm 30/11/2018, có chủ đề “Cồng chiêng và lễ hội văn hoá dân gian Tây nguyên” gồm 3 chương, là: Huyền thoại đất và người Gia Lai, Không gian văn hóa cồng chiêng và Nhịp nối những trái tim, có sự tham gia của hơn 1000 diễn viên, với nhiều hoạt cảnh hoành tráng và tiết tấu hào hùng trong nhịp chiêng âm vang khắp đại ngàn Tây Nguyên. Lễ khai mạc thu hút sự quan tâm của hàng vạn nhân dân, du khách; lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương; các vị khách quốc tế, doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí… Đặc biệt là sự tham dự của các đoàn cồng chiêng, nghệ nhân, diễn viên của các dân tộc Chu Ru, Êđê, Xê Đăng, Jrai, Bana… đến từ 4 tỉnh Tây Nguyên là Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum và 19 đoàn cồng chiêng từ 17 huyện, thành phố của tỉnh Gia Lai.
 
Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 tại Gia Lai, khẳng định: Không gian văn hóa cồng chiêng là tài sản quý giá, linh thiêng của đồng bào các dân tộc trải dài khắp mảnh đất Tây Nguyên của Việt Nam. Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 tại Gia Lai như một bữa tiệc văn hóa truyền thống làng nghề đặc sắc của người Tây Nguyên, với sự trình diễn các nghề đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng; hát dân ca, diễn xướng sử thi; lễ hội đường phố... Các địa phương Tây Nguyên còn giới thiệu các sản vật và văn hóa ẩm thực độc đáo của dân tộc mình.


NHẬT QUÂN