Sức sống bài ca trù "Hồng Hồng Tuyết Tuyết" của Dương Khuê

06:08, 22/08/2019

Dương Khuê là một trong những tác giả tài năng của văn học Việt Nam. Trong tất cả những tác phẩm ông để lại phải kể tới bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết - đây không chỉ là thể hiện sự mẫu mực của thể loại mà còn là một không gian thẩm mỹ nhiều chiều cho sự cảm nhận của người đọc. 

Dương Khuê là một trong những tác giả tài năng của văn học Việt Nam. Trong tất cả những tác phẩm ông để lại phải kể tới bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết - đây không chỉ là thể hiện sự mẫu mực của thể loại mà còn là một không gian thẩm mỹ nhiều chiều cho sự cảm nhận của người đọc. 
 
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
 
Kỹ thuật thể hiện trong bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết của Dương Khuê đạt trình độ cao. Đây là bài Hát nói được viết đủ khổ, tức là 11 câu chia ra ba khổ gồm: khổ đầu (4 câu đầu), khổ giữa (4 câu tiếp) và khổ xếp (3 câu cuối). Mười một câu trong bài hát nói bố trí đủ khai, thừa, chuyển, hợp đúng như một bài thơ và có thể chia ra như sau: hai câu đầu (1, 2) gọi là hai câu tổng - mạo hay phá đề. Hai câu tiếp theo (3, 4) gọi là hai câu thừa đề hay nhập đề. Câu 5, 6 là hai câu thực, diễn tả đại ý của bài. Bốn câu (7, 8, 9, 10) gọi là bốn câu phụ diễn dùng để khai diễn rộng thêm những ý trong câu thực (5, 6). Câu 11 gọi là câu kết dùng để tóm đại ý của bài.
 
Mưỡu (lời dẫn) I:
 
Ngày xưa Tuyết muốn lấy ông,
 
Ông chê Tuyết bé, Tuyết không biết gì.
 
Bây giờ Tuyết đã đến thì
 
Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già.
 
Đến với bài thơ bắt đầu từ cái tên của nó như là một ngả đường vào tác phẩm. Bởi thế, đôi khi là một chìa khóa, từ - chìa khóa, mở được cửa vào một tòa nghệ thuật. Đầu đề bài Hát nói này có thể hiển ngôn như Gặp cô đào cũ, nhưng cũng có thể hàm ngôn như Hồng Hồng, Tuyết Tuyết. Hồng, Tuyết có thể là tên thật hay tên hiệu của đào nương, cũng có thể là ẩn dụ của chim hồng trên tuyết theo cách đọc của Dương Thiệu Tống... nhưng dù có thế nào thì cách sử dụng ngôn ngữ của Dương Khuê cũng thật tinh tế.
 
Mưỡu II:
 
Nước, nước biếc, non, non xanh,
 
Sớm, tình tình sớm, trưa, tình tình trưa.
 
Nhớ ai tháng đợi năm chờ,
 
Nhớ người độ ấy, bây giờ là đây.
 
Nước có màu biếc của nước, non có màu xanh của non, mỗi sự vật đều có tính riêng của nó. Lâu nay tôi vẫn trông đợi ở ông, đến bây giờ gặp lại nhau thì ông đã thay đổi khác xưa rồi. Hay nói cách khác Non nước ở câu thứ nhất nói về cái tự nhiên, về không gian, còn tình sớm trưa ở câu thứ hai nói về con người, về thời gian. Mưỡu I và mưỡu II, một hiển ngôn và một hàm ngôn, một tự sự và một trữ tình triết lý tương phản và thống nhất với nhau như một cặp câu đối treo trước cổng một ngôi đền nghệ thuật.
 
Nói: 
 
Hồng Hồng, Tuyết Tuyết,
 
Mới ngày nào chửa biết cái chi chi.
 
Mười lăm năm thấm thoắt có ra gì,
 
Ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu.
 
Vậy bốn câu hát trong bài “Hồng Hồng, Tuyết Tuyết” có thể hiểu như tác giả Dương Thiệu Tống là: “Mới ngày nào đây ta như cánh chim Hồng bay bổng, nào có biết “cái chi chi”. Thấm thoắt đó mà đã 15 năm rồi, khi ta nhìn trở lại thì đã đến lúc ta bị “hứa gả” cho người ta rồi” . Ở trong đoạn này, tác giả dựng lên hai thời điểm, xưa nàng còn nhỏ, còn chưa biết yêu là gì. Nay nàng đã lớn, tới kỳ tơ liễu. Khoảng cách giữa hai thời điểm đó có thể là 15 năm, đây chỉ là một thời gian ước lệ. Ở đây tốc độ thời gian đã gây cho người kể chuyện - nhân vật trữ tình cảm giác bàng hoàng qua việc sử dụng một loạt những từ như mới (ngày nào), thấm thoắt, xa gì, ngoảnh mặt, đã tới. Cái mới trong đoạn thơ này là cảm xúc thẩm mỹ, cảm xúc của con người trước tốc độ của thời gian:
 
Ngã lãng du thời, quân thượng thiếu,
 
Quân kim hứa giá, ngã thành ông.
 
Khi ta đương tuổi chơi thì nàng còn bé, nay nàng đã đến tuổi lấy chồng thì ta đã thành ông (đã già rồi). Đó là lối giải thích theo nghĩa chữ “Quân” là tiếng vợ gọi chồng hay chồng gọi vợ. Nhưng chữ “Quân” viết y hệt như vậy cũng có nghĩa là “Vua”. Phải chăng đây là một lối chơi chữ của tác giả? Nếu hiểu theo nghĩa thứ hai này thì hai câu thơ chữ Hán trên có ngụ ý: “Ngày trước lúc tôi rong chơi thì nhà vua lên ngôi khi còn trẻ (Tự Đức lên ngôi năm 1847 lúc 19 tuổi, khi ấy Dương Khuê chỉ mới 8 tuổi). Bây giờ (1883), ngài hứa giá (đất nước) cho người ta rồi (Pháp) thì tôi đã quá lứa rồi”. Vậy những câu thơ trên cho chúng ta nhận thấy một điều tình hình đất nước đã xảy ra như vậy thì vua tôi đều sượng sùng. Tất cả đều nhìn nhau mà ái ngại. Bây giờ chỉ còn niềm an ủi là đi đi, lại lại, chốn triều đình (thanh sơn) để vua tôi cùng ngây ngây, dại dại với nhau trước tình hình đất nước.
 
Đàn ai? Một tiếng dương tranh...
 
Ý nghĩa của hai chữ “dương tranh” ở đây được hiểu rõ khi liên hệ nó với các câu thơ trên, “dương” là “nổi lên”, “tranh” là “tranh giành, tranh đấu”. Từ cách lý giải đó ta có thể hiểu được nghĩa bóng của câu thơ: “Trong khi triều đình đang ngây ngây, dại dại với nhau như vậy thì đâu đây đã nổi lên những cuộc đấu tranh chống xâm lăng ở Bắc Kỳ” . 
 
Các nghệ sĩ biểu diễn ca trù. Ảnh: daidoanket.vn
Các nghệ sĩ biểu diễn ca trù. Ảnh: daidoanket.vn
 
Tóm lại, tiếp cận bài thơ độc giả có thể hiểu theo hai nghĩa mà nghĩa nào cũng gây hứng thú cho người đọc. Theo nghĩa đen thì đây là một khách làng chơi già khi gặp lại một cô nhân tình cũ mới đến tuổi dậy thì. Nghĩa bóng của bài thơ nói lên nỗi phẫn uất hay oán trách của giới nho sĩ đã từng là nạn nhân của tư tưởng chật hẹp và thái độ nhu nhược của vua Tự Đức trước cuộc xâm lăng của thực dân Pháp. 
 
Bài thơ “Hồng Hồng Tuyết Tuyết” của Dương Khuê là một trong những bài thơ tiêu biểu cho thể loại Hát nói. Nghệ nhân ca trù đã hòa quyện lời thơ bay bổng cùng với giai điệu âm nhạc làm cho bài Hát nói này luôn sống mãi trong tâm hồn người Việt Nam.
 
HOÀNG HIỀN