Lời cây đàn tính

07:04, 18/04/2019

Nhà tôi ở gần làng Nghệ sỹ Ưu tú Quỳnh Nha, vùng đất của những làn điệu Náng ới, Vang Dà, Hà Lều, Đàn then. Thời còn nhỏ, mỗi khi chị về thăm quê hay cùng Đoàn văn công Cao Bằng về biểu diễn; già, trẻ, nam, nữ ai cũng háo hức đi xem...

Nhà tôi ở gần làng Nghệ sỹ Ưu tú Quỳnh Nha, vùng đất của những làn điệu Náng ới, Vang Dà, Hà Lều, Đàn then. Thời còn nhỏ, mỗi khi chị về thăm quê hay cùng Đoàn văn công Cao Bằng về biểu diễn; già, trẻ, nam, nữ ai cũng háo hức đi xem. Mỗi lần như thế chị Quỳnh Nha thường nán lại với cây đàn tính hát cho cả làng nghe: 
 
Cây đàn tính quê em. Đã theo anh đi khắp chiến trường
 
Trên đỉnh Truờng Sơn ngàn lời ca em hát. Nghe ngọt ào ấm áp thủy chung. 
 
Một buổi hát then, đàn tính ở xã B’Lá, huyện Bảo Lâm. Ảnh: P.Nhân
Một buổi hát then, đàn tính ở xã B’Lá, huyện Bảo Lâm. Ảnh: P.Nhân
 
Tiếng đàn ấy, lời ca ấy đã từng bao lần ngân lên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam nghe sao mà mượt mà tha thiết ấm áp tình quê. Mỗi lần nghe chúng tôi lại lâng lâng cảm xúc xen lẫn tự hào: Cây đàn tính nhỏ bé khiêm nhường mà cũng vượt Trưòng Sơn đi đánh giặc giữ nước. Sau này chị Quỳnh Nha còn cho biết: Cây đàn tính đã cùng chị đi biểu diễn liên hoan ở nước ngoài, chị được nhiều huân huy chương và danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú cũng nhờ lời cây đàn tính đấy...
 
Thế nhưng, cho đến nay, cũng chưa ai biết chính xác cây đàn tính quê tôi có từ bao giờ. Còn các nghệ nhân và người yêu cây đàn tính thì giải thích một cách nôm na rằng: Nó phải có từ thời con nguời biết trồng cây bầu bí để ăn và lấy vỏ bầu làm hộp đàn, thân đàn là thứ cây rừng mảnh mai thớ mịn dẻo dai đủ căng dài 3 sợi dây tơ mềm mại... Đó là những chất liệu tự nhiên gần gũi gắn bó với người dân lao động chân quê. 
 
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì thế kỷ 15-16 Vương triều nhà Mạc lên Cao Bằng đã đam mê cây đàn tính và làn điệu hát then do ông Bế Văn Phủng, ở Hòa An (miền Tây) và ông Nông Quỳnh Vân, ở Trùng Khánh (miền Đông) trình diễn để giải khuây, giải hạn không ngờ giúp vua khỏi được căn bệnh trầm cảm u sầu, nhà vua quyết định đưa vào thành loại nhã nhạc cung đình và phong cho ông Bế Văn Phủng làm Tư thiên quản nhạc. Từ đó, đàn tính, hát then hòa quyện thành một và có dịp phổ biến lưu truyền rộng rãi, trở thành hồn thiêng của văn hóa dân tộc Tày, Nùng, tựa như Trống chèo của đồng bằng sông Hồng, Quan họ của vùng Kinh Bắc, hay Đờn ca tài tử của người dân Nam Bộ. Nhưng đàn tính không chỉ là đạo cụ âm nhạc mà còn là khí cụ của văn hóa tâm linh, được các ông bà Giàng then, Bụt tính sử dụng để cầu yên giải hạn, nối số gọi hồn cho người già, con trẻ. Không biết linh thiêng ứng nghiệm thế nào, nhưng với góc nhìn văn hóa thì đây là phép chữa bệnh tinh thần được mọi người mặc nhiên thừa nhận, rồi ăn sâu vào tiềm thức và tập quán dân tộc. 
 
Hiện nay, trong xu thế phát triển và hội nhập quốc tế, văn hóa phát triển ngày càng phong phú, đa dạng, mở ra cơ hội giao lưu tiếp xúc với nhiều nền văn hóa và dòng âm nhạc hiện đại. Song, hát then, đàn tính vẫn không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tâm linh và cả sinh hoạt hàng ngày của nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Trong các lễ hội văn hóa dân tộc của Cao Bằng, Lễ hội qua miền di sản văn hóa của các tỉnh Việt Bắc, biểu tượng cây đàn tính luôn được treo lên những vị trí trang trọng. Các chương trình văn hóa văn nghệ từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư, dù tổ chức ở thành phố, thị trấn hay làng quê nông thôn, các tiết mục có sử dụng đàn tính, điệu then vẫn chiếm thời lượng đến một nửa nội dung chương trình. Tiếng đàn tính dập dìu từ những nếp nhà sàn, bay bổng qua những cánh rừng xanh thắm, ngân nga bên dòng suối trong veo đã trở thành hình ảnh quen thuộc và sức sống tâm hồn của quê hương non nước Cao Bằng. Lời cây đàn tính đã theo các nghệ sỹ đi biểu diễn ở khắp trong nước, ngoài nước. Âm thanh trong trẻo của nó đã vang xa làm lay động lòng người. Nét độc đáo của đàn tính, điệu then đã góp phần nâng cánh cho những con em dân tộc Cao Bằng như Quỳnh Nha, Dương Liễu, Kim Tuế, Xuân Ái trở thành Nghệ sỹ Ưu tú, Nghệ sỹ Nhân dân.
 
Người Cao Bằng đi vào các tỉnh miền Nam, ngoài hành trang mưu sinh cuộc sống vẫn mang theo cây đàn tính, những dịp sinh hoạt cộng đồng tiếng đàn cất lên nhẹ nhàng, thanh thoát. Còn trong các buổi chầu then, tiếng then réo rắt giục giã lạ thường, tạo nên những phút thăng hoa huyền bí đắm say như thể “Lên đồng”, làm cho những người lần đầu nghe then xem then cũng phải trầm trồ thán phục. Chả thế mà mỗi bận về quê, bạn bè, người thân của tôi thường nhờ mua hộ cây đàn tính thật chuẩn để làm quà. Tại thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu, có hẳn một câu lạc bộ hát then, đàn tính. Tại Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước, dù ở thành phố hay ở nông thôn, ở đâu có người Cao Bằng thì ở đó có tiếng then, đàn tính. Trong chuyến công tác gần đây đến Lâm Đồng, tôi tranh thủ đi thăm bà con ở mãi Đạ Tẻh, Cát Tiên; đêm đến mấy chục hộ gia đình quây quần hát then, đàn tính. Ba sợi dây tơ dập dìu Tàng Nặm Tàng Bốc (Đường thủy, đường bộ) ngân lên trong không gian mênh mông nơi vùng đất mới, man mác niềm vui nỗi nhớ quê hương. Cây đàn tính trở thành sứ giả giao lưu quảng bá văn hóa tự nhiên hòa nhập thấm dần và lưu lại với mọi miền đất nước. 
 
Tháng ba Tây Nguyên, tại Nhà sáng tác Đà Lạt, trong buổi giao lưu với các văn nghệ sỹ, chúng tôi đã cùng hát lên ca khúc: Cây đàn tính dây trong dây đục/ Ăn cơm lam mấy khúc/ Áo tơ tằm em dệt bền lâu… Ông Nguyễn Thanh Đạm - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng quê ở đất chèo Thái Bình nhưng đã từng đến Cao Bằng tiếp lời: Lên Cao Bằng chưa thấy phố phường đâu... Nhưng hoa cháy đỏ miền rừng Phia Bioóc - Ông bảo: Cao Bằng, đấy là vùng đất của dân ca. Còn ngay tại thành phố Đà Lạt này, Dương Toàn Thiên - nhạc sỹ người Cao Bằng đã đem đến vùng đất xứ ngàn hoa một sắc thái mới lạ làm phong phú thêm đời sống văn hóa văn nghệ của Đà Lạt - Lâm Đồng. 
 
Nhớ lại những năm kháng chiến nhạc sỹ Hoa Cương đã thầm nhắn gửi: Từ Việt Bắc quê hương/ gửi tới người thương tiếng tính tiếng then. Dù rằng em hát chưa hay/ Khi chiến thắng anh về… Chào mùa xuân đất nước em lại hát đón anh. Ca khúc ấy được sáng tác theo làn điệu then tính đã từng một thời vang xa. Còn ca khúc nổi tiếng Tiếng hát giữa rừng Pác Bó của nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ, theo các vị thành viên hội đồng thẩm định âm nhạc thời bấy giờ kết luận: Đấy là âm hưởng của làn điệu then Tày. Với bề dày lịch sử, bản sắc độc đáo và cả những thành công trong văn hóa nghệ thuật, then tính của đồng bào các dân tộc Việt Bắc đã được đệ trình lên UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể. Then tính Cao Bằng đã trở thành niềm tự hào của nền văn hóa dân tộc. Niềm tự hào đó đang được nuôi dưỡng, động viên, khuyến khích lớp trẻ hôm nay theo học đàn tính. Nhiều địa phương làng, xã ở Hà Quảng, Hòa An, Thạch An, thành phố Cao Bằng... vẫn duy trì đội văn nghệ hoặc câu lạc bộ hát then, đàn tính. 
 
Ông cha ta từng nói: Văn hóa ta còn, thì dân tộc ta còn. Bản sắc văn hóa dân tộc là tài sản thiêng liêng vô giá. Non nước Cao Bằng đã được thế giới công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Cùng với cảnh sắc hùng vĩ của thiên nhiên ban tặng, Cao Bằng còn có sản phẩm tinh thần độc đáo do con người tạo ra. Tiếng tính, tiếng then chính là biểu tượng văn hóa đặc sắc, đã và đang hòa nhập với dòng chảy văn hóa Việt Nam; văn hóa nhân loại; nhưng bản sắc riêng sẽ mãi mãi trường tồn bởi luôn còn đó bao lớp người yêu say tiếng tính, tiếng then. Còn đó những người miệt mài chăm chút làm ra cây đàn mộc mạc đơn sơ thuần khiết và những nghệ nhân, nghệ sỹ nhiệt huyết truyền nghề cho thế hệ trẻ hôm nay, mai sau... Hy vọng họ là những người luôn gìn giữ vun trồng cho hồn cây đàn tính tiếp tục ngân cao, vang xa cùng với nền văn hóa giàu bản sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
 
LÃ VINH