Ðồng quê xào xạc

12:01, 28/01/2022
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Đêm. Ngôi nhà của vợ chồng Viết đang im lìm, bỗng vang lên tiếng ho sù sụ của bà Lãm ở gian nhà ngoài. Viết đang ngủ ở trong buồng với vợ, bị đánh thức bởi tiếng ho thì gắt:
 
- Khổ quá, tôi đã nói bao nhiêu lần với bà rồi, ho thì phải bịt mõm lại.
 
- Tôi vẫn nhớ nhưng mà tôi bịt tay không kịp, anh thông cảm!
 
Hụ hụ hụ, lại một tràng ho nữa được phát ra từ lồng ngực lép kẹp nhưng lần này thì bà Lãm đã kịp lấy cái khăn mặt để ở đầu giường bịt chặt lấy miệng nên tiếng ho chỉ phát ra hụ hụ mà không to thành tiếng. Viết bảo sao dạo này bà hay ho thế, sao không đi… Nói đến đây, Viết kịp dừng lời. Viết định nói sao bà không đi mà khám, chữa bệnh ho nhưng chợt nhớ ra là bà làm gì có tiền, mà vợ chồng Viết lại cũng chẳng bao giờ cho tiền bà đi khám bệnh.
 
Viết nằm sát vào vợ, gạ gẫm, gã gác chân lên đùi vợ.
 
- Để yên cho người ta ngủ - Vợ gã gắt gỏng.
 
- Nhưng mà bà già kia ho, không ngủ được.
 
- Lại ho, không khéo bị bệnh ho lao, lây sang cả nhà thì chết! Tìm cách mà đuổi khéo mụ ấy đi!
 
- Đuổi làm sao được, dù sao cũng là mẹ mình.
 
- Ôi dào, mẹ nuôi chứ phải mẹ đẻ đâu mà phải lăn tăn.
 
Bên giường ngoài, bà Lãm nghe thấy hết tất cả những âm thanh và lời thoại của vợ chồng Viết, hai hàng nước mắt bà tràn ra. Bà không ngờ, bà nhặt Viết bị bỏ rơi ngay sau khi đẻ ở nhà vệ sinh bệnh viện phụ sản mang về nuôi nấng cho đến khi Viết ba mươi tuổi. Viết ăn chơi, lười lao động, lại còn trộm cắp, bà xấu hổ với xóm làng lắm nhưng con dại cái mang, bà đành cắn răng chịu đựng. Bà nghĩ có khi lấy vợ, Viết sẽ chí thú làm ăn, thế là bà đi tìm vợ cho Viết nhưng chẳng người con gái nào trong làng dám lấy, vì Viết bị chột mắt, lại hay lêu lổng. Tìm mãi, cuối cùng cũng có cô gái mắt lé ở làng bên đồng ý làm vợ Viết. Thôi thì nồi nào úp vung nấy, bà Lãm vay mượn cưới vợ cấp tốc cho Viết. Tưởng vợ chồng Viết sẽ mang ơn bà, sống với bà tử tế, nào ngờ chúng coi bà còn thua đứa ở. Ngôi nhà của bà Lãm đứng tên bà, sợ khi chết đi bà không sang tên cho Viết nên hai vợ chồng đã lừa bán ngôi nhà của bà rồi mua ngôi nhà khác đứng tên Viết. Khi biết được âm mưu của vợ chồng Viết thì mọi việc đã xong xuôi, bà gọi Viết vào bảo, bà chết đi nhà này bà chả cho Viết thì cho ai, sao lại phải làm cái chuyện gian dối ấy? Viết vò đầu, gãi tai giải thích rằng, sợ bà tuổi cao sức yếu ra đi mà không kịp viết giấy sang tên thì dễ bị kẻ khác nhăm nhe chiếm nhà nên mới làm vậy.
 
Khi hai vợ chồng Viết chở hai đứa con đi học rồi đi làm đồng luôn, bà Lãm lấy bao diêm bỏ vào túi áo, rời nhà đi ra chợ làng. Bà lấy ba mươi ngàn được mừng tuổi hồi tết mua nải chuối, thẻ hương và tập tiền giấy rồi đi đến ngôi miếu ở đầu làng. Bà lấy bốn nén hương, bật diêm châm lửa, cắm vào các bát hương, còn thiếu một bát chưa có hương, bà lấy tiếp một nén hương nữa châm lửa. Cắm xong nén hương cuối cùng, bà khấn thần linh:
 
- Con lạy thần linh hãy cho con về với các cụ tổ tiên, với chồng con nhanh nhanh lên, con không thiết sống thêm một ngày nào trên cõi trần gian nhọc nhằn này nữa.
 
Bà vái ba vái, hóa vàng rồi đi ra khỏi ngôi miếu. Bà không quay về nhà mà lụi cụi đi ra phía cánh đồng. Bà đi xuyên qua cánh đồng đang vào thì con gái. Cánh đồng thì mênh mông, bà thì liêu xiêu bé nhỏ như cánh cò bay lả ngược chiều gió. Thi thoảng, bà cúi xuống ve vuốt những lá lúa xanh mơn mởn đang xào xạc trong gió, bà hít hít mùi lúa, những cây lúa rung rinh vẫy chào bà, một bà lão nông dân thân quen. Lên bờ mương, bà rẽ phải đi vào con đường chạy dọc bờ sông, bà đi xa, xa mãi cho đến khi phải leo lên một cái cầu để thoát hẳn khỏi làng thì dừng lại. Chiếc cầu bắc qua sông, nối hai xã, nó không dài nhưng khá cao, dòng sông thì chảy xiết. Bà hoa mắt, ngã lăn xuống dòng sông. Nhưng thần linh chỉ thử thách bà mà không cho bà ra đi trong cô đơn, buồn đau cho nên khi bà mở mắt tỉnh lại đã có tiếng reo lên sung sướng:
 
- Bà tỉnh rồi!
 
Bà Lãm tưởng đó là tiếng kêu của Viết nhưng không, tiếng kêu của anh Khảo - một người đàn ông trạc tuổi Viết. Vậy là bà hiểu người này đã cứu bà thoát khỏi cái chết. Người đàn ông rối rít gọi vợ mang cháo đến. Từ dưới bếp, chị Lan bưng bát cháo lên. Người chồng bảo may quá, bà đã tai qua, nạn khỏi. Cô vợ bê bát cháo lại cạnh chỗ bà dỗ dành:
 
- Bà ăn tí cháo cho lại người!
 
Chẳng đợi bà trả lời không hay có, chị Lan lấy thìa xúc cháo, ghé vào miệng bà. Đôi mắt bà ứa lệ vì xúc động, chưa bao giờ bà được ai bón cháo, ngay cả những lần ốm tưởng chết, vợ chồng Viết cũng không bao giờ nấu cháo cho bà chứ đừng nói là bón cháo. Bà hớp hớp từng tí cháo. Cháo gà nóng có hành làm cho người bà nóng lên. Đến chiều thì bà có thể ngồi dậy được, anh Khảo hỏi nhà bà ở đâu để đến báo kẻo con cháu lo âu, đi tìm. Bà khẽ lắc đầu, nước mắt lại ứa ra nhiều hơn, bà kể qua cho vợ chồng anh Khảo nghe về tình cảnh của mình. Cả hai vợ chồng Khảo đều lặng đi vì thương bà. Anh Khảo bảo:
 
- Cả hai vợ chồng cháu đều bị mất mẹ từ sớm, nhiều lúc thèm một tiếng gọi mẹ mà không được. Vậy bà ở lại nhà chúng cháu, vợ chồng cháu xin phép được coi bà là mẹ!
 
Bà nghĩ đến Viết, đứa con mà bà nuôi từ ngày bị bỏ rơi, bao mồ hôi nước mắt thế mà nó còn hắt hủi bà, thì sao bà có thể tin được lời nói của hai vợ chồng này, mặc dù họ đã cứu bà thoát khỏi chết đuối. Bà bảo chả dám làm phiền hai vợ chồng, bà chỉ xin ở thêm một vài hôm cho khỏe rồi ra đi. 
 
Anh Khảo kéo vợ ra một chỗ nói nhỏ, chắc bà tự tử, tội nghiệp bà, bà không tin vợ chồng mình, mình phải thế này, thế này. Chị Lan gật đầu, cả hai đi đến bên bà, quỳ xuống:
 
- Mẹ hãy tin vợ chồng chúng con, chúng con xin nhận mẹ làm mẹ nuôi từ tấm lòng, nếu có toan tính gì thì xin giời cao trừng phạt!
 
Nói xong, vợ chồng anh Khảo đi đến bàn thờ, thắp hương, khấn vái mẹ đẻ hãy cho phép hai vợ chồng được nhận người mẹ nuôi này cho vui cửa vui nhà, cho các cháu được gọi tiếng bà. Nếu hai vợ chồng ăn ở thất đức, xin mẹ cứ ra tay xử phạt. Lời khấn của vợ chồng anh Khảo khiến bà Lãm cảm động, bà cảm nhận được tấm lòng chân thật của vợ chồng Khảo. Bà bảo thật phúc đức vì cho mình gặp được vợ chồng anh Khảo, bà xin nhận hai vợ chồng làm con nuôi nhưng bà chả có gì cho hai con cả. Vợ chồng anh Khảo mừng quá, ôm lấy bà Lãm như thể ôm người mẹ đẻ đi xa lâu ngày mới gặp.
 
Buổi chiều, hai đứa con của vợ chồng anh Khảo đi học về, anh Khảo dẫn cái Nhị, thằng Tuất đến trước mặt bà Lãm khoanh tay chào bà, bảo đây là bà nội. Chúng ríu rít bên bà như bầy chim non bên mẹ. Bà mừng mừng, tủi tủi trước niềm vui mà không bao giờ dám nghĩ tới.
 
Đêm ấy, bà Lãm ngủ riêng một phòng trên tầng hai. Bà lại ho, do bị ngấm nước lạnh nên bà càng ho nhiều hơn, to hơn. Bà cũng đã cố lấy khăn bịt mồm mỗi lần ho nhưng tiếng ho dù nhỏ song vẫn vọng lên tầng ba nơi vợ chồng anh Khảo đang ngủ. Chị Lan đi xuống, vào phòng bà hỏi:
 
- Bà bị cảm lạnh rồi, để con đánh gió cho.
 
Chị Lan lấy lọ dầu gió đánh gió cho bà Lãm, bà bảo bị ho từ mấy hôm rồi. Chị Lan nói bà cố chịu đến sáng mai rồi đưa bà đi bệnh viện khám. Sáng hôm sau, anh Khảo đưa bà đến bệnh viện khám, bà ngại lắm vì chưa giúp được việc gì cho vợ chồng anh Khảo mà đã làm cho vợ chồng anh phải lo lắng, tốn tiền đưa bà đi khám bệnh. Bà Lãm nói không cần phải đi khám, cứ ra hiệu thuốc mua cho bà ít thuốc ho, uống là khỏi. Vợ chồng anh Khảo không nghe, nằng nặc đòi đưa bà đi viện khám. 
 
Từ ngày nhận bà làm mẹ nuôi, cuộc sống trong gia đình vợ chồng anh Khảo cũng đầy ắp tiếng cười, ngay chính anh Khảo cũng tâm sự với vợ rằng nhà mình nhờ có mẹ Lãm về ở cùng mà vợ chồng con cái rất ít khi ốm đau, công việc của anh ở cơ quan thì thuận buồm xuôi gió. Chị Lan cũng đồng tình với chồng, chị nói rằng cái cửa hàng kinh doanh vải của chị ở chợ thị trấn huyện dạo này cũng tấp nập người mua, mà toàn những người mua cả súc vải nên lãi càng nhiều. Chị còn bàn với chồng, tháng tới, khi hai đứa con nghỉ hè, cả nhà sẽ đưa bà lên Hà Nội tham quan một chuyến, cả đời bà chưa biết Thủ đô, chưa được vào thăm Lăng Bác bao giờ. Anh Khảo phấn khởi, nhất trí với sáng kiến của vợ.
 
Lần đầu tiên trong cuộc đời bà Lãm được đặt chân đến Thủ đô. Thủ đô đẹp quá, người xe nườm nượp như mắc cửi. Bà được vợ chồng anh Khảo dẫn vào thăm Lăng Bác, Văn miếu - Quốc Tử Giám, đi Thảo cầm viên xem thú, thấy voi, hổ, khỉ, cái Nhị, thằng Tuất cứ dán mắt vào nhìn, còn bà thì hỏi nhân viên chăm sóc thú, cái ông Ba mươi dữ tợn kia ngày xơi hết cả một con lợn thì tiền đâu mà nuôi ông? Anh nhân viên bảo đúng vậy, nếu thả phanh ra thì ông Ba mươi phải xơi hết ngày một con lợn mấy chục cân nhưng kinh phí có ít nên chỉ cho ông ấy ăn vừa phải thành ra cái bộ xương sườn của ông Ba mươi mới nhô ra thế kia.
 
Hà Nội với bà, cái gì cũng lạ, cũng thích nhưng bà ưng cái bụng nhất vẫn là được vợ chồng anh Khảo cho vào thăm Lăng Bác, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, đền Quán Thánh, đền Ngọc Sơn. Vợ chồng anh Khảo là người tín ngưỡng, nhất là chị Lan làm nghề buôn bán nên đi đến đền, chùa nào họ cũng đặt lễ, thắp hương khấn vái. Bà và hai đứa nhỏ được vợ chồng anh Khảo cho đứng ở giữa, bà cũng khấn thầm trong miệng, bà cảm ơn trời Phật có mắt, thương người nên cuối đời đã cho bà có người con nuôi hiếu thảo. Khi ở chùa Quán Sứ ra, vợ chồng anh Khảo đang lúi húi mua mấy cuốn khấn Nôm, kinh Phật thì có thằng bé bán vé số dạo đến năn nỉ vợ chồng anh Khảo mua nốt cho nó chỗ vé số còn lại, cả hai người không mua, nó đến bên bà, nước mắt ngân ngấn, bảo rằng không bán hết chỗ vé này, tối nay và ngày mai nó phải nhịn đói. Bà sực nhớ đêm qua, bà nằm mơ thấy thần linh ở miếu làng đến bảo ngày mai có đứa trẻ nào đến bán cái gì thì mua cho nó. Thế là bà lấy số tiền mà vợ chồng Viết thỉnh thoảng cho bà để bà ăn quà vặt nhưng bà tiếc tiền không ăn, mua vé cho thằng bé, tất cả mười lăm tờ vé số hết bảy lăm ngàn. Bà bỏ mười lăm tờ vé số vào túi áo, định bụng tối về đưa cho anh Khảo nhưng bà quên khuấy đi mất. Sáng ra bà sờ túi áo, thấy vé số, bà gọi anh Khảo đến kể về giấc mơ, về việc mua vé số. Anh Khảo tức tốc ra bàn vé số ở cạnh khách sạn so số. Mắt anh hoa lên, mười tờ vé số mang ký hiệu NA 30046 của bà trúng số độc đắc.
 
Cả phố huyện xôn xao về việc bà Lãm đi tham quan Hà Nội trúng số độc đắc được một tỷ năm trăm triệu. Cái tin này cũng bay nhanh về làng bà, thì ra bà Lãm bỏ nhà ra đi, được thần linh ở miếu làng phù hộ cho trúng số độc đắc. Ngôi miếu làng trước kia vắng vẻ, nay người làng, người huyện, người tỉnh trong, tỉnh ngoài đến xếp hàng rồng rắn để được bê lễ vật vào thắp hương, cầu thần linh phù hộ cho mình trúng số, trúng lô đề, buôn năm lãi mười, thăng quan tiến chức.
 
Sáng nay, mới sớm tinh mơ, tiếng chuông cổng nhà anh Khảo đã vang lên dồn dập, anh đi ra mở cổng, một chiếc xe tắc-xi đang nổ máy chờ ngay trước ngôi nhà, một người đàn ông bước xuống hỏi:
 
- Xin lỗi bà Lãm có nhà không?
 
- Có, anh là ai?
 
Vừa lúc đó bà Lãm từ trong nhà đi ra, người đàn ông lao lại phía bà, kéo ra tắc-xi:
 
- Bà về ở với vợ chồng chúng con, chúng con tìm bà rõng rã mấy tháng trời.
 
 Thì ra là Viết, từ ngày bà bỏ nhà ra đi, Viết chỉ ra xã trình báo mà không một lần đi tìm kiếm. Tìm làm chi khi bao lần vợ chồng Viết muốn tống bà ra khỏi nhà, nay bà tự bỏ đi, cơ hội vàng bạc này là cái cớ tốt đẹp đuổi bà đi mà dân làng không thể trách móc. Nay biết tin bà trúng số độc đắc, Viết đã thuê hẳn xe tắc-xi để đón bà về. Bà Lãm kêu lên:
 
- Không, cứu tôi với!
 
Anh Khảo bảo:
 
- Bỏ mẹ tôi ra!
 
Viết quát to:
 
- Tao mới chính là con!
 
- Không, tôi không có đứa con bạc bẽo như anh. Bỏ tôi ra, bỏ tôi ra!
 
Ầm ĩ cả phố huyện, cuối cùng anh Khảo phải gọi điện cho cảnh sát 113 đến mới giải cứu được bà Lãm khỏi sự hung hãn của Viết. Viết tuyên bố sẽ khởi kiện ra tòa.
 
Ngày tòa án huyện xét xử nguyên đơn Lê Công Viết kiện bị đơn Đào Văn Khảo về tội chiếm đoạt mẹ nuôi, người dân trong huyện kéo đến xem rất đông, bên trong hội trường xử án chật kín, người ta còn đứng tràn ra cả hành lang.
 
Thẩm phán:
 
- Nguyên đơn cho biết mục đích của việc kiện bị đơn?
 
Nguyên đơn:
 
- Tôi muốn đón mẹ nuôi về nhà để phụng dưỡng.
 
Thẩm phán:
 
- Tại sao mẹ nuôi bỏ nhà ra đi đã năm tháng mà nay bị đơn mới đón về? Phải chăng là do mẹ nuôi mới trúng số độc đắc?
 
Nguyên đơn:
 
- Bà không về ở với tôi thì tòa cũng phải xử cho tôi được một nửa số tiền mà mẹ tôi trúng số.
 
Thẩm phán:
 
- Số tiền đó phát sinh sau khi bà Lãm đi khỏi nhà nguyên đơn nên quyền quyết định là của bà Lãm.
 
Nguyên đơn:
 
- Nhưng dẫu sao, nhờ bỏ nhà ra đi thì mẹ tôi mới trúng số.
 
Thẩm phán:
 
- Nhưng nếu bị đơn không dũng cảm nhảy xuống sông cứu thì bà Lãm liệu có còn sống để mua vé số? Vậy nên với anh, coi như bà Lãm đã chết, nếu trả tiền cho anh thì chỉ trả tiền cỗ quan tài một triệu năm trăm ngàn đồng. Còn tiền mua hương hoa, vải liệm, nến, bát cơm quả trứng thì lấy vào tiền phúng viếng của dân làng.
 
Nguyên đơn:
 
- Một cỗ quan tài, thưa tòa giá thị trường là ba triệu, sao tôi chỉ được một nửa tiền?
 
Thẩm phán:
 
- Ba triệu là quan tài loại tốt. Một người như anh, bà Lãm bị ho cũng sợ tốn tiền không đưa đi khám thì liệu anh có hào phóng mua cỗ quan tài loại tốt không?
 
Cả hội trường xử án vỗ tay tán thưởng. Thẩm phán hỏi bà Lãm:
 
- Số tiền trúng số này hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của bà, bà định làm gì với số tiền này?
 
 Bà Lãm:
 
- Trả vợ chồng anh Viết hẳn cỗ quan tài loại tốt ba triệu, cho hai đứa con của vợ chồng anh Viết mỗi đứa năm chục triệu đem gửi tiết kiệm để lấy tiền ăn học, còn bao nhiêu tôi cho tất vợ chồng anh Khảo.
 
Bị đơn:
 
- Con xin cảm ơn mẹ. Con nhận mẹ làm mẹ nuôi không phải vì tiền vì vậy con chỉ xin nhận một triệu để lấy cái lộc, cái phúc của mẹ, còn bao nhiêu con xin đem tặng cho Trung tâm Bảo trợ huyện để giúp đỡ các cụ già cô đơn. Mẹ yên tâm, con sẽ nuôi dưỡng mẹ như mẹ đẻ, khi nào mẹ trăm tuổi, chúng con sẽ lo ma chay, cúng giỗ chu đáo cho mẹ.
 
Tiếng vỗ tay vang lên rầm rầm. Bỗng huỵch, nguyên đơn ngã chúi người xuống chân nghế. Thẩm phán định gọi xe cấp cứu nhưng bà Lãm bảo không cần, bà nói nhỏ vào tai anh Khảo, anh đi đến bên Viết cầm mấy tờ năm trăm ngàn dúi vào tay Viết. Thật diệu kỳ, chỉ một lúc sau Viết tỉnh lại, mắt nhìn chằm chằm vào những tờ năm trăm ngàn.
 
VŨ ĐẢM